Những cuộc ly hôn của các vợ chồng “đại gia” thường ồn ỹ vì liên quan đến nhiều người, vì tài sản và họ là những người ít nhiều có tiếng tăm, gia đình từng là kiểu mẫu trong xã hội. Khi đến lúc phải chia tay, họ dùng đủ thủ đoạn, mánh khóe, kể cả các phương tiện truyền thông để hạ nhục lẫn nhau, quyết liệt trong phân chia tài sản. Cái khác người là họ tỏ ra rất đạo đức, biết điều, ứng xử cao thượng nhằm che đậy những thủ đoạn “xuống tay” tàn độc với nhau.
Bạo lực gia đình này càng gia tăng dưới các hình thức khác nhau và không phải chỉ ở các kẻ “phàm phu, tục tử” mà cả ở tầng lớp trí thức hay cán bộ nhà nước. Chính cái đó “làm nền” cho các vụ án mạng ghê người trong gia đình, chồng dìm chết vợ trong thùng phuy rồi mang xác về quê làm đám ma nhằm phi tang, vợ thản nhiên phân thây chồng đi vứt ở các bãi rác khác nhau, còn rất nhiều dẫn chứng về chuyện này. Những đứa cháu giết bà trong cơn “ngáo đá” lấy vài đồng bạc nhưng những kẻ phi tang xác vợ, phân thây chồng kia thì họ “ngáo” gì?
Sự lạm dụng tình dục trẻ em từ khu chung cư đến trường học, từ nhà bạn bè đến trên taxi đã là nỗi đau, day dứt khôn cùng của gia đình và xã hội. Nhưng, tệ hại hơn và không biết lý giải thế nào khi các bà mẹ làm ngơ cho chồng mình (hoặc người tình) xâm hại tình dục con gái riêng của mình, thậm chí, lúc ra Tòa, còn “xin” cho kẻ mất nhân tính kia. Đây cũng là hệ lụy từ việc ly hôn, con trẻ không còn một chỗ thực sự gọi là tổ ấm gia đình.
Việc giữ gìn và duy trì mối liên kết bền chặt giữa các thành viên trong gia đình giờ đây dường như không được coi trọng nữa và vì thế, giá trị gia đình đang mất dần. Rất nhiều trường hợp cán bộ cùng đồng nghiệp nữa vào nhà nghỉ và liên tiếp những chuyện đáng ghen kinh hoàng xảy ra. Mới đây lại có chuyện chồng chở vợ mới đi đánh ghen vợ cũ một cách dã man. Cái hình ảnh thơ mộng, đầy day dứt, bâng khuâng và cũng rất nhân văn: “Chở người yêu đi qua nhà người yêu cũ” nay chỉ còn là dĩ vãng xa xôi.
Một khi cương thường đảo lộn, giá trị gia đình lung lay thì hệ quả trực tiếp là gia đình đó gánh chịu nhưng lại là hệ lụy lâu dài cho xã hội. Vì vậy, trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể đóng vai trò lớn trong lĩnh vực này. Tiếc thay, họ thường làm ngơ, đúng như câu tục ngữ: “Đèn nhà ai, nhà nấy rạng” một cách vô tình, vô cảm, vô trách nhiệm!