Luôn có hai tiếng “Việt Nam” ở trong tim

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Từ năm 2018, Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã thực hiện sứ mệnh kết nối rất nhiều trí thức trẻ. Không ít công trình nghiên cứu khoa học chất lượng, thiết thực đã hoàn thành. Người Việt trẻ dù sống ở đâu trên thế giới cũng một lòng hướng về Tổ quốc…
Những người Việt trẻ luôn khát khao mang những nghiên cứu của mình trở về, vì hai tiếng “Việt Nam”.
Những người Việt trẻ luôn khát khao mang những nghiên cứu của mình trở về, vì hai tiếng “Việt Nam”.

Bông hồng xinh đẹp và những ấp ủ cho quê hương

Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, Nguyễn Thị Sao Ly sang Mỹ năm 15 tuổi. Ly học lớp 11 Trường King’s Academy, sau đó trở thành sinh viên Đại học California tại Los Angeles, tốt nghiệp cử nhân trong top 5% người giỏi nhất trường.

Sao Ly cũng là một trong những nhân vật đặc biệt được nhắc đến trong cuốn sách nổi tiếng “Rạng danh tài trí Việt năm châu”. Cô gái Việt tốt nghiệp thủ khoa ngành Hóa Sinh Đại học California, Los Angeles và tiếp tục chọn Hopkins là điểm đến tiếp theo trong chặng đường trở thành nhà khoa học của mình.

5 năm về trước, chị Sao Ly từng là cái tên gây ấn tượng với các bạn trẻ Việt bởi kỳ tích được 8 trường danh tiếng của Mỹ như MIT, Johns Hopkins, Cornell University, University of California San Diego, University of Chicago, Rice University, University of Texas Southwestern và Baylor University cấp học bổng tiến sĩ. Vượt qua hơn 5.000 ứng viên tài năng, Nguyễn Thị Sao Ly - cô gái Việt đến từ Đà Nẵng đã xuất sắc nhận học bổng trị giá 9,3 tỷ đồng của Đại học Johns Hopkins - ngôi trường thuộc top đầu đại học nước Mỹ và top 5 thế giới về lĩnh vực nghiên cứu y học, có Bệnh viện Johns Hopkins nổi tiếng toàn thế giới.

Sao Ly còn được biết đến là một trong những đại diện của Việt Nam tại Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 năm 2019, với sứ mệnh lan tỏa và là người kết nối mô hình giáo dục SARE - dự án nhằm kích thích sự ham học của học sinh yếu kém thông qua việc tham gia và thực hành nghiên cứu khoa học.

Khi còn là sinh viên Đại học California, Sao Ly là thành viên chủ lực của các câu lạc bộ vì cộng đồng như: câu lạc bộ Sức Khoẻ Cộng Đồng người Việt tại Mỹ, Happy Teeth và tổ chức Meels on Wheels.

Với sứ mệnh là người kết nối cộng đồng trong dự án SARE – dự án lan tỏa niềm đam mê nghiên cứu khoa học đến các bạn học sinh, Sao Ly cảm thấy trong những năm vừa qua là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa với mình. Ly đã giúp đỡ các bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học nhưng có hoàn cảnh khó khăn tiến gần hơn với ước mơ của mình, tìm được hướng đi trong cuộc sống. Khi có cơ hội trở thành đại diện Việt Nam tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2019, Ly đã mang ý tưởng này về quê hương, với mong ước giúp các bạn trẻ nước nhà có thể tiếp cận với một lĩnh vực đòi hỏi nhiều thời gian và công sức này, đồng thời chị cũng muốn khơi gợi niềm đam mê khoa học đến các bạn trẻ giống chị.

Nguyễn Thị Sao Ly – cô gái Việt được 8 trường danh giá nước Mỹ trao học bổng tiến sĩ.

Nguyễn Thị Sao Ly – cô gái Việt được 8 trường danh giá nước Mỹ trao học bổng tiến sĩ.

“Ly đã lên kế hoạch và có được những người bạn đồng hành cùng mình cho dự án này vào năm 2020, nhưng do dịch COVID-19, dự án này phải tạm thời gác lại cho đến khi mình có thể về lại Việt Nam”. Chị hy vọng trong tương lai gần, chị sẽ quay trở lại với dự án này.

Sắp tới, Sao Ly sẽ tốt nghiệp tiến sĩ tại Hopkin. Tuy nhiên, với đam mê dành cho các dự án chia sẻ đến cộng đồng không ngừng thôi thúc, dự kiến trong năm nay, chị sẽ cho xuất bản cuốn sách đầu tay đầy tâm huyết của mình. Thông qua dự án xuất bản sách này, Ly muốn đưa các thông tin về bệnh ung thư đến với mọi người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Với mục tiêu tốt nghiệp Hopkins vào cuối năm 2022, chị Ly dự định sẽ làm việc tại một công ty dược lớn “với hy vọng bản thân sẽ chế tạo thành công loại thuốc dành cho những căn bệnh chưa có cách chữa”.

Sao Ly nhắn nhủ các bạn trẻ: “Sự tự tin vào bản thân chính là điều cốt yếu để các bạn bước ra môi trường thế giới. Để theo đuổi ước mơ và đam mê, các bạn cần tin tưởng vào năng lực của chính mình, đừng bao giờ phủ định khả năng vô hạn của bản thân và đừng e ngại rằng “mình không đủ giỏi”. Bạn hãy gạt bỏ cảm giác tự ti mỗi khi tiếp xúc với người giỏi hơn mình, hãy cứ theo đuổi đam mê, tin vào con đường mình đang chọn và nỗ lực để chinh phục nó”.

Cần lan tỏa hơn nữa những kết nối

PGS. TS. Trần Xuân Bách, Tổng thư ký Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam chia sẻ, hàng năm, Diễn đàn không dừng lại ở khía cạnh chuyên môn, mà có sự định hướng, lan tỏa tinh thần thanh niên, sự kết nối cộng hưởng của rất nhiều nhà nghiên cứu, nhóm nghiên cứu trẻ. Thành quả Diễn đàn tạo ra sự kết nối về chiều ngang giữa các trường đại học, các nhà khoa học trẻ trong nước và quốc tế. Chúng ta đang từng bước làm giảm nguy cơ “chảy máu chất xám”, gom góp và nuôi dưỡng trí tuệ Việt ở mọi nơi, hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước”…

Các đại biểu tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, năm 2019 tại Thủ đô Hà Nội.

Các đại biểu tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, năm 2019 tại Thủ đô Hà Nội.

Là một bác sĩ y khoa, nhà sinh học phân tử và doanh nhân, anh Hà Hoàng Thi đến từ Trường Đại học Y của Đại học Harvard (Mỹ) đã có hơn 8 năm kinh nghiệm trong khoa học Y sinh. Chính vì vậy, việc xây dựng những công ty để tạo ra các loại thuốc cho tương lai là tầm nhìn lâu dài trong khoa học của anh. Ngoài ra, Hà Hoàng Thi còn là một chuyên viên cố vấn cao cấp giúp các bạn trẻ định hướng nghề nghiệp. Trong 10 năm qua, anh đã tư vấn rất nhiều sinh viên, giúp họ tìm ra con đường sự nghiệp đúng với đam mê và được nhận vào những trường học nổi tiếng trên thế giới.

Hà Hoàng Thi giới thiệu sáng kiến kết nối du học sinh Việt Nam toàn cầu xây dựng Quỹ học bổng tiếp sức cho học sinh nghèo học giỏi đến trường. Anh tin rằng sự kết nối toàn cầu, sự giao điểm giữa các chuyên ngành để vươn tới tầm nhìn chung và không ngại đuổi theo những ý tưởng táo bạo sẽ tạo nên một sự đổi mới cho tương lai. “Tôi hy vọng có được sự tham gia của trí thức Việt Nam tại nước ngoài thông qua hoạt động tình nguyện ở Việt Nam, đặc biệt tại các trường đại học. Do vậy, như một hệ quả, các hoạt động tình nguyện được chuyên nghiệp hóa thông qua sự đóng góp của các trí thức trẻ sống và học tập ở nước ngoài. Tôi cũng mong Chính phủ, Nhà nước ngày càng có nhiều chính sách cởi mở, quan tâm và tạo điều kiện cho trí thức trẻ ngoài nước được đóng góp công sức, phát huy các sáng kiến, ý tưởng”.

Tại Diễn đàn lần 4 năm 2021, Nhà khoa học trẻ VKIST, TS. Nguyễn Thế Hoàng Anh đã tham gia trình diễn công nghệ nhận diện khuôn mặt và mô hình hóa khuôn mặt ba chiều từ ảnh khuôn mặt thông thường. Các công nghệ này được phát triển dựa trên nền tảng và dữ liệu thu được của công nghệ chụp hình đồng bộ đa góc được Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) chuyển giao trực tiếp cho VKIST. Tại Hàn Quốc, nhóm nghiên cứu của KIST đã thành công trong việc phát triển các công nghệ để xác định mối quan hệ huyết thống, ước lượng sự già hóa của người chụp hay tái hiện một người với các biểu cảm khuôn mặt khác nhau.

Có thể nói, mỗi trí thức nếu chỉ đứng một mình sẽ không làm được điều gì thực sự lớn lao cho đất nước. Chỉ khi chúng ta có sự chung tay và kết nối mới có thể đưa Việt Nam phát triển vươn tầm quốc tế. Như những cánh chim không mỏi, những trí thức trẻ kiều bào luôn khao khát đi và đặt chân đến những vùng đất mới để khám phá kho tàng kiến thức, mở mang sự hiểu biết. Trong trái tim họ, hai tiếng “Việt Nam” luôn là ý thức, động lực và cũng là niềm trăn trở...

Không chỉ các thế hệ trước, những người Việt trẻ thành công khi học tập, nghiên cứu ở những quốc gia có nền khoa học phát triển, luôn khát khao đóng góp trên quê hương mình nhiều hơn nữa, vì khát vọng từ hai tiếng “Việt Nam”.

Mong muốn được hiện thực hóa nghiên cứu khoa học ở Việt Nam

Là Giáo sư tập sự tại Đại học Gachon (Hàn Quốc), TS. Nguyễn Phan Thắng, người được vinh danh Giải thưởng Quả Cầu Vàng 2020 mong muốn được hiện thực hóa nghiên cứu khoa học ở quê hương.

Nói về tiềm năng từ nguồn lực trí thức trẻ Việt, tiến sĩ cho biết, các bạn trẻ khi bước ra môi trường quốc tế đều quyết tâm, nỗ lực cao và đam mê cháy bỏng cho sự nghiệp đi cùng các thế mạnh là sự thông minh, cần cù và sáng tạo. Bày tỏ niềm vui khi Nhà nước đang có rất nhiều chính sách để thu hút tài năng trẻ Việt tại nước ngoài, nhưng theo anh Thắng, các hoạt động thực tế còn chưa phổ biến rộng rãi, nhiều trí thức trẻ có nguyện vọng cống hiến cho đất nước nhưng chưa biết đến thông tin phù hợp để ứng tuyển.

Theo anh Thắng, người Việt trẻ luôn có thể phát huy những thế mạnh, cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng khó khăn chính trong việc thu hút nhân tài ở nước ta hiện nay là cách tiếp cận vẫn đang ở mức bề nổi, mức độ phủ sóng của các chương trình cho tài năng trẻ vẫn còn hạn chế và các kết nối chưa đủ mạnh.

TS. Nguyễn Phan Thắng sinh năm 1987 tại Hà Nội. Tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật hóa học và sinh học, anh có 45 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế. Hiện tại, TS. Nguyễn Phan Thắng đang nghiên cứu về pin tích trữ năng lượng sử dụng các ion kim loại như lithium, natri, canxi. Các nghiên cứu sẽ được công bố trong thời gian tới nhằm cải thiện khả năng tích trữ năng lượng của pin ion kim loại. Mục tiêu của anh là tạo ra những sản phẩm góp phần làm xanh, sạch môi trường, có ích cho con người và môi trường sống.

Đọc thêm