Cậu bé 3 tuổi của tôi, dường như hiểu được mình nhỏ nhất nhà, nên bất kỳ việc gì bé cũng làm nư, hoặc nằng nặc đòi đồ chơi của các anh cho bằng được. Có hôm vì mê thanh kiếm đồ chơi của người anh thứ hai 5 tuổi, hai bên đã xảy ra "cuộc chiến", bên nào cũng không nhượng bộ...
Từ lâu, tôi đã đặt ra nguyên tắc, buộc các con phải tuân theo, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt nặng. Đó là, làm anh thì không được đánh hoặc tranh giành đồ chơi của em cho dù bất kỳ lý do nào, mà em thích thì nhường hết cho em. Nên sự việc chưa ngã ngũ thì tôi đã biết kết quả thế nào rồi, anh chàng 5 tuổi khóc thét lên và đứng cố thủ, mặc cho em trai 3 tuổi dùng kiếm đồ chơi đánh vào người, gõ vào đầu kêu bốp bốp.
Lần này tôi thật sự hốt hoảng, yêu cầu các con phải ngưng đánh nhau ngay, tôi liền đi đến bên cậu út nghiêm mặt yêu cầu phải xin lỗi anh trai và không quên ôm chàng trai 5 tuổi vào lòng để xoa dịu nỗi ấm ức trong lòng con.
Sau sự việc này tôi thấy mình hoàn toàn sai lầm khi có cách nghĩ lệch lạc trong việc giáo dục con trẻ. Thay vì mọi thứ đều được giải quyết công bằng giữa những đứa trẻ, tôi lại thiên vị cho bé nhỏ hơn vì nghĩ rằng bé còn nhỏ không biết gì nhưng thực sự bé thật "tinh ranh", vượt quá giới hạn suy nghĩ của tôi.
Sau đó, tôi buộc phải thay đổi và luôn nói "không" với con khi con có dấu hiệu mè nheo. Thời gian đầu quả là rất khó khăn bé liên tục khóc, quấy, nhưng tôi kiên quyết nói không và kỷ luật bé đến cùng để ngăn chặn hành vi xấu sẽ tiếp tục xảy ra. Sau hơn 1 tuần, tôi cảm nhận con tôi đã tự điều chỉnh, và dần dần vào khuôn khổ, nhưng đôi lúc cũng trở chứng và lại mè nheo.
Cách đây 1 tháng, theo thói quen cứ vào nhà vệ sinh là bé lại lấy cuộn giấy chơi, kéo vương vãi khắp nơi, tôi nhắc nhở lần đầu không nghe, nghiêm mặt lần hai bé mới sợ và không dám tiếp tục. Tuy nhiên để tránh tái phạm những lần tiếp theo, tôi buộc phải nhốt con vào phòng trong thời gian 2 tiếng và giải thích lý do tại sao con bị nhốt... để bé biết rằng khi phạm quy sẽ bị phạt. Ngược lại nếu bé không giành đồ chơi với anh; biết sắp xếp đồ chơi cho gọn gàng sau khi chơi xong hoặc làm việc nhà tốt... đều được tôi treo thưởng rất hậu hĩnh.
Sau lần đó, cậu út không còn dám nghịch đến cuộn giấy, hoặc quăng đồ chơi quanh nhà nữa, mọi thứ dần được ổn định và ngăn nắp hơn trước. Tôi cũng thường tạo những thói quen cho các con, như buổi sáng sau khi thức dậy việc đầu tiên là xếp chăn mền, sau đó đánh răng rửa mặt xong, thì ai cũng bắt tay vào làm việc, nhỏ thì lượm rác, lớn thì quét nhà, lau bàn ghế… ai cũng làm việc bình đẳng và tập thói quen trật tự, nhất quán. Lúc đầu các bé sẽ làm việc rất lọng cọng, nhưng rồi sẽ quen dần và sẽ trở nên thành thạo. Làm việc nhà cũng là một cách để bé hoạt động thể chất, và nâng cao tinh thần tự giác, làm việc nhóm với nhau...
Để tạo một thói quen cho trẻ không đơn giản chút nào. Để làm được điều đó những người làm cha mẹ như chúng ta phải luôn là tấm gương sáng để con noi theo. Đặc biệt con trẻ rất thích ra "điều kiện" để đánh lừa, nên đừng mềm lòng mà phải xử trí đến cùng trên tinh thần công bằng - dân chủ - văn minh.