"Bà Cúc vẫn không thể nào quên giây phút nhận thư của cấp trên gửi mình, động viên bà về việc kết hôn với một người đồng đội: “Mong cháu thật thông cảm cho hoạt động bí mật của chúng ta, không còn cách nào khác bằng cách đánh lạc hướng đối phương, mong cháu vui lòng chấp hành nhiệm vụ”. “Những con chữ nhảy múa, nhưng khi tĩnh tâm lại thì thấu hiểu đó là mệnh lệnh chiến đấu,dù cảm giác bỗng dưng “có chồng” nao nao, ..."
Đón khách trong căn nhà trên đường Thanh Long (quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng), nữ biệt động Trần Thị Kim Cúc, người từng có vinh dự 8 lần được gặp Bác Hồ cười hiền, ngược thời gian kể lại những kỷ niệm khó quên một thời hào hùng.
|
Vợ chồng bà Cúc trong lần được gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng |
Tuổi thơ kiên trung
Bà Cúc sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo thuộc huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), trong một gia đình nông dân. Cũng như bao nhiêu đứa trẻ cùng thời, tuổi thơ của cô bé Cúc sớm chứng kiến những loạt rốc- két của giặc quét qua xóm làng, mỗi ngày đều cướp đi vài sinh mạng vô tội. Vào năm 1949, anh trai của Cúc hi sinh trong một trận đánh cảm tử, cha cũng bị địch tra tấn hành hạ rồi qua đời sau đó. Nhà cửa bị đốt cháy, hai mẹ con Cúc hết phải đi ở nhờ sân chùa rồi đến nhà xóm làng… Lên chín tuổi, cô bé đã là một liên lạc viên nhanh nhẹn, giỏi giang.
Năm 14 tuổi, Cúc tham gia vào đội thiếu niên đánh Mỹ của thôn Bồ Bản (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang). Với tinh thần hăng hái, khôn khéo, thiếu nữ sớm được tổ chức phân công đảm nhiệm vị trí đội trưởng đội công tác đặc biệt, có nhiệm vụ chính là thăm dò tình hình địch, đưa thông tin liên lạc cho cán bộ cách mạng. Nhờ nhan sắc mặn mòi, khéo ăn nói, cô có thể đi lại dò la tình hình địch trên địa bàn; tiếp cận những người lính bị bắt đi quân dịch; vận động họ quay về với cách mạng mà ít bị địch nghi ngờ, xét nét.
Bà Cúc kể lại: “Hồi đó, tui cứ theo chân mấy anh đi nhiều nơi, có khi xuống tận các quận khác để dò la tin tức. Năm 1962, nghe tin có tiểu đội lính Mỹ đến cảng Tiên Sa (quận Sơn Trà) để huấn luyện, tui nhận được thư một cơ sở của mình cài cắm trong quân địch rủ đi xem. Lập tức tui ăn mặc chỉnh tề, nhét vội khẩu súng ngắn vào người, một đồng đội chở tui trên xe đạp dọc theo bãi biển để xem xét. Khi giáp mặt với một toán lính, chúng tôi liền lôi bộc phá vung thẳng về phía chúng.
Nghe tiếng nổ rung trời, bọn lính ở các đồn gần đó gấp rút triển khai bao vây. Chạy được một đoạn, thấy có quán bán bún, tui nhét vội khẩu súng vào nồi nước lèo của bà chủ quán. Ra đến đường cái tui nhảy xe lam về Hòa Vang, còn đồng đội trở lại trại lính như không có chuyện gì. Trận đó có 3 tên Mỹ thiệt mạng và hai tên bị thương”. Những chiến công đó đã tiếp thêm sức mạnh cho nữ biệt động vượt qua gian khổ để hoạt động bí mật trong lòng địch.
Nhiệm vụ… lấy chồng
Năm 1958, tình hình ngày càng căng thẳng, nhiều cơ sở cách mạng bị bắt. Bọn địch ráo riết lùng sục, đánh hơi để bắt bớ những ai chúng nghi theo cách mạng. Năm đó Cúc cũng mới chỉ 13 tuổi. Cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, chưa hiểu gì về cuộc sống hôn nhân bỗng dưng được lệnh… lấy chồng để bảo toàn bí mật.
Bây giờ, ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, bà Cúc vẫn không thể nào quên giây phút nhận thư của cấp trên gửi mình, động viên bà về việc kết hôn với một người đồng đội: “Mong cháu thật thông cảm cho hoạt động bí mật của chúng ta, không còn cách nào khác bằng cách đánh lạc hướng đối phương, mong cháu vui lòng chấp hành nhiệm vụ”. “Những con chữ nhảy múa, nhưng khi tĩnh tâm lại thì thấu hiểu đó là mệnh lệnh chiến đấu,dù cảm giác bỗng dưng “có chồng” nao nao, hơi “dị” (xấu hổ - cách nói của người địa phương - PV)”, bà Cúc nhớ lại.
“Bạn đời” được phân công làm “chồng” của thiếu nữ Cúc khi đó là đồng chí Nguyễn Văn Tám, quê huyện Hòa Vang. “Hồi đó tui coi anh Tám như anh ruột của mình, hàng ngày đụng mặt anh để trình bày tình hình nắm được, giao thư của các chú cán bộ hoặc theo anh học chữ”, hướng ánh mắt trìu mến về phía ban thờ có di ảnh chồng, giọng bà thầm thì nhớ thương. Lý do Cúc phải kết hôn với anh Tám, là để che giấu mối quan hệ giữa cô giao liên – cấp trên trực tiếp.
Một lễ hứa hôn đặc biệt của đôi uyên ương, đồng thời là đồng đội của nhau diễn ra vào tối 27/1/1958 tại một vườn cây xanh. Cô dâu không áo váy, chú rể mặc bộ bà ba màu nâu sòng e thẹn đứng nép bên nhau nghe lời chúc phúc, dặn dò từ đồng đội. Quà cưới họ nhận được cũng thật đặc biệt, đó là hai chiếc huy hiệu đoàn và cuốn sách “Thép đã tôi thế đấy”. Một thời gian sau, Cúc chính thức lên xe hoa về nhà chồng trong sự ngỡ ngàng của bọn lính ngụy, tề gian trước đó nghi vấn hai người có quan hệ “đặc biệt”. Khi đó chúng mới tặc lưỡi: “Tưởng chúng là cộng sản, ai dè chúng yêu nhau, hèn chi gắn với nhau như đôi sam”. Kết hôn giả, rồi yêu thật. Cặp vợ chồng này không chỉ có chung tình yêu lứa đôi, mà còn chung lời thề không phản bội dân tộc - lý tưởng cách mạng.
Tìm lại hạnh phúc
Tuy nhiên dù khéo léo đến mấy, vợ chồng bà sau này vẫn nằm trong tầm ngắm của bọn tề gian. Trong vai trò là đội trưởng đội công tác đặc biệt, bà Cúc mở rộng địa bàn hoạt động trên toàn phạm vi thành phố. Còn ông Tám vẫn tiếp tục nhiệm vụ bắt liên lạc, kết nối đường dây, tìm sơ hở của địch.
Sau một thời gian ông bị Ngụy bắt đi quân dịch, bị bắt đi học “lớp tố cộng”, rồi lại bị đưa vào tận Sài Gòn học y sĩ. Phần bà khi ấy do mang thai đứa con đầu lòng, lại thêm chồng cùng nhiều đồng đội bị bắt, khiến công tác hoạt động bí mật càng khó khăn, vất vả. “Tui lo lắm, ngộ nhỡ anh bị “nhồi sọ” mà theo giặc thì gay go, nhưng điều đó đã không xảy ra”. Về sau ông trốn về Đà Nẵng, tiếp tục hoạt động bí mật rồi hi sinh trong một lần chống càn của địch.
|
Nữ thương binh Trần Kim Thị Cúc |
Mắt bà Cúc ngời lên: “Mãi đến bây giờ tui vẫn cảm ơn các chú đã tác thành duyện nợ cho vợ chồng tui”. Tình yêu của chồng đã thành động lực giúp bà hăng say hoạt động, bất chấp cả những giây phút đối mặt bốn bức tường ngục giam khi bị địch bắt sau này, bất chấp những trận đòn khiến bán thân bất toại. Chồng hi sinh, thân thể nhiều thương tật sau những trận tra tấn của giặc, nữ biệt động thành sau đó nhiều năm “chăn đơn gối chiếc”.
Sau ngày giải phóng miền Nam, biết chuyện tình đẹp của bà Cúc và khâm phục trước ý chí của người phụ nữ dũng cảm, một người đồng đội từng hoạt động cùng bà trong thời chiến đã ngỏ lời cầu hôn.
Cảm động vì tình cảm của người đồng đội, lại được sự tác hợp, chúc phúc của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Phải giữ gìn sức khoẻ, trân trọng hạnh phúc”, bà đã lần thứ hai lên xe hoa về nhà chồng; lần này thì cuộc hôn nhân không có yếu tố “giả” mà hoàn toàn thật 100%.
Đôi khi nhớ người chồng cũ đã hi sinh, bà Cúc lại đưa tay lật giở cuốn sổ cũ mèm chi chít chữ, có nhiều trang giấy đã úa màu, đọc lại những dòng thư ông từng gửi cho bà:“Em biết thương dân tộc, yêu kiếp sống nghèo nàn/ Anh quyết chí thương em vì tình ta nhất trí”.
Vũ Vân