Lương hưu tăng thế nào là hợp lý?

Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã thực hiện 6 lần điều chỉnh lương hưu, nhưng xem ra tăng thế nào cho phải vẫn là câu hỏi chưa có trả lời thỏa đáng.

Kết quả nghiên cứu nguồn thu nhập chính của người cao tuổi cho thấy các khoản trợ cấp xã hội và lương hưu chỉ chiếm khoảng 25% còn lại là hỗ trợ từ con cái và lao động thu nhập thấp. Có đến 63% người cao tuổi cho rằng với mức thu nhập lương hưu ít ỏi nhu cầu về ăn uống, cuộc sống, đặc biệt là về y tế không được đảm bảo.

Có Quỹ hưu trí bổ sung…

Hiện nay, theo Bộ LĐ-TB-XH, hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) của nước ta vẫn chưa được thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng, dẫn đến nhiều người khi đi còn đi làm mong muốn được đóng góp cao hơn để được nhận lương hưu cao khi về hưu nhưng không được.

Nếu không có gì thay đổi, tháng 11 tới Đề án Quỹ hưu trí bổ sung (Quỹ HTBS) sẽ được Bộ LĐ-TB-XH trình Chính phủ sau khi lấy ý kiến vào cuối tháng 5 này. Theo kế hoạch, từ nay đến 2015 hình thành khung pháp lý, tổ chức thí điểm đối với một số DN.

Từ 2015 - 2020 hoàn thiện khung khổ pháp lý và mở rộng đối tượng tham gia đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung. Giai đoạn sau 2020 nghiên cứu chuyển đổi mô hình quỹ hưu trí bổ sung từ hình thức tự nguyện sang hình thức bắt buộc. Nếu triển khai thì lương bình quân của người hưu trí có thể lên đến gần 10 triệu đồng/tháng, so với hơn 3 triệu đồng hiện nay.

Dự thảo Đề án cho thấy, Quỹ HTBS sẽ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện giữa người lao động và người sử dụng lao động. Số tiền người lao động đóng góp sẽ được chuyển vào tài khoản của họ tại ngân hàng và tích lũy cho đến tuổi nghỉ hưu.

Bên cạnh chế độ hưu trí cơ bản đã được nhà nước chi trả, người lao động sẽ được hưởng một khoản lương hằng tháng trích ra từ quỹ này cho đến cuối đời. Mức đóng góp có thể từ 5% đến 10% mức thu nhập thực tế hằng tháng của người lao động (sẽ có quy định mức đóng tối thiểu và tối đa)... Trước mắt, Đề án sẽ thí điểm tại DNNN, DN cổ phẩn, DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN tư nhân.  

Mới ở Việt Nam nhưng Quỹ HTBS không lạ ở nhiều nước trên thế giới. Đã có khoảng 80 quốc gia đã triển khai Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Ở Mỹ, có hai loại quỹ hưu trí rất có lợi cho người lao động. Đó là quỹ hưu Individual Retirement Account (IRA) và Quỹ 401k (tên 401k bắt nguồn từ phần 401 đoạn k của Bộ luật thuế liên bang).

IRA là chương trình cá nhân – người đi làm có thể mở IRA vào bất cứ lúc nào.Trái lại, Quỹ 401k là hình thức bù đắp công lao của người lao động sau khi về hưu. Chủ sở làm mở quỹ hưu mang tên người lao động và mỗi tháng bỏ vào quỹ một phần lương của người lao động.

Người lao động không phải đóng thuế tạm thu trên phần lương này vì số tiền đó không ghi trên bảng lương.  Đây chính là một kiểu thức của Quỹ HTBS. Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung đã được hầu hết các nước ở châu Á và ASEAN thực hiện.  Trong khối APEC, chỉ còn Việt Nam là chưa triển khai.

Lương hưu bình quân sẽ xấp xỉ chục triệu

Theo Bộ LĐ-TB-XH, thủ tục đăng ký tham gia Quỹ HTBS sẽ rất đơn giản, thuận tiện. DN và người lao động cùng thỏa thuận tham gia đóng dưới hình thức mở các tài khoản cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính; thực hiện bởi các định chế tài chính trung gian, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Khi tham gia Quỹ HTBS, người lao động sẽ đồng thời được hưởng quyền lợi bảo hiểm tương ứng với mức tham gia, trong từng trường hợp cụ thể như tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn do mọi nguyên nhân;  tử vong do tai nạn LĐ…

Nếu người lao động không muốn tiếp tục tham gia hoặc bị chết trước thời gian được hưởng, Quỹ HTBS sẽ tính toán chi trả lại số tiền đã đóng.

Theo tính toán của Bộ LĐ-TB-XH, sau 15 năm đóng góp, số tiền người lao động nhận được hằng tháng từ nguồn bảo hiểm hưu trí bổ sung bình quân là 5,56 triệu đồng/tháng. Nếu cộng thêm mức lương hưu cơ bản, số tiền thực lĩnh của NLĐ khi nghỉ hưu có thể lên tới gần 10 triệu đồng/tháng.

Hình chỉ mang tính minh họa (Internet)
Hình chỉ mang tính minh họa (Internet)

Đó là câu hỏi mà nhiều người lao động và DN đặt ra khi biết thông tin về sự hình thành Quỹ HTBS. Nhiều người lao động cho rằng hiện nay, theo quy định mức đóng BHXH của họ là 20% thu nhập và phải đóng trong ít nhất 20 năm mới mong được hưởng lương hưu. Nay Quỹ HTBS chỉ yêu cầu đóng có 10% mức thu nhập thì để có thể đạt được 10 triệu đồng thì không biết phải đóng bao nhiêu và trong bao nhiêu năm.

Về phía DN, để chuẩn bị cho Đề án Quỹ HTBS, từ tháng 6-2011 Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức một cuộc khảo sát tại 610 doanh nghiệp ở hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.HCM, hơn 70% doanh nghiệp sẵn sàng tham gia quỹ.

Tuy nhiên, nhiều DN vẫn còn băn khoăn câu chuyện là hiện nay họ đã phải đóng nhiều loại bảo hiểm cho người lao động như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội... , nay lại có thêm Quỹ HTBS thì DN sẽ dễ lao đao, nhất là trong tình hình kinh tế hiện đang rất khó khăn.

Vấn đề chung mà cả người lao động lẫn DN lo ngại là cách điều hành, vận hành, quản lý Quỹ HTBS sẽ ra sao. Bởi hiện nay với các loại quỹ bảo hiểm bắt buộc của Nhà nước, khâu thủ tục đã quá nhiêu khê, rườm rà làm khổ cả người lao động lẫn DN.

Hồng Minh

Đọc thêm