Lý giải chuyện một số nông dân Kon Tum mang bán gạo cứu đói

(PLO) - Dù việc cấp xuất gạo dự trữ quốc gia đúng quy trình với sự phối hợp của các Sở ban ngành địa phương, song do quen với giống gạo tự trồng tại địa phương. Thế nên một số người dân ở xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum đã mang gạo hỗ trợ theo Quyết định 36 của Thủ tướng (QĐ 36) đi bán.
Gạo được vận chuyển, cấp phát cho bà con đúng quy trình

Chính sách tốt

Ông Nguyễn Quốc Phong, Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực (KV) Bắc Tây Nguyên, đơn vị trực tiếp hỗ trợ gạo cho người dân cho biết, số gạo dự trữ quốc gia (DTQG) được Cục xuất cấp thời gian qua là gạo Đông Xuân 15% tấm của Nam bộ. Công tác kiểm tra chất lượng gạo nhập vào và thời gian lưu kho luôn được Cục thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định. 

“Khi xuất cấp gạo DTQG cứu đói cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán, “tháng 3 ngày 8” hay hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn, Cục luôn phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum thực hiện khẩn trương theo đúng quy định. Khi bàn giao gạo tại mỗi địa phương luôn có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan ban ngành”, ông Phong nói.  

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum, bà Nguyễn Thị Hồng Lan cho biết, năm học qua trường có 99/185 học sinh được nhận gạo hỗ trợ theo QĐ 36. Trường nhận gạo trực tiếp từ Phòng Giáo dục của huyện và phát cho gia đình học sinh. Bà Lan cho biết gạo rất tốt và đến thời điểm này bà không nhận được phản ánh, phàn nàn gì về chất lượng gạo... 

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, bà Đinh Thị Lan thì cho biết, năm học qua, Cục DTNN Bắc Tây Nguyên đã hoàn thành xuất cấp hơn 2.500 tấn gạo của Đảng, Nhà nước hỗ trợ học sinh vùng khó khăn tỉnh Kon Tum. “Các đợt cấp gạo, Sở  luôn phối hợp chặt chẽ với Cục kiểm tra việc tiếp nhận, cấp phát tại địa phương. Gạo đủ số lượng, đảm bảo chất lượng theo quy định của Nhà nước”, bà Lan khẳng định.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc, ngày 12- 13/4, Tổng cục DTNN đã phối hợp với Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) làm việc với Sở GD&ĐT và đi kiểm tra tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Đăk Rơ Nga, huyện Đắk Tô, tỉnh KonTum.

Sau khi kiểm tra bếp ăn, bữa ăn, đoàn đã làm việc với lãnh đạo, công đoàn, phụ trách đoàn đội và các bộ phận chuyên môn của trường.

Hiệu trưởng Mai Đình Trường cho biết: “Từ khi nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhà trường thấy an tâm hơn trong dạy và học, thấy các cháu khỏe mạnh, nhanh nhẹn, học tốt hơn; gạo được cấp phát phù hợp với thời gian từng học kỳ, đủ về số lượng, chất lượng, nấu cơm các cháu ăn ngon. Số gạo lưu kho được bảo quản tuyệt đối an toàn, chưa bao giờ bị hư hỏng. Mong chính sách này được duy trì lâu dài để vùng khó khăn như chúng tôi có điều kiện vươn lên”. 

Theo đoàn kiểm tra, công tác tiếp nhận, phân phối gạo DTQG tại Kon Tum được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Trước khi xuất kho, Cục DTNN KV Bắc Tây Nguyên phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT Kon Tum kiểm tra mẫu, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về gạo DTQG, được các bên xác nhận và lưu giữ mẫu để đối chiếu. Các trường thành lập Ban tiếp nhận, quản lý, sử dụng gạo hỗ trợ cho học sinh. Trường còn mở sổ theo dõi tình hình tiếp nhận, sử dụng gạo hàng ngày, hàng tháng, từng học kỳ và cả năm học...

Đôi chút hiểu nhầm

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách nêu trên, còn có điểm nảy sinh. “Do đặc điểm nguồn gạo tại chỗ của các địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn này được người dân tự trồng có chất lượng rất ngon (theo điều kiện khí hậu và điều kiện canh tác, khu vực này chủ yếu trồng lúa nương, lúa lốc).

Đây chủ yếu là các loại giống lúa có chất lượng rất cao nhưng sản lượng thấp. Có thể nói do tập quán của địa phương đang quen sử dụng loại gạo này nên khi ăn gạo của Chính phủ hỗ trợ, một số người dân đã phản ánh "gạo nhà trường không ngon bằng gạo của nhà”. Trong khi đó cũng là gạo dự trữ này, chúng tôi xuất cấp hỗ trợ cho học sinh, người dân nghèo tỉnh Bình Định, Quy Nhơn hay các tỉnh duyên hải miền Trung đều được người dân đánh giá cao về chất lượng…”, ông Nguyễn Quốc Phong giải thích.

Cũng theo ông Phong, công tác mua gạo DTQG luôn được Cục DTNN KV Bắc Tây Nguyên tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về gạo DTQG, luôn đảm bảo 3 yêu cầu cơ bản: Thủy phần khô, đánh sạch cám, tỷ lệ phần tấm đảm bảo theo quy định của nhà nước; phải luôn đảm bảo chất lượng bảo quản và xuất kho. Đối với ngành DTQG, chất lượng gạo hỗ trợ người dân luôn được ưu tiên hàng đầu. 

Trước đó, tại khu vực Tây Nam bộ, cũng có phản ánh về gạo DTQG không bảo đảm chất lượng, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo Cục DTNN KV Tây Nam Bộ chủ động báo cáo với Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ về quy trình thực hiện việc xuất cấp, giao nhận gạo DTQG hỗ trợ cho các địa phương.

Qua đó, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã ghi nhận và đánh giá cao công tác xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nói chung và đối với vùng Tây Nam Bộ nói riêng.  

Đồng thời, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đề nghị Cục DTNN KV Tây Nam bộ tiếp tục phối hợp với các địa phương để kiểm tra, nắm tình hình phân phối, sử dụng gạo hỗ trợ và giữ mối liên hệ với Ban Chỉ đạo và các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL để triển khai tốt nhiệm vụ được giao. 

“Tổng cục DTNN đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực chủ động trao đổi, giải thích về đặc điểm, nguồn gốc, tiêu chuẩn gạo DTQG, đồng thời chú trọng hướng dẫn các trường học trong công tác bảo quản gạo DTQG nhằm hạn chế tác động của môi trường và bảo đảm chất lượng gạo trong thời gian lưu kho”, ông Phạm Việt Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng, Tổng cục DTNN cho biết. 

Đọc thêm