Tình trạng ly hôn hiện nay trong xã hội ngày càng tăng, đặc biệt là các thành phố lớn. Theo thống kê của TANDTC thì cứ có 3 cặp đôi trẻ kết hôn thì sẽ có 1 đôi ly hôn kéo theo rất nhiều hệ lụy đáng buồn cho gia đình và xã hội.
Trống xuôi, kèn ngược, thế là ly hôn!
Năm 2019, truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc có bài viết phản ánh về tình trạng ly hôn gia tăng đáng kể, nhất là đối với những cặp vợ chồng trẻ, thường gọi là “ly hôn xanh”. Bài viết nêu ý kiến của thẩm phán Lê Nữ Hương Huyền của TAND thành phố Vĩnh Yên là người có nhiều kinh nghiệm xét xử các vụ án về hôn nhân gia đình cho biết, vài năm gần đây, tỷ lệ án về hôn nhân gia đình gia tăng đáng kể.
Điều đáng nói là tình trạng ly hôn ở độ tuổi từ 20-35 tuổi chiếm từ 70-80% tổng số án hôn nhân gia đình hằng năm. Năm 2017, TAND thành phố Vĩnh Yên thụ lý 319 vụ án hôn nhân gia đình, năm 2018 tăng lên 398 vụ, 6 tháng đầu năm 2019 là 170 vụ…
Câu chuyện ở Vĩnh Phúc không phải là cá biệt mà xảy ra rất nhiều tỉnh thành ở Việt Nam và cả trên thế giới. Ở Việt Nam, theo thống kê của TANDTC thì cứ có 3 cặp đôi kết hôn thì sẽ có 1 đôi ly hôn. Và với những cuộc ly hôn xanh, chỉ những vị thẩm phán chuyên xử ly hôn mới biết bi kịch thực sự khiến gia đình đổ vỡ chiếm khoảng 10% còn hầu hết các cuộc ly hôn xuất phát từ những nguyên nhân hết sức lặt vặt.
Anh trai Bắc gặp chị gái Sài Gòn trong một chuyến công tác. Yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên, anh chị phải vượt qua biết bao trở ngại từ gia đình và công việc để có thể đưa nhau ra Hà Nội và cưới nhau. Nhưng rồi sống với nhau được 6 lần trăng tròn, anh chị đưa nhau ra tòa ly dị với lý do thật khó tin.
Trong bếp, anh bảo chị nấu xong không bao giờ cất đồ vào đúng chỗ quy định, chị bảo anh đàn ông mà ngại đi đổ rác giúp vợ. Trong nhà tắm, anh bảo chị bóp tuýp kem đánh răng không từ dưới đáy lên mà cứ bóp ngang thân thể hiện tính người không căn cơ, chị bảo anh tắm xong trước bao giờ cũng để lại cho chị một nhà tắm đầy tóc, bọt xà phòng và khăn tắm ướt sũng không thể dùng được nữa.
Trên phòng khách, chị chê anh khách vợ đến đón tiếp lạnh nhạt, anh chê chị nói chuyện tiếp khách của anh nhạt nhẽo, vô duyên. Trên giường, cả anh và chị tố nhau không tâm lý, chỉ biết hưởng thụ một mình, không nghĩ cho bạn tình…
Còn nhớ, báo Mỹ đã từng viết bài về lý do ly hôn của mối tình được coi là vĩ đại và lãng mạn nhất thế kỷ 20 giữa ngôi sao màn bạc Liz Taylor và Richard Burton.
Vào lúc 3 giờ sáng ngôi sao màn bạc này thấy cần phải vào toilet và phát hiện Burton đã dùng hết cuộn giấy vệ sinh mà không chịu đặt vào đó một cuộn khác, nhưng khi vợ nói, anh chồng còn sửng cồ lên. Thế là ly hôn!
Đừng đổ tại Covid
Trong những năm gần đây, tỷ lệ ly hôn không ngừng gia tăng tại nhiều nước. Đặc biệt khi các cặp vợ chồng mắc kẹt ở nhà vào mùa dịch, “Covidivorce” là thuật ngữ kết hợp Covid-19 và ly hôn thậm chí trở thành xu hướng.
Năm 2019, 4,7 triệu cặp vợ chồng Trung Quốc quyết định đường ai nấy đi, tăng từ 1,3 triệu người vào năm 2003. Trong đó, nhiều thanh niên đã ly hôn cho biết họ hối hận vì kết hôn vội vàng mà không suy nghĩ thấu đáo.
Thống kê cho thấy 1.439 cặp vợ chồng, hầu hết sinh sau năm 1980, đã điền vào ô “kết hôn vội vàng” trong đơn ly hôn của mình.Lu Yuguo, Giám đốc Trung tâm Đăng ký Kết hôn và Con nuôi của quận Jiangbei, thành phố Trùng Khánh, cho biết: “Hầu hết thế hệ sinh sau năm 1980 đều thuộc các hộ gia đình một con và được cha mẹ chiều chuộng từ nhỏ. Họ không rộng lượng, bao dung như những người sinh vào những năm 1960 hay 1970 nên cuộc hôn nhân của họ không bền vững.
Ngoài ra, việc các cặp vợ chồng từ 23-32 tuổi ly hôn sau một hoặc hai năm chung sống là chuyện khá phổ biến. Bởi những người ở độ tuổi này phải tập trung vào sự nghiệp và chưa đủ chín chắn về mặt cảm xúc”.
Tình trạng “Covidivorce” ở hầu hết quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ và châu Âu, tỷ lệ ly hôn tăng cao, do kinh tế khó khăn và thời gian ở nhà lâu hơn. Theo Stewarts, một công ty luật của Anh, số đơn ly hôn đã tăng 122% từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2020, so với cùng kỳ năm 2019.
Còn tại Nhật Bản, nhiều người khẳng định Covid-19 là “chất xúc tác” để họ đi đến quyết định chấm dứt quan hệ với bạn đời. “Covid-19 khiến tôi nhận ra kết hôn ở độ tuổi 20 sau vài tháng hẹn hò là lựa chọn sai trái nhất đời mình”- một người đàn ông 27 tuổi chia sẻ câu chuyện của mình trên Twitter.
Pháp luật ngăn chặn ly hôn bốc đồng
Nên cân nhắc kỹ trước khi quyết địnhlà lời khuyên của nhiều nhà tâm lý học hoặc chuyên gia về hôn nhân gia đình dành cho các cặp đôi. Bởi ở đời, những khó khăn về kinh tế, thiếu sự chia sẻ, những áp lực cuộc sống làm cạn kiệt dần tình yêu giữa hai vợ chồng. Hai người ít quan tâm đến nhau, thậm chí không hiểu người bạn đời cần gì nữa.
Nhiều người cảm thấy có chồng có vợ cũng như không. Rồi sau đó việc cãi vã, bạo hành, ngoại tình và “bóng ma ly hôn” xuất hiện. Thế nên, trước khi kí vào lá đơn ly hôn, mỗi người cần phải cân nhắc kỹ, xem xét cuộc sống hôn nhân của mình đã đến lúc từ bỏ nó hay chưa?
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, trước khi ly hôn, những cặp vợ chồng có một khoảng thời gian ly thân. Đây chính là khoảng trống để mỗi người tự suy nghĩ, cảm nhận và tập quen dần với cuộc sống không có “người kia”, đây cũng là lúc để nghĩ đến những đứa con, chúng sẽ ra sao khi thiếu đi tình cảm của cha hoặc mẹ. Ly hôn tác động lớn đến cuộc sống của con trẻ, và ảnh hưởng đến chính cuộc sống của cha mẹ chúng.
Ở góc độ pháp luật, ngày 1/1/2021, Bộ luật Dân sự đầu tiên của Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Đáng chú ý, một điều khoản trong luật hôn nhân quy định các cặp vợ chồng ly hôn phải có sự đồng thuận từ cả hai phía, đồng thời phải trải qua một giai đoạn “hòa giải” trong 30 ngày trước khi chính thức chia tay. Các quan chức tin rằng luật này sẽ làm giảm tỷ lệ ly hôn vốn đang tăng nhanh ở Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn “những vụ ly hôn bốc đồng” trong giới trẻ.
Ngoài Trung Quốc, nhiều bang ở Mỹ cũng có quy định về “giai đoạn bình tĩnh” trước khi ly hôn. Trong giai đoạn này, thủ tục ly hôn sẽ ở chế độ chờ để các cặp vợ chồng có thêm thời gian suy nghĩ, hòa giải để tránh đưa ra quyết định nóng vội. Tùy vào từng bang, “giai đoạn bình tĩnh” có thể dài ngắn khác nhau, song thường giao động 30-90 ngày. Trong một số trường hợp có “lý do chính đáng”, thời gian chờ ly hôn có thể được xem xét rút ngắn.
Ở Việt Nam, hòa giải nói chung trong ly hôn luôn được xem là yếu tố khuyến khích trong vụ việc ly hôn nhằm giúp hai bên hàn gắn lại mối quan hệ vợ chồng đang bên bờ vực thẳm. Bên cạnh đó, thủ tục hòa giả đồng thời cũng giúp tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của các bên so với hình thức giải quyết vụ án ly hôn tại Tòa án.
Theo quy định của Luật HN-GĐ năm 2014, khi giải quyết ly hôn sẽ có 2 hình thức hòa giải là hòa giải ở cơ sở (hòa giải diễn ra trước khi nộp đơn yêu cầu ly hôn) và hòa giải tại Tòa án (hòa giải trong khi chờ đưa vụ án ra xét xử sau khi vụ án đã được thụ lý).
Hòa giải ở cơ sở có thể được tiến hành trong phạm vi từ nội bộ gia đình đến UBND xã, phường, thị trấn; các tổ chức như Chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Chi hội cựu chiến binh, Chi hội nông dân… và ngay cả cơ quan làm việc của cả vợ, chồng.
Hòa giải viên thường là những người quen biết, thậm chí có thể có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với vợ, chồng nên có thể hiểu rõ về mỗi người cũng như quan hệ hôn nhân của họ. Từ đó, có thể đưa ra những lời khuyên đúng đắn và thiết thực nhất cho những người trong cuộc.Hòa giải tại Tòa án, thẩm phán sau khi tham khảo ý kiến của các bên để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, tình trạng cuộc sống của vợ chồng sẽ có hướng hòa giải phù hợp.
Như vậy, mặc dù các “barie” của pháp luật ở quốc gia này quốc gia kia còn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận (như câu chuyện dư luận ở Trung Quốc cho rằng cần thời gian để suy nghĩ chuyện kết hôn, chứ không phải ly hôn và số liệu tại các văn phòng dân sự trên khắp Trung Quốc cho thấy nhiều đôi đã gấp rút ly hôn trước khi luật “30 ngày hòa giải” chính thức có hiệu lực), thì những “barie” như vậy vẫn luôn được xem là cơ hội cho các bên có thể hàn gắn, gắn kết vợ chồng trước khi đi đến bờ vực của việc ly hôn, có thể dẫn đến nhiều hậu quả xót xa cho họ cũng như con cái và người thân.