Ly hôn - cú 'phá sản' bất ngờ với hầu hết đàn ông

(PLO) - Tới giờ, sau 7 năm ly hôn, nhiều đêm, anh David Brown nằm chong chong về bước ngoặt khiến đời anh suy sụp - ly dị. 

"Đó là vết sẹo hằn sâu trong tim. Ly hôn đã hủy hoại tôi. Nó là sự thất bại ghê gớm mà tôi sẽ chẳng bao giờ vượt qua được", người đàn ông 56 tuổi nói. Nhưng với vợ cũ của anh, chị Dawn, người đã kết thúc cuộc hôn nhân 17 năm bằng việc ngoại tình, thì ly hôn lại như một sự giải thoát. Chị đã tái hôn. 

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, ngày càng nhiều nam giới phải chật vật đối mặt với ly hôn. Đàn ông bỏ vợ dễ bị trầm cảm gấp 7 lần so với người có vợ. Họ cũng thường mất ngủ, hay nghĩ tới tự tử và dễ tìm đến rượu như một cách giải khuây. Ngược lại, phụ nữ trở lại tình trạng độc thân thấy ly hôn như sự giải phóng, dù đau đớn nhưng đó là sự khởi đầu mới.

"Xã hội vẫn dành nhiều sự cảm thông cho phụ nữ ly hôn", tiến sĩ Elle Boag, một chuyên gia tâm lý xã hội tại Đại học Birmingham, Anh, cho biết.

"Phụ nữ vẫn được coi như 'nạn nhân' trong khi đàn ông thường bị buộc tách khỏi con và môi trường quen thuộc. Họ cũng khó bộc lộ cảm xúc và thừa nhận mình cần giúp đỡ", ông nói.

ly-hon-cu-pha-san-bat-ngo-voi-hau-het-dan-ong

Anh David Brown và vợ. Ảnh:Jnvisuals.

Một lý do nữa khiến phụ nữ thấy ít khổ sở hơn sau ly hôn là hiện nay, với nhiều chị em, việc tìm bạn đời không còn thôi thúc như trước.

"Nhìn chung, phụ nữ ít phụ thuộc tài chính vào chồng và hôn nhân không còn là tất cả với họ", tiến sĩ Boag nói. 

Một nghiên cứu ước tính phụ nữ hiện nay khởi xướng 70% số ca ly hôn với 75% chị em chọn sống một mình hơn là duy trì mối quan hệ bất hạnh. Con số này ở nam giới là 58%.

Trong khi đó, nam giới vẫn coi mình là "trụ cột gia đình" nên khi mái ấm tan vỡ, họ cảm thấy suy sụp. 

"Ly hôn có thể là thách thức lớn hơn cho nam giới, đặc biệt nếu liên quan tới con cái. Họ thường là người phải ra khỏi nhà", chuyên gia về ly hôn Sara Davison nói.

Điều này ứng với trường hợp anh David. Cùng có thu nhập cao, vợ chồng anh đã mua căn nhà 3 phòng ngủ, có vườn rộng tại Essex, Anh. David từng cảm thấy mình là người đàn ông hạnh phúc nhất thế giới với vợ đảm và hai con đáng yêu. Nhưng vợ anh không có cảm giác này. "Chồng hay chê bai khiến tôi luôn tự ti. Không phải người tệ bạc nhưng anh ấy luôn sống trong thế giới mộng tưởng kỳ quái".

David phớt lờ khi vợ nói chị không hạnh phúc. Và thế giới như sụp đổ vào một tối tháng giêng năm 2010 khi anh phát hiện vợ ngoại tình. Người vợ đã không chối tội, thậm chí đòi ly hôn ngay sau đó. David vô cùng sốc và khóc rất nhiều. Vợ anh chuyển tới một căn hộ thuê gần đó và hai vợ chồng cùng chia sẻ quyền nuôi con.

"Tôi cảm thấy mệt mỏi, xấu hổ, như thể ai ai cũng xì xào về mình. Tôi né tránh mọi người và dùng rượu để nguôi ngoai", anh nói. 

David mất ăn mất ngủ và sụt 19kg, thường xuyên thức giấc lúc 3h sáng và tự hỏi tại sao mọi thứ tồi tệ như vậy. Anh cảm thấy vô định và thường lái xe bạt mạng trên cao tốc. Anh bị bủa vây bởi những ký ức về vợ và cuộc sống trước kia. Anh phải uống thuốc chống trầm cảm, không thể tập trung vào công việc, luôn ngồi nhà khóc.

Sáu tháng sau khi chia tay, vợ chồng chia đôi tiền bán nhà, David thuê một căn hộ hai phòng ngủ gần đó. "Tôi thất nghiệp và phải trả 150 bảng mỗi tuần (khoảng 4,4 triệu đồng) tiền trợ cấp nuôi con. Tôi bán cả ô tô, phải nhịn ăn nửa tuần để đủ tiền chăm con khi chúng ở với mình. Có lúc từng nghĩ tới chuyện tự tử nhưng tôi biết mình không thể làm vậy vì các con", anh chia sẻ.

Nỗi đau của anh còn nhân lên khi các con kể rằng mẹ chúng đang vui vẻ tận hưởng cuộc sống độc thân. Anh thấy mình chẳng còn chút hấp dẫn nào và không dám nghĩ tới việc tìm được tình yêu khác. 

Một khảo sát cho thấy, với phần lớn đàn ông (71%), vợ vẫn là nơi hỗ trợ tinh thần lớn nhất, trong khi chỉ 39% phụ nữ nghĩ tương tự.

Daley Gibbon, 36 tuổi, một huấn luyện viên thể thao ở Shropshire, Anh, cũng rơi vào trầm cảm khi ly dị vợ. Cuộc hôn nhân vốn đầy lãng mạn của họ bắt đầu rạn vỡ khi cả hai quyết định có con. Sau vài lần thất bại khi cố gắng có bầu, Daley ở lại chỗ làm muộn hơn trong khi vợ anh tìm nguồn an ủi ở nơi khác.

Anh thường xuyên nghi ngờ vợ và hai người cuối cùng đã ly hôn. Hai năm sau, vợ anh lấy người khác rồi sinh con. Daley rơi vào tuyệt vọng và mất hết tự tin. "Tôi đã đầu tư hết cảm xúc vào cuộc hôn nhân đó. Tôi òa khóc mỗi lần bạn bè hỏi đến chuyện này, vì thế tôi tránh gặp họ", anh kể. 

Phải trị liệu tâm lý suốt 4 năm sau ly hôn, ông Tristan Stanford, 64 tuổi nói: "Tôi đã làm việc suốt 40 năm để có thể thảnh thơi nghỉ hưu và cuộc ly hôn cướp đi tất cả". 

Khi mới lấy nhau, ông và vợ cũ đều có thu nhập tốt nên đã mua một căn hộ cao cấp. Họ còn đầu tư vào một loạt bất động sản nhưng không thành công. Những căng thẳng, cãi vã khiến cả hai ly thân năm 2008. "Vợ đổ lỗi cho tôi về mọi việc mặc dù cả hai cùng quyết định", ông Tristan nói. 

Ông đã phải về ở với bố mẹ khi ở độ tuổi 50. Năm 2011, biết không thể níu kéo hôn nhân, vợ chồng ông ly dị. Người vợ được nhận ngôi nhà trong khi chồng phải trả thêm 13.000 bảng cho các chi phí pháp lý coi như bồi thường vì đã "thiếu hợp tác" trong quá trình thực hiện ly hôn. 

"Tôi cảm thấy như mình bị cả vợ lẫn hệ thống luật pháp phản bội. Thật không công bằng khi bà ấy được nhận ngôi nhà. Liệu có phải tòa án đang phân biệt đối xử", ông nói. 

Hiện ông Tristan ở trong một căn hộ nhỏ đi thuê và luôn phải đeo máng bảo vệ miệng để khỏi nghiến răng trên phố suốt đêm. "Tôi không thể tập trung và sẽ thức suốt đêm, gặm nhấm nỗi tức giận", ông nói.

Đọc thêm