Ly hôn lúc cuối đời vì... tình cũ

Những người con tiu ngỉu ra về. Họ còn ngạc nhiên hơn khi thấy, giữa cụ ông và cụ bà không hề ghét bỏ gì nhau, lâu lâu, cụ ông và vợ mới vào chùa thăm hỏi cụ bà, cả ba trò chuyện rất vui vẻ.

Ở tuổi gần đất xa trời, họ đưa nhau ra toà. Ai không hiểu thì trách đôi vợ chồng già còn làm xấu mặt gia đình. Nhưng những người biết chuyện đều thương cảm cho họ, vì bi kịch của họ liên quan đến lịch sử và cuối đời, họ mới dũng cảm thoát khỏi ràng buộc để sống cho riêng mình.

 

Cuối đời... làm lại

Ông Nguyễn Văn Huân và bà Phạm Thị Ơn, sống tại TP HCM nay đã có với nhau cả thảy chục đứa con lẫn cháu. Cụ ông sinh năm 1941, nay đã qua tuổi 70, cụ bà cũng tròm trèm 68, thế mà đùng một cái, đưa đơn ra toà ly dị. Con cháu ngạc nhiên vì, xưa nay chưa bao giờ thấy ông bà thống nhất với nhau đến thế. Cả cuộc đời, họ chỉ thấy ông và bà lạnh nhạt hoặc cãi cọ nhau đến nỗi cho đó là "chuyện bình thường".

Cụ bà thì lẳng lặng trước phản ứng của con cái, còn cụ ông thì kiên quyết: "Ba mẹ đã quyết, các con không được ngăn cản. Ba mẹ còn khoẻ, cả đời đã sống với nhau vì các con, nay phải sống cho mình". Nói là làm, dù con cái không đồng ý, ông bà thuyết phục đứa cháu họ. Cuối cùng, thủ tục ly hôn cũng đã hoàn tất. Ở TAND quận, cả cán bộ Toà cũng lắc đầu trước quyết tâm sắt đá của ông bà cụ, ai cũng thắc mắc, chẳng biết lý do gì mà hai cụ lại đâm ra "thù" nhau đến thế lúc về già.

Nửa năm sau ngày ly hôn, cụ bà trở thành "Mạnh thường quân" của ngôi chùa gần nhà, thường xuyên lui tới, tụng kinh, cúng quả. Có khi ở lại chùa cùng các bà bạn đến hơn tuần. Bà bảo, thực tình bà hướng Phật, muốn đi tu từ chục năm nay, giờ được thường xuyên nhang khói nơi cửa Phật, bà không có gì vui hơn.

Còn cụ ông, gây sốc nặng cho con cái, khi cụ quyết định đón một cụ bà ở tận ngoài Bắc vào chung sống. Chuyện được bàn tán khắp nơi, con cái phản ứng ầm ĩ, thậm chí không muốn nhìn mặt cụ.

Kéo đến thưa chuyện với cụ bà, những người con lại thật sự ngạc nhiên khi thấy cụ rất bình thản: "Chuyện ấy mẹ biết lâu rồi. Mẹ còn không trách, các con trách ba làm gì. Thôi ba con đã hy sinh cho các con cả đời rồi, nay các con để ông ấy được hưởng hạnh phúc. Đó cũng là tâm nguyện của mẹ".

Những người con tiu ngỉu ra về. Họ còn ngạc nhiên hơn khi thấy, giữa cụ ông và cụ bà không hề ghét bỏ gì nhau, lâu lâu, cụ ông và vợ mới vào chùa thăm hỏi cụ bà, cả ba trò chuyện rất vui vẻ.

Một ngày nọ, hai cụ tập hợp những người con lại để họp gia đình. Cụ ông còn rất khoẻ, mắt còn sáng, giọng sang sảng. Cụ nói với các con: "Ba mẹ đáng ra sẽ im lặng, chôn chặt câu chuyện trong quá khứ, nhưng thấy các con không yên lòng, và có vẻ xấu hổ với mọi người chung quanh vì chuyện của ba mẹ, nên đành phải kể hết, mong các con hiểu và yên tâm mà sinh sống".

Từ câu chuyện này, những người con mới vỡ lẽ, bấy lâu nay, họ lớn lên bình yên, hạnh phúc trong một lò lửa âm ỉ bi kịch của  cha và mẹ.

Quá khứ buồn

Hai ông bà lấy nhau do mai mối. Trước chiến tranh, bà yêu một người thanh niên mà bà ngưỡng mộ, khâm phục dù gia đình ngăn cấm. Người thanh niên này sau đó đi bộ đội và hy sinh tại chiến trường Tây Bắc, bà nguyện cả đời chỉ yêu mình người con trai đó. Do sức ép gia đình, bốn năm sau đó bà đi lấy chồng, tức ông bây giờ. Bà chịu lấy ông chỉ vì một lẽ, ông cũng như bà, thẳng thắn rằng ông không hề yêu bà, và cũng lấy vì sự ép buộc của gia đình.

Bà là sinh viên văn khoa, ra trường làm công tác giáo vụ tại một trường học. Ông là một bác sĩ, con trai một gia đình coi là danh giá của thời ấy. Nhưng cái tội của ông là đi yêu một người phụ nữ làm nghề vũ nữ, một nghề thấp kém thời bấy giờ. Cha mẹ ông đã dùng thế lực của mình để "đánh bật" người phụ nữ thân cô thế cô ấy ra khỏi thành phố, nghe đâu bà lưu lạc xuống tận miền Tây Nam bộ, rồi ra tận miền Trung.

Bà Ơi biết chồng có âm thầm đi tìm, nhưng phần không yêu chồng, phần thấy thương cho ông, nên bà im lặng. Giữa hai ông bà có một thoả thuận ngầm là chấp nhận cuốc sống vợ chồng không tình yêu, không có sự ghen tuông. Cứ lặng lẽ sống bên nhau không tình yêu, vậy mà êm đềm có ba mặt con.

Năm 1984, bà biết tin ông đã tìm được người phụ nữ kia. Đáng kinh ngạc là bà ấy cũng ở vậy, không kết hôn.Vài phen ông giấu bà ra Bắc gặp gỡ người yêu cũ. Lúc này, cha mẹ ông và bà đều qua đời, không còn sức ép nào phủ lên cuộc hôn nhân của họ. Tuy nhiên, giữa bà và ông còn có ba đứa con chưa tới tuổi trưởng thành. Không yêu ông, nhưng bà thương ba đứa con. Bà có thể hy sinh cuộc hôn nhân của mình để ông tự do đến với người trong mộng, nhưng những đứa trẻ của bà sẽ ra sao khi không cha.

Rồi bà và ông đã có một cuộc trò chuyện đàng hoàng. Bà bắt ông hứa, sẽ không phá vỡ gia đình mình, hy sinh tự do vì các con. Phần bà, bà sẽ "mắt nhắm mắt mở" cho ông đi lại với người xưa. Ông đã hứa với bà. 30 năm, ông chưa bao giờ phạm lời hứa, luôn là một người chồng trách nhiệm, đàng hoàng, một người cha hết lòng yêu thương con cái. Chỉ trừ những chuyến đi một năm vài lần ra Bắc. Bà biết, có buồn nhưng lặng thinh.

Những lần ấy, bà tìm đến cửa Phật như một sự cứu rỗi và tịnh tâm. Trong những lời nguyện cầu của mình, bà hướng đến người đã khuất, một tình yêu đẹp chưa bao giờ với tới được giữa bà và người liệt sĩ...

Trong cuộc nói chuyện với các con, ông run rẩy thổ lộ: "Mẹ các con là người phụ nữ tuyệt vời. Một tâm hồn đẹp và đức hy sinh cao cả. Chỉ trách số phận không cho cha mẹ là hai nửa thật sự của nhau. Chính ba là người đưa ra ý định ly hôn.

Năm ngoái, cô Xuyên phát bệnh phổi, cô ấy không sống bao năm nữa. Ba không muốn đã day dứt một lần tuổi trẻ, nay lại day dứt về cuối đời. Ba xin phép mẹ con chia tay để ba được về chăm sóc cô ấy. Ba biết vậy là thiệt thòi cho mẹ con lắm, vì đã già rồi mà còn mang tiếng thế này. Nhưng mẹ con đã đồng ý, mẹ con thông cảm cho ba, như đã thông cảm suốt mấy chục năm trời.

Ơn của mẹ con với ba là cái ơn cả đời, ba không đền đáp nổi. Mong các con cũng như mẹ, hiểu cho ba...".

Chuyện đã qua ba năm. Giờ bà Xuyên, người vợ sau của cụ ông cũng đã nằm xuống sau cơn bệnh. Cụ bà vẫn lui tới nơi cửa Phật, còn cụ ông sống với con gái út, thú vui là trồng cây, chăm chim cảnh. Thi thoảng, cụ ông và cụ bà gặp mặt trong những bữa ăn với con cái, trong ngày lễ, giỗ, Tết, họp gia đình. Hai cụ vẫn đối xử với nhau ân cần với cái nghĩa của những người từng sống và thông cảm cho nhau quá nửa đời.

Anh Tấn, con trai của cụ ông, người kể câu chuyện này cho tôi đã nói rằng: "Tụi tôi thương ba, vì ông chịu hy sinh hạnh phúc riêng cho gia đình. Lại thương mẹ gấp mấy lần vì mẹ hy sinh cho tụi tôi, hy sinh cho cả hạnh phúc của người đàn ông mà mẹ không yêu. Cả đời mẹ sống lặng lẽ như vậy, biết tôi cho mẹ lên báo, chắc bà giận chết. Mấy anh em tôi thực sự nể phục hai cụ. Tình yêu, tình nghĩa, đức hy sinh của hai cụ là thứ mà thời đại ngày nay có lẽ khó lòng tìm được...".

Nguyên Phạm

Đọc thêm