Ly hôn, mẹ chồng khóc con dâu

Lấy chồng đã ba năm, vợ chồng đều khỏe mạnh sinh hoạt bình thường, ấy vậy mà Tâm cứ như cá rô đực chẳng chửa đẻ gì. Hai vợ chồng đưa nhau đi khám, bác sĩ cho biết, “lỗi” là do Tâm, cô mắc bệnh bẩm sinh ở cơ quan sinh sản nên khả năng có con vô cùng ít và thậm chí sẽ tuột mất cơ hội làm mẹ dần theo tuổi tác. Mãi chẳng thấy tin vui gì, lại thêm bạn bè xóc xỉa nên anh ta đâm ra chán đời, nghiện rượu, hễ uống say là về nhà đòi đuổi vợ...

Một buổi sáng mùa đông, khi đất trời còn mù đặc sương muối chưa tỏ mặt người, nhà bà Mai tổ trưởng dân phố có tiếng gõ cửa gấp gáp. Vốn là người cẩn thận, đề phòng nạn trộm cướp, bà Mai chưa mở cửa ngay mà ghé sát vào cửa lên tiếng hỏi: “Ai đấy, có việc gì mà đến tìm sớm thế? ”. Nào ngờ, vừa dứt lời, người phía bên kia song cửa òa lên lên khóc: “Bác Mai ơi, cháu Tâm đây, bác cho cháu vào nhà với, cháu bị đuổi khỏi nhà rồi”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày lấy chồng, bà cụ biết xem tướng số gần nhà đã nắm tay cô thiếu nữ Tâm mà thở dài: “Cháu à, đời cháu hồng nhan bạc phận lắm đấy, liệu mà giữ gìn”. Tình yêu, tuổi trẻ và nhiều điều khác nữa chưa từng trải đã khiến cho cô gái Tâm ngày ấy ôm lưng bà cụ cười phá lên: “Bà ơi, bà cứ khéo lo. Cháu lớn rồi biết tự lo mà. Chào bà cháu đi nhé!”.

Mà Tâm nói cũng chẳng sai. Đúng là cô biết tự lo thật. Đỗ đại học, thân cô thế cô lên nhập học ở thành phố. Cuộc sống lăn lộn khu nội trú rồi đi làm thêm kiếm tiền trang trải chi phí học hành, sinh hoạt đã khiến Tâm cứng cáp và khôn ra rất nhiều.

Thế nên, ra trường, khi bạn bè còn méo mặt cầm tấm bằng chạy khắp nơi thì Tâm đã có chân thu ngân ở một siêu thị điện máy lớn nhất thành phố. Cũng ở đây, cô quen Tuấn, chồng cô bây giờ khi anh này vẫn còn làm ở bộ phận chuyển hàng của siêu thị.

Cưới Tuấn, Tâm rời căn nhà trọ của mình để dọn về nhà chồng ở một khu tập thể đông dân nhất nhì Hà Nội. Bố chồng mất sớm, chị gái đã lấy chồng ở riêng, hai vợ chồng Tâm sống chung với mẹ chồng. Là người đàn bà hiền hậu nên gặp con dâu biết cư xử khéo léo, mẹ chồng Tâm nhanh chóng coi cô như con gái, thương cô thật lòng.

Thế nhưng, hình như lời nói của bà cụ hàng xóm ngày Tâm lấy chồng bắt đầu ứng nghiệm. Lấy chồng đã ba năm, vợ chồng đều khỏe mạnh sinh hoạt bình thường, ấy vậy mà Tâm cứ như cá rô đực chẳng chửa đẻ gì. Hai vợ chồng đưa nhau đi khám, bác sĩ cho biết, “lỗi” là do Tâm, cô mắc bệnh bẩm sinh ở cơ quan sinh sản nên khả năng có con vô cùng ít và thậm chí sẽ tuột mất cơ hội làm mẹ dần theo tuổi tác.

Nghe vậy, chồng Tâm lúc đầu còn thương vợ, đưa vợ đi thầy này thầy nọ chữa thuốc với hy vọng may ra còn nước còn tát. Nhưng rồi mãi chẳng thấy tin vui gì, lại thêm bạn bè xóc xỉa nên anh ta đâm ra chán đời, nghiện rượu, hễ uống say là về nhà đòi đuổi vợ.

Sự kiện mới 5 giờ sáng Tâm đã bị đuổi ra khỏi nhà, phải sang gõ cửa hàng xóm là đỉnh điểm của sự kiện xảy ra tối hôm trước, khi chồng Tâm hết giờ làm tạt vào quán nhậu với bạn bè đến gần nửa đêm mới khật khưỡng về nhà.

Chịu không nổi thói nghiện ngập của chồng, Tâm lên tiếng trách móc. Nào ngờ anh ta nổi khùng tát Tâm hai bạt tai và tuyên bố: “Tôi cho cô ngủ ở nhà nốt đêm nay, trước 5h sáng ngày mai cô phải ra khỏi nhà tôi. Từ nay tôi không coi cô là vợ nữa. Cô viết đơn đi tôi ký”. Từ bé tới lớn, chưa bao giờ Tâm bị ai đánh đau như vậy, kể cả bố mẹ cô, nên Tâm cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm. Cô ngay lập tức viết đơn ly hôn để trước mặt chồng và thu dọn quần áo vào va li.

Cả đêm đó Tâm ngồi bó gối không ngủ bên cạnh người chồng ngáy khò khò vì rượu. Cô định bụng ra khỏi nhà sẽ đến thẳng bến bắt xe về nhà. Thế nhưng, khi bước ra đường lúc đất trời còn mù đặc sương muối chưa tỏ mặt người, cô bỗng thấy sợ hãi và tủi phận vô cùng, không biết đi đâu về đâu. Nhìn thấy nhà bà Mai tổ trưởng vừa sáng đèn, cô lao về phía đó, vừa chạy vừa khóc…

***

Thương cô gái trẻ “hồng nhan bạc phận”, bà Mai tạm gác công việc ở phường buổi sáng ở nhà nghe cô giãi bày tâm sự để tìm cách giúp cô. Biết mẹ chồng Tâm rất tử tế và thương con dâu, đối lại Tâm cũng rất thương quý mẹ chồng, bà Nga hiểu để giải quyết câu chuyện này, mình phải tác động từ hướng nào. Cơm nước buổi tối xong xuôi, bà Tâm khăn áo chỉnh tề sang nhà Tâm gặp mẹ chồng cô. Vốn là hàng xóm của nhau nên câu chuyện của hai người phụ nữ  nhanh chóng đi qua xã giao ban đầu để đi vào việc chính.

Mẹ chồng Tâm cho biết, bà biết tất cả câu chuyện xảy ra giữa hai vợ chồng và rất đau lòng nhưng chưa nghĩ ra cách nào khuyên giải. Về phía mình bà Nga cũng thẳng thắn nói ra nhận định của mình, rằng câu chuyện của vợ chồng Tâm cũng đến hồi không thể cứu vãn được nữa rồi. Chồng Tâm không còn tình cảm với vợ, còn Tâm cô cũng hiểu thời gian, sức khỏe đã không còn ủng hộ mình và cũng muốn ra đi để chồng lấy vợ mới sinh con đẻ cái.

Nhưng có một điều mà cô rất sợ, đó là gần 5 năm lấy chồng, lo lắng vun vén cho gia đình chồng nên cô không có chút gì của nả riêng tư. Nếu ly dị cô sẽ phải ra đi với hai bàn tay trắng và làm lại từ đầu. Hiểu được tâm tư của Tâm, bà Nga đã bàn kỹ với mẹ chồng Tâm cách giúp đỡ cô…

Lại một buổi sáng mùa đông, cách buổi sáng mùa đông khi Tâm gõ cửa nhà bà Nga gần 3 tháng, sau khi thủ tục ly dị đã hoàn tất, Tâm chính thức dọn đi khỏi nhà chồng. Theo sự bàn bạc kỹ giữa hai người phụ nữ lớn tuổi là bà tổ trưởng dân phố Nga và mẹ chồng Tâm, gia đình chồng Tâm đã họp và nhất trí tặng “cựu con dâu” một sổ tiết kiệm năm chục triệu làm vốn, một tủ lạnh, một máy giặt và 2 năm tiền thuê căn hộ nhỏ ở nột khu tập thể gần chỗ Tâm làm.

Hôm mẹ và chị chồng nói chuyện với Nga về ý định của họ cô đã òa khóc nức nở không biết nói gì. Bà Tâm đứng cạnh phải đỡ lời dặn dò cô, thôi thì không còn tình nhưng còn nghĩa, dù không còn là dâu nhưng mai này thi thoảng ghé về thăm gia đình chồng vì họ vẫn rất  quý mến cô.

Đồ đạc đã được chất lên xe gọn gàng. Tâm quay lại chào mẹ, chị chồng và bà Nga. Còn chồng Tâm, lấy lý do bận việc ở cơ quan anh ta đã tránh mặt từ sáng sớm. Mẹ chồng Tâm ôm lấy con dâu nước mắt tuôn rơi: “Con ơi, nhớ giữ gìn sức khỏe nhé. Thôi phận giời đã vậy, mẹ không trách gì con đâu. Chỉ mong con đừng buồn ”. Nga dụi mặt vào vai mẹ chồng thổn thức: “Mẹ ơi, trước khi ra đi con chỉ xin mẹ và chị một điều này. Mẹ và chị hãy cho phép con vẫn được gọi mẹ gọi chị như những ngày con còn làm dâu. Con không bao giờ quên lòng nhân đức của mẹ và chị”. 

Khi bài báo này lên khuôn, Tâm đã bỏ công việc thu ngân ở siêu thị điện máy để vào làm mẹ ở một làng trẻ mồ côi. Dù số phận không may khiến Tâm không thể có con nhưng giờ đây Tâm đã có rất nhiều con quây quần xung quanh, ríu rít gọi cô bằng tiếng “Mẹ!” thân thương. Chồng Nga đã lấy vợ khác và sinh được hai con gái. Mẹ và chị chồng Nga thỉnh thoảng vẫn đến làng trẻ thăm Tâm. Lũ trẻ cứ thấy bà đến là nhao nhao chạy ta đón, miệng reo mừng: “Bà nội! Bà nội!”

Sống trên đời cần có một tấm lòng

Đọc câu chuyện của chị Tâm tôi thấy thật cảm động vì trong cuộc đời này vẫn còn thật nhiều người tốt, thật nhiều tấm lòng thơm thảo. Đúng như lời một bài hát: “Sống trên đời cần có một tấm lòng”. Làm nghề tư vấn tâm lý này, tôi đã từng được chứng kiến bao nỗi bất hạnh xuất phát từ sự kém may mắn về đường con cái của người phụ nữ là vợ, là dâu con trong gia đình. Và sự bất hạnh ấy đã bị đẩy đến cùng cực bởi sự cay nghiệt của nhà chồng. Nhiều cô con dâu im lặng nhẫn nhịn, nhưng cũng có nhiều cô con dâu không được vậy nên thành ra mối xung đột càng nghiêm trọng giữa con dâu, mẹ chồng, thậm chí mẹ con cùng phải “đáo tụng đình”.

Kể dài dòng như vậy, để thấy rằng cách cư xử của mẹ chồng và chị chồng chị Tâm thật là đúng mực, có văn hóa, đáng để mọi người học tập. Và chị Tâm đáp lại những tấm lòng thơm thảo ấy cũng rất biết xử sự một cách tình cảm, có tình. Một người nữa trong câu chuyện cũng khiến tôi rất khâm phục. Đó là bà Mai tổ trưởng dân phố. Giá như trong xã hội có thật nhiều bà Mai như thế, thì hẳn những “cơn sóng ngầm” trong các gia đình, trong mối quan hệ láng giềng sẽ sớm được hóa giải để cộng đồng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Thanh Tâm

Hồng Minh

Đọc thêm