Ly hôn vì vợ mải mê đa cấp

(PLO) - Từ khi tham gia bán hàng đa cấp, chị quên luôn con cái chỉ mải mê đi tiếp thị sản phẩm, thuyết phục bạn bè. Thế nhưng người bán ngày càng nhiều mà người mua thì ít, chị ngập trong nợ vì trót vay quá nhiều vốn, gia đình lục đục.
“Miu Miu ơi, chị em mình chơi trò bố mẹ nhé, chị là bố, còn em là mẹ, mang bộ đồ chơi nấu ăn ra đây để chị nấu cơm giống bố”.“Alô, em đang ở đâu đấy, về ăn cơm, anh nấu rồi, hôm nay thứ bảy đấy, ăn xong vợ chồng mình cho con đi chơi”.“Em đang ngồi với khách hàng, anh cứ ăn rồi cho con đi chơi, ba bố con cứ chơi thoải mái nhé, tiền nong không phải lo”… 
Cứ như thế, hai đứa trẻ, một hơn 4 tuổi, một 3 tuổi cứ bày hết trò chơi này đến trò khác, chơi ngoan với nhau suốt cả ngày chủ nhật dài. Đã lâu rồi, chúng không được gặp mẹ, có đôi khi chỉ được nghe giọng mẹ qua điện thoại và nhìn ảnh mẹ qua facebook, kể từ ngày bố mẹ chúng ra tòa.
Sáu năm trước, anh T. vốn là một chàng trai gốc Hà Nội, thanh lịch, vui tính và giỏi nghề, còn chị Th., người sau này là vợ anh là một người khá cá tính, thích kinh doanh và cũng rất tốt bụng. Họ quen và yêu nhau khá lâu mới kết hôn trước sự chúc phúc của gia đình, người thân và bạn bè đôi bên. 
Rồi bé Chíp ra đời, tình yêu anh chị dành cho nhau càng nhân lên gấp bội, họ luôn tôn trọng nhau, đi đâu cũng có đôi, có cặp. Hai năm sau ngày sinh Chíp, Miu Miu ra đời, những tưởng cuộc sống của anh chị sẽ suôn sẻ, hạnh phúc, ai ngờ việc kinh doanh của chị Th. có phần trục trặc.
Một mặt vì trên thị trường xuất hiện những đối thủ mới, mặt khác, nếu như trước đây chị dành toàn bộ thời gian cho công việc thì bây giờ chị phải san sẻ quỹ thời gian ấy cho gia đình nhiều hơn, có khi cả tuần cửa hàng đều đóng cửa. Chị buộc phải thanh lý đồ và trả cửa hàng. Mọi chi tiêu sinh hoạt đều do anh T. gánh vác, cuộc sống bắt đầu khó khăn, mâu thuẫn xuất hiện.
Trong khi anh T. vẫn cặm cụi với nghề sửa đồng hồ thì chị Th. sốt sắng đi tìm hướng kinh doanh mới. Là một người nhanh nhẹn, chị đã không bỏ bất cứ một cơ hội nào. Tuy nhiên, vận may chưa đến với chị, mỗi lần kinh doanh mới chị lại đổ khá nhiều công sức và vốn liếng vào đó, nhưng đều thất bại. Kinh tế gia đình đã khó khăn, nay lại càng eo hẹp. 
Qua một người bạn, chị biết đến hàng đa cấp và tự tin rằng mình sẽ làm được với tài thuyết phục và số lượng bạn bè đông. Những ngày đầu tiên, chị thủ thỉ với bố mẹ chồng và họ hàng hai bên, nào là thuốc này uống vào chữa bách bệnh, nào là kem dưỡng da này chỉ dùng một tuần là có tác dụng. Những ngày kế tiếp, chị tìm đến tận những nhà người bạn, giới thiệu hàng với cả người nhà của bạn bè, kể cả những người bạn lâu ngày không gặp. 
Sau đó, cứ gặp bất kể đối tượng nào, dù là khi đi chợ hay đón con, chị đều quảng cáo. Thời gian đầu bán được hàng, chị đã vay mượn thêm để mua thêm nhiều mặt hàng nữa: từ thực phẩm chức năng đến hóa mỹ phẩm, từ nước giải khát đến các sản phẩm thông minh…
Trở về nhà, nhìn thu nhập mà chồng kiếm được, chị tỏ thái độ xem thường anh. Dần dần, chị quên hẳn trách nhiệm phải đưa đón con đi học, nấu nướng, dọn dẹp. Mẹ chồng ốm, chị tạt qua hỏi han vài câu, dúi vào tay bà vài tờ polime rồi lại phóng xe đi mất. 
Càng ngày hàng đa cấp càng nhiều, người bán đa cấp cũng như nấm mà người mua thì có hạn, chị không còn đắt hàng như trước nữa. Ngày nào chủ nợ cũng đến nhà tìm chị đòi tiền, anh T. đã phải bán chiếc xe máy là phương tiện duy nhất trong gia đình để trả nợ cho chị. Sóng gió qua đi, anh khuyên chị nên bỏ nghề này, ở nhà phụ anh bán đồng hồ. 
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Nhưng có lẽ một lần vấp ngã vẫn chưa làm chị tỉnh ngộ, chị lại vay, lại mua hàng, số tiền nợ lần này không chỉ dừng lại ở tiền chục nữa mà là tiền trăm. Hai vợ chồng đôi co, cãi vã, chị Th. đòi viết đơn ly dị để vào Nam. Lần này, anh T. đã để chị ra đi.
Một năm qua đi, Chíp và Miu Miu vẫn nay ở nhà nội, mai ở nhà ngoại. Chị nhớ các con, muốn quay về nhưng anh T. liệu còn đủ dũng cảm bán nốt căn nhà này để trả nợ cho chị nữa không?

Đọc thêm