Theo hồ sơ vụ án, căn nhà trên do bà Hạnh đứng tên sở hữu được cha mẹ bà tạo dựng từ trước năm 1975. Năm 1991, ông Tư (cha bà Hạnh) làm giấy giao toàn bộ căn nhà này cho vợ cũ là bà Đào (tức mẹ bà Hạnh) được thực hiện tại Phòng Công chứng số 1, TP.HCM. Sau đó, bà Đào đến UBND quận 3 làm xác nhận căn nhà không thuộc diện nhà nước quản lý và được nơi đây ra văn bản công nhận.
Trước khi qua đời (tháng 6/1991), bà Đào đã đến Phòng Công chứng số 1 làm di chúc giao toàn bộ căn nhà là tài sản riêng cho con gái là bà Hạnh. Năm 1996, bà Hạnh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tụ hợp pháp công nhận cho bà đứng tên sở hữu ngôi nhà trên. Đến năm 2000, bà Hạnh được cấp giấy phép sửa chữa thành căn nhà một trệt ba lầu như ngày nay.
Bất ngờ vào cuối năm 2006, ông Tư kiện bà Hạnh ra TAND TP.HCM đòi chia phần thừa kế căn nhà trên. Trong thời gian chờ tòa án giải quyết, cha bà lại gửi đơn lên Sở Xây dựng và UBND TP.HCM xin ưu tiên mua lại căn nhà...
Năm 2008, Sở Xây dựng gửi công văn yêu cầu Sở Tư pháp hủy văn bản mà năm 1991 Phòng Công chứng đã chấp nhận cho cha bà Hạnh giao nhà cho mẹ bà; đồng thời hủy luôn việc công chứng di chúc của mẹ bà do trước đó TP đã xác định nhà thuộc sở hữu nhà nước...
Tuy nhiên, Sở Tư pháp không chấp nhận vì giấy tờ công chứng được làm theo đúng trình tự pháp luật nên hợp pháp, Sở không thể hủy bỏ hoặc làm vô hiệu. Cũng cần nói rằng, sở dĩ có đề nghị nêu trên vì trước đó, ngày 22/12/1995, UBND TP.HCM ra Quyết định số 69623 về việc quốc hữu hóa tầng trệt ngôi nhà, nhưng quyết định này không được gửi cho bà Hạnh, không được thi hành. Bà Hạnh chỉ được biết khi tham gia vụ án dân sự sau 17 năm ban hành.
Trên cơ sở Quyết định 69623 của UBND TP.HCM, ngày 5/6/2012 UBND TP.HCM tiếp tục ban hành Quyết định số 2928 thu hồi tầng trệt căn nhà của bà Hạnh. Kế đó, Sở Xây dựng ban hành Văn bản số 7228 cưỡng chế thu hồi tầng trệt nhà 110 Cao Thắng.
Cho rằng 2 quyết định và 1 văn bản nói trên là trái luật, vi phạm quyền sở hữu hợp pháp của mình, bà Hạnh đã khởi kiện đề nghị TAND TP.HCM tuyên hủy Quyết định 69623 ngày 22/12/1995 và Quyết định 2928 ngày 5/6/2012 của UBND TP.HCM, hủy Văn bản số 7228 của Sở Xây dựng TP.HCM. Trong vụ kiện hành chính này, ông Tư được xác định là người liên quan.
Tại các phiên tòa, bà Hạnh cho rằng quyết định năm 1995 chỉ có bản photo, không có số ban hành. Đại diện bị đơn là UBND TP.HCM trưng ra bản chính quyết định. Tuy nhiên, đại diện bị đơn thừa nhận trước tòa rằng chữ ký trong bản chính quyết định là chữ photo. Điều bất thường khác là bản quyết định photo trong hồ sơ có thêm một dãy số ký hiệu và dấu giáp lai trong khi bản chính không có. Đại diện bị đơn giải thích nguyên do vì được photo ra từ một quyết định khác cùng nội dung.
Ngoài ra, bản chính quyết định có một số hàng chữ in màu đỏ, trong khi các mẫu quyết định hành chính từ trước đến nay không có. Chi tiết này đại diện UBND TP.HCM lý giải, mẫu quyết định của Ủy ban lúc đó là như vậy?! Tuy nhiên, phía nguyên đơn khẳng định, quyết định năm 1995 căn cứ vào Nghị định 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/7/1991, trong khi đó, trước khi mẹ bà làm di chúc giao nhà cho bà, phía UBND quận 3 có làm xác nhận căn nhà không thuộc diện nhà nước quản lý. Bà Hạnh cũng cho rằng căn cứ theo Khoản 1 Điều 5 Nghị quyết 755 ngày 2/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì quyết định năm 1995 nêu trên cũng không có hiệu lực thi hành.
Mới đây, tại phiên tòa sơ thẩm (15/1), TAND TP.HCM cho rằng, theo Điều 4 của Quyết định 297 quy định đối với nhà ở tuy thuộc diện cải tạo nhưng tính đến ngày 1/7/1991, Nhà nước không tiến hành các thủ tục quản lý hoặc bố trí sử dụng thì Nhà nước công nhận quyền sở hữu cho chủ nhà.
Tại thời điểm ra quyết định, UBND TP.HCM chưa tiến hành các thủ tục quản lý hoặc bố trí sử dụng nhưng vẫn đưa căn nhà vào diện cải tạo là không đúng. Từ đó, HĐXX cho rằng quyết định trên đã áp dụng không đúng quy phạm pháp luật. Ngoài ra, phần đất tầng trệt và tầng lửng, tầng 1, tầng 2 là một khối thống nhất của căn nhà. Trong đó quyết định thu hồi diện tích tầng trệt của UBND TP.HCM chưa xem xét, giải quyết triệt để các vấn đề liên quan như nếu thu hồi tầng trệt thì phần diện tích đất lối đi chung và một số vấn đề liên quan được giải quyết ra sao? Nếu thu hồi tầng trệt, các hộ sống ở tầng lửng và các tầng trên đi lên bằng cách nào trong khi gia đình bà Hạnh không còn một lối đi nào khác?...
Từ đó, HĐXX chấp nhận yêu cầu của bà Hạnh, tuyên hủy Quyết định 2928 ngày 5/6/2012 của UBND TP.HCM về việc thu hồi hơn 600m2 diện tích tầng trệt căn nhà 110 Cao Thắng. Đối với Văn bản số 7228 của Sở Xây dựng TP.HCM, HĐXX cho rằng đây chỉ là văn bản hành chính nhằm thực hiện quyết định của UBND TP.HCM, không phải là quyết định hành chính nên không thuộc phạm vi xem xét. HĐXX cũng không xem xét hủy Quyết định số 69623 ngày 22/12/1995 vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên, HĐXX sẽ kiến nghị UBND TP.HCM và các cơ quan hữu quan xem xét lại tính xác thực và một số vấn đề liên quan đến quyết định này./.