Vụ đòi nhà số 15A Thuốc Bắc: Bản án của TAND TP Hà Nội chưa khách quan?

(PLO) - Gần hai thập kỷ đi đòi lại tài sản nhà đất tại 15A phố Thuốc Bắc vốn là tài sản hợp pháp của mình, vụ án đã qua gần chục lần xét xử, các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật có văn bản xác định rõ ràng về nguồn gốc, hiện trạng bất động sản này vốn thuộc cụ Trần Thị Chính, nhưng đến nay cụ Chính vẫn chưa lấy lại được tài sản.

Các bản án trước của TAND TP Hà Nội và TAND Tối cao đã tuyên buộc người thuê nhà trả nhà cho cụ Trần Thị Chính.
Các bản án trước của TAND TP Hà Nội và TAND Tối cao đã tuyên buộc người thuê nhà trả nhà cho cụ Trần Thị Chính.
Gần 20 năm đội đơn đòi lại nhà cho thuê
Suốt gần 20 năm, cụ Trần Thị Chính (96 tuổi, trú tại 36 Hàng Cá, Hoàn Kiếm, Hà Nội) ròng rã đi kiện đòi lại tài sản vốn cho thuê của mình. Dù nhiều sở ban ngành, UBND TP Hà Nội và nhiều lần TAND TP Hà Nội, TAND Tối cao xác định bất động sản tại 15A phố Thuốc Bắc vốn thuộc sở hữu của cụ Chính nhưng ở lần sơ thẩm lần 4, HĐXX TAND Hà Nội lại ra phán quyết ngược lại khiến công dân khiếu nại.
Theo bằng khoán điền thổ số 765 (Đồng Xuân) mô tả thì nhà số 15 phố Thuốc Bắc là nhà có tầng gác xây – có sân tọa lạc trên diện tích đất 46 thước vuông tại phố Thuốc Bắc khu A số 680 vào Sổ năm 1931. Năm 1933, cụ Nguyễn Văn Nhượng và vợ là Nguyễn Thị Hiền mua căn nhà trên với giá 20 đồng Đông Dương. Năm 1936, cụ Nhượng – Hiền đã bán lại cho cụ Nguyễn Như Tập, đã sang tên trước bạ. Ngày 16/11/1949 cụ Tập đã bán lại cho cụ Nguyễn Văn Nhường – Trần Thị Chính với giá 8000 đồng Đông Dương, đã sang tên trước bạ. Nhà cụ Nhường lúc này còn ngôi nhà ở 36 Hàng Cá nên giữa hai nhà có một lối đi thông với nhau. 
 
Sự việc rắc rối bắt đầu xảy ra khi cụ Nhượng (bố cụ Nhường) cho phép ông Nguyễn Ngọc Khanh, mới đưa vợ con ở quê lên Hà nội rất khó khăn ở nhờ nhà 15 Thuốc Bắc mà không lấy tiền thuê nhà vào khoảng cuối năm 1952. Trong thời kì cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, ông Nguyễn Văn Nhường và bà Trần Thị Chinh đã tham gia học tập ngành kim khí. Ngày 30/12/1959, tại Quyết định số 97/QN, UBHC thành phố Hà Nội đã chuẩn y cho ông Nhường – bà Chính đứng tên thương hiệu Quảng Tiến ở 36 Hàng Cá được hợp doanh với nhà nước kể từ 01/9/1959. 
Ông Nhường – bà Chính đã đưa một phần nhà 36 Hàng Cá vào Công tư hợp doanh nhưng không đề cập đến nhà 15 Thuốc Bắc. Hiện tại gia đình bà Chính vẫn còn lưu giữ Giấy phép xây nhà, bản vẽ kĩ thuật do Sở Công Chính Hà Nội (chế độ cũ) cấp năm 1951 ghi rõ Chủ sở hữu là ông Nguyễn Văn Nhường, địa chỉ 15 Thuốc Bắc và 36 Hàng Cá. Ngày 05/4/1982, tại Tờ khai đăng kí nhà tư nhân do ông Nguyễn Ngọc Khanh tự tay viết đã ghi rõ: nhà chính 1 ngôi, 2 phòng; diện tích chính 46,46m2 xây năm 1948; xây dựng thêm năm 1982 13m2. Ở mục sở hữu, ông Khanh ghi rõ: chủ là ông Nguyễn Văn Nhường ở 36 Hàng Cá. Ở mục các giấy tờ, ông Khanh khai: có giấy tờ thuê đất, không có sở hữu. Ở mục biến động về sở hữu và quản lý, ông Khanh ghi rõ: chưa đủ tư cách. Ở mục tồn tại chính, ghi rõ nội dung: “Ông Khanh đến ở từ năm 1948 là nhà mái tôn, sắt son. Gia đình tự sửa chữa để ở chủ nhà viết giấy cho thuê đến năm 1956, chủ không lấy tiền, ông Khanh nộp thổ trạch, đến năm 1982 làm hoàn chỉnh để ở”. 
 
Sự việc rõ ràng như vậy nhưng bắt đầu từ cuối năm 1986, gia đình bà Chính bắt đầu đòi nhà quyết liệt nhưng ông Khanh và các con cháu nhất quyết không trả. Vụ việc đành phải ra đến Tòa vào năm 1999. Hành trình theo kiện của gia đình bà Chính bắt đầu và không ai nghĩ rằng sau 15 năm, vụ việc vẫn không thể kết thúc mà lại còn diễn biến theo hướng bất lợi cho gia đình bà.
Bất động sản tại 15A phố Thuốc Bắc, từ năm 2006, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 1919/UBND-NNĐC (ngày 10/5/2006, do Phó Chủ tịch Lê Quý Đôn ký) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xác định rõ: Nhà số 15A phố Thuốc Bắc nằm trên hai thửa đất với diện tích 50 m2.
Ngày 16/11/1949 ông Nguyễn Văn Nhường và vợ là Trần Thị Chính đã mua của ông Nguyễn Như Tập và vợ là Trang Thị Phúc. Vợ chồng cụ Chính đã đứng tên đăng ký quyền sở hữu bất động sản này. Tên sở hữu chủ (ghi trong bằng khoán điền thổ) ghi rõ là Nguyễn Văn Nhường, Trần Thị Chính (chỗ ở 36 Hàng Cá). Vợ chồng cụ Nhường, Chính đã cho ông Nguyễn Ngọc Khanh thuê ở. Khi cho thuê, cụ Nhường có lập giấy viết cho ông Nguyễn Ngọc Khanh thuê.
Tại bảng tình hình sử dụng nhà cửa ghi rõ nhà 15A phố Thuốc Bắc có hiện trạng là nhà 2 tầng, xây bằng gạch, chủ là Nguyễn Văn Nhường (36 Hàng Cá), người thuê sử dụng là Nguyễn Ngọc Khanh, làm nghề thợ nguội.
Năm 1999 do cần chỗ ở, cụ Trần Thị Chính đã kiện đòi ông Nguyễn Ngọc Khanh trả lại tài sản. Các bản án sơ thẩm trước đó của TAND TP. Hà Nội, Phúc thẩm của TAND Tối cao đều tuyên yêu cầu gia đình cụ Nguyễn Ngọc Khanh phải trả lại bất động sản tại 15A phố Thuốc Bắc cho gia đình cụ Chính.
Vì cần trả lời rõ cho câu hỏi: Qua các thời kỳ cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh thì nhà 15A phố Thuốc Bắc có thuộc diện cải tạo không? Vì đó mà việc giải quyết vụ án của cụ Chính bị kéo dài.
Cụ Trần Thị Chính khiếu nại bản án của TAND TP Hà Nội
Vì để trả lời cho câu hỏi trên, UBND TP. Hà Nội, Sở TNMT, Sở Xây dựng Hà Nội đã xác minh rõ và có văn bản về nguồn gốc, chủ sở hữu nhà 15 A phố Thuốc Bắc.
Tại Văn bản số 1919, của UBND TP. Hà Nội, văn bản số 6915 của Sở TNMT, văn bản số 7918 và 3330 của Sở Xây dựng Hà Nội đều khẳng định bất động sản số 15A phố Thuốc Bắc đứng tên sở hữu, chủ sử dụng là của cụ Nguyễn Văn Nhường và Trần Thị Chính (thể hiện tại hồ sơ quản lý tại các cơ quan chức năng), cụ Nguyễn Ngọc Khanh (đã mất năm 2004) là người thuê nhà.
 
UBND TP Hà Nội và TAND TP Hà Nội xác định rõ nguồn gốc nhà đất số 15 Thuốc Bắc.
UBND TP Hà Nội và TAND TP Hà Nội xác định rõ nguồn gốc nhà đất số 15 Thuốc Bắc.
Các văn bản này của UBND TP. Hà Nội và sở ngành chức năng cũng khẳng định: “Nhà số 15A phố Thuốc Bắc thực tế không có hồ sơ hay danh sách, tài liệu nào thể hiện Nhà nước đã quản lý theo chính sách cải tạo nhà cửa, nhà vắng chủ, nhà công tư hợp doanh hay quản lý đất theo Thông tư số 73/TTg và Thông tư số  10/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy Nhà nước không quản lý (không có văn bản quản lý) nhà đất tại 15A phố Thuốc Bắc và thực tế cũng không bố trí cho ai sử dụng nhà đất này trong quá trình thực hiện chính sách vầ nhà đất trước đây”.
Tại văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội có quan điểm rõ là: Nhà 15A phố Thuốc Bắc ở vào thời điểm năm 1962- 1964 xét về mặt chính sách thuộc đối tượng Nhà nước quản lý theo Thông tư số 73/TTg. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chihns sách cải tạo, Nhà nước không tiến hành các thủ tục quản lý (không có hồ sơ hay văn bản quản lý) và cũng không bố trí, giao nhà đất 15A Thuốc Bắc cho người khác sử dụng.
Theo công văn của UBND TP Hà Nội, Gia đình cụ Nguyễn Văn Nhường, Trần Thị Chính có một trong các giấy tờ hợp pháp được quy định tại Điều 50 của luật Đất đai, năm 1949 ông Nhường cho ông Nguyễn Ngọc Khanh thuê; Nhà đất 15A Thuốc Bắc không thuộc danh sách các trường hợp đã thực hiện các chính sách cải tạo của Nhà nước về đất đai, nhà xưởng nên thuộc đối tượng áp dụng của điều 113 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính Phủ.”
Qua nhiều lần xét xử, tài liệu trước tòa đều thể hiện ông Khanh thuê nhà của ông Nhường, các hội đồng xét xử trước đó của TAND Hà Nội và TAND Tối cao đều tuyên buộc ông Nguyễn Ngọc Khanh phải trả lại bất động sản tại 15A phố Thuốc Bắc cho cụ Chính và chuyển đi nơi khác cư trú.
Nhưng vì cần phải làm rõ thêm về quyền sở hữu vật kiến trúc trên đất, nên bản án vẫn tiếp tục kéo dài. Tuy nhiên, ngày 27/12/2013 trong phiên sơ thẩm lần 4, HĐXX do thẩm phán Đỗ Quảng Oai đứng đầu (tại bản án số 65/2013/DS-ST) lại tuyên bác yêu cầu đòi quyền sử dụng đất gắn liền với vật kiến trúc tại nhà 15A phố Thuốc Bắc với cụ Trần Thị Chính.
“Tại phiên tòa Thẩm phán Oai nói gia đình tôi không được áp dụng Nghị định 127/2005/ NĐ/CP, Nghị định 181/2004/NĐ/CP để xét xử vì ông Nhường đã tham gia  học tập ngành kim khí theo chính sách của Nhà nước. Tôi đã phản đối luôn vì Hiến Pháp quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Chồng tôi không vi phạm pháp luật, nghiêm túc thực hiện các chính sách của Nhà nước. Vậy mà với bản án trên Thẩm phán Đỗ Quảng Oai lại tước quyền công dân của cả gia đình tôi”- cụ Chính bức xúc.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này...
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com