Ly kỳ chuyện người anh hùng tuổi 70 tay không hạ gục 'lâm tặc sừng sỏ'

Sau nhiều lần các ngành, các cấp tổ chức truy bắt những “đầu nậu” vận chuyển gỗ Huỳnh đàn từ Vườn Di sản ASEAN Kon Ka Kinh đi qua làng Kon Plông kém hiệu quả, ông đã ra tay loại trừ “lâm tặc” bằng cách xông vào khóa tay, khóa chân tên “lâm tặc đầu sỏ”... Sau lần đó, bà con không thấy người nào chở gỗ lậu qua làng Kon Plông...
Làng Kon Plông, xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Làng Kon Plông, xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Từ TP Pleiku (Gia Lai) vượt qua hơn 170 km đường Quốc lộ 14, Quốc lộ 24 và đường Trường Sơn Đông; tôi đến thăm làng Kon Plông, xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Nơi đây thờ Anh hùng A Nuk-Thanh Minh Tám (1936-2016) - người trực tiếp tham gia giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996) - nguyên Quyền Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội. 

Bên bàn thờ và ngôi mộ bình dị của ông, tôi luôn nhớ về ông - một con người cần cù lao động, góp phần xây dựng vùng giáp ranh 3 tỉnh Quảng Ngãi - Gia Lai - Kon Tum và rất quả cảm khi bảo vệ Tổ quốc.

Giác ngộ cách mạng, 14 tuổi (1950), A Nuk-người con trai đồng bào Mơ Nâm đã tình nguyện làm liên lạc cho bộ đội và tham gia chống càn, dồn dân lập ấp ở vùng Vi Choong, Kon Kleng, Cô Chát... Bất chấp hệ thống đồn bót ở 2 bên đường số 5 (nay là Quốc lộ 24) và bọn mật thám, chiêu hồi, chỉ điểm ở các cứ điểm Kon Plông, Măng Búk, Măng Đen...; ông đã mưu trí, dũng cảm đưa các mật lệnh, thư từ, tài liệu của các cơ sở cách mạng từ các huyện Ba Tơ, Sơn Hà (Quảng Ngãi) về các căn cứ Quân khu 5, Kon Plông (Kon Tum), Krong (Kbang-Gia Lai) và ngược lại. 

Năm 1954, tập kết ra Thanh Hóa học tập, huấn luyện và từ đây ông đặt tên là Thanh Minh Tám. Kết thúc khóa học, ông vinh dự được kết nạp Đảng, được công nhận là “Chiến sĩ thi đua”. Đầu năm 1958, ông nhận lệnh trở về Tây Nguyên, bổ sung cho lực lượng đặc công Quân khu 5.

Trải qua gần 20 năm chiến đấu trên các chiến trường Kon Plông, Đắk Pét, Đắk Tô (Kon Tum), Ka Nát, Kbang, Cheo Reo (Gia Lai)...; ông nhớ nhất trận đánh bí mật, bất ngờ giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra khỏi nhà lao Tuy Hòa (Phú Yên) vào đêm ngày 30/10/1961 và trận đánh vào sân bay Pleiku. 

Trận đánh sân bay Pleiku đúng vào đêm Tết Mậu Thân năm 1968. Tuy bị thương nhiều lần vào cơ thể, nhưng ông vẫn kiên cường bám mục tiêu hiểm yếu, tiêu diệt nhiều sĩ quan Quân đoàn II (Quân đội Sài Gòn). Sau trận chiến sân bay Pleiku, ông được đi báo cáo điểm hình toàn Quân khu 5 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Anh hùng A Nuk (Thanh Minh Tám).
Anh hùng A Nuk (Thanh Minh Tám).

Tham gia giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, ông đã đột nhập vào khu vực nhà lao, cắt đứt 4 lớp hàng rào dây thép gai, vô hiệu đàn chó canh gác, hệ thống mìn cài đặt, hệ thống ánh sáng... Trước khi thực hiện những nhiệm vụ này, ông  đã dày công trinh sát trận địa, nhiều lần bí mật  ra vào nhà lao thành công. 

Sau khi nghỉ chế độ hưu trí, ông trở về quê (làng Kon Plông), làm cán bộ Hội Cựu chiến binh xã Hiếu. Ngoài thời gian làm công tác xã, ông tích cực tăng gia sản xuất, chăn nuôi, bảo vệ và phát triển rừng... Năm 1996, vợ ông (bà Y Chal) lâm bạo bệnh mất, ông ở vậy nuôi dưỡng và cưới hỏi vợ chồng cho 3 người con (Y Thanh sinh năm 1969, Y Cúc sinh năm 1975 và A Kim sinh năm 1978).

Trong các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khai hoang gieo cấy lúa nước, cải tạo vườn tạp, nuôi heo nhốt chuồng, đổi công xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nông thôn mới... ông đều tiên phong thực hiện.

Ông A Dĩ - nguyên Thôn trưởng Kon Plông ngậm ngùi: “Già A Nuk là cây cổ thụ che chở cho bà con Mơ Nâm, H’ Rê, Bah Nar... Bà con người đồng bào ở Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ngãi đều vui vẻ làm theo những lời chỉ dạy của già. Nay già chết, ai cũng đau buồn...”.

Qua nhiều lần tiếp xúc với Anh hùng A Nuk và những người thân của ông, tôi nhận thấy: Ông thể hiện rất nhiều tố chất của người cách mạng. Là người có công lớn trong 2 cuộc kháng chiến, nhưng ông không hề đòi hỏi sự đãi ngộ, không ỷ vào công lao... Tuy tuổi cao, sức giảm, nhưng ông vẫn luôn thức khuya dậy sớm lao động, gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhờ có sự đóng góp của ông mà bà con người Mơ Năm, H’ Rê, Bah Nar ở đây đã định canh định cư, biết làm lúa nước 2 vụ, sử dụng các loại phân hữu cơ, trồng nhiều loại cây trái lưu niên, bảo vệ rừng, đóng góp công của xây dựng đường Trường Sơn Đông đi qua xã...

Nhiều người kể rằng: Vào năm 2007, sau nhiều lần các ngành, các cấp tổ chức truy bắt những “đầu nậu” vận chuyển gỗ Huỳnh đàn từ Vườn Di sản ASEAN Kon Ka Kinh (Kbang) đi qua làng Kon Plông (xã Hiếu) kém hiệu quả, ông đã ra tay loại trừ “lâm tặc” bằng cách xông vào khóa tay, khóa chân tên “lâm tặc đầu sỏ”, dạy cho chúng một bài học. Sau lần đó, bà con không thấy người nào chở gỗ lậu qua làng Kon Plông...

Chuyện Anh hùng đặc công A Nuk (Thanh Minh Tám) thường xuyên luyện tập võ công, ra tay điểm huyệt, khóa tay, khóa chân trừ gian ác không có gì lạ đối với những người thân trong gia đình, nhất là đối với anh A Kim (người con trai của ông). Anh A Kim cho biết: “Bố A Nuk luôn giữ những nguyên tắc của người đặc công cách mạng là thắng không kiêu".

Đọc thêm