Nét đẹp ngày Tết
Với người Việt từ xưa tới nay, mùa xuân là thời điểm khởi đầu của một năm mới, một vòng tuần hoàn mới sẽ lặp lại. Trong những ngày cuối năm, cuối tháng, khắp nơi nơi trên dải đất hình chữ S, không khí “tống cựu nghinh tân” náo động khắp chốn, nhà cửa được dọn rửa gọn gàng, sạch sẽ để tống tiễn hết những “vía” xấu, những gian nan, khó khăn của năm cũ, đón những điềm may mắn trong năm mới. Đó cũng là lý do vì sao người Việt thường dọn rửa trang hoàng nhà cửa vào những ngày giáp Tết, đốt rác vào lúc sắp giao thừa và mở rộng cửa chuẩn bị đón khách vào sáng mùng một.
Mỗi người khách đến nhà sẽ đem đến một lời chúc tụng may mắn cho gia chủ. Nhận được càng nhiều lời chúc tụng may mắn trong những ngày đầu năm thì gia chủ càng được củng cố niềm tin vào một năm mới an bình, may mắn và thành công hơn.
Việc gặp gỡ, chúc tụng nhau mỗi dịp đầu năm mới còn thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của người Việt trong câu tục ngữ “Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy”. Đây là dịp để bà con, họ hàng, lối xóm, bè bạn thăm hỏi, trò chuyện, sum vầy, gắn kết gần gũi với nhau hơn; người trẻ tỏ lòng thành kính, biết ơn với tổ tiên, ông bà, người lớn tuổi trong gia đình, dòng tộc; người lớn bày tỏ sự quan tâm, yêu thương, nâng đỡ đối với con cháu.
|
Cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương. |
Suốt 3 ngày Tết chính, trong khắp các gia đình Việt sẽ vang lên những lời chúc tụng, ngợi ca, khen tặng với mong muốn trao tặng cho nhau những điềm may mắn trong năm mới. Thấm nhuần truyền thống văn hóa tốt đẹp đó của dân tộc, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã đem lời chúc tụng của mình trao tặng cho hết thảy mọi người trong nhạc phẩm “Ly rượu mừng”.
Và, cứ mỗi mùa xuân về, như được mặc định, ta có thể nghe “Ly rượu mừng” ở bất cứ nơi đâu, từ một quán cà phê nhỏ bên đường, trong căn nhà ấm áp, từ chiếc máy nghe nhạc cũ kỹ của người nông dân, trong một quán cà phê sang trọng hay được phát ra từ chiếc loa nhỏ trên những chuyến xe về quê ăn Tết của những người có cuộc sống tha hương.
Người ta yêu thích “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương bởi những giai điệu rộn ràng, tươi vui mang nhiều thông điệp ý nghĩa và tính nhân văn trong đó. Rõ nhất là trong phần ca từ với nội dung là những lời chúc Tết tốt đẹp nhất theo truyền thống dân tộc Việt tới mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội nhân ngày năm mới.
“Đệ nhất xuân ca”
“Ly rượu mừng” được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác và ban hợp ca Thăng Long (gồm 4 anh chị em Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái) và Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh) trình diễn vào năm 1952.
Lời ca hay của một bài hát chúc xuân thể hiện qua những giọng ca của một ban hợp ca gia đình thuộc loại siêu đẳng đã được một ký giả thời đó nhận xét: “Hai giọng nữ Thái Thanh, Thái Hằng quyện nhau như một. Giọng cao nam của Hoài Trung vững vàng dũng mãnh hòa với giọng Hoài Bắc giữ bè ba rất điêu luyện”.
Còn nhạc sĩ Phạm Đình Chương trả lời báo giới thời đó khi nhắc đến bài hát “Ly rượu mừng” rằng: “So với các ca sĩ hay các ban nhạc khác, lối hát nhiều bè của chúng tôi có vẻ hấp dẫn hơn. Chúng tôi còn có một nhạc mục phong phú hơn những người cùng nghề. Dân chúng vẫn có cảm tình với kháng chiến nên chúng tôi càng được hoan nghênh khi hát bài đó”.
|
Lời bài hát “Ly rượu mừng”. |
Ly rượu mừng là một nhạc phẩm có lời ca giản dị, dễ hát, dễ nhớ đã đi vào lòng bao thế hệ người Việt bởi chất nhạc sống động, rộn ràng, tươi mới, đầy những yêu thương, tràn ngập không khí Tết dù trong lời ca chỉ có một chữ “xuân” duy nhất ngay đầu bài hát. “Xuân” là lý do, là chiếc phông nền êm dịu cho những lời chúc tụng vang ca khắp nơi nơi: “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi/ Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/ Người thương gia lợi tức/ Người công nhân ấm no”.
Nghe từ đầu bài hát, ta đã nghe và cảm nhận như mùa xuân đã vào gõ cửa từng nhà mang theo câu chúc phúc trên nền điệu nhạc valse theo nhịp ¾ rộn ràng, lúc trầm lúc bổng vui tươi rạo rực. Nhạc điệu và tiết tấu hơi nhanh của bài hát như một sự thúc giục nhưng ân cần đến với mọi đối tượng người nghe đã tạo nên một không khí tràn đầy nét xuân trong ca khúc.
Có thể nói, “Ly rượu mừng” là sự chắt lọc độc đáo của nhạc sĩ Phạm Đình Chương trong việc sử dụng ngôn ngữ. Trong bài hát, ông không đi theo lối mòn sử dụng ca từ thường thấy nhạc xuân của Việt Nam với những hình ảnh quen thuộc như: hoa cúc, hoa mai, hoa đào, chim én, bánh chưng, áo mới… nhưng bài hát của ông làm cho người nghe cảm nhận đầy đủ tất cả những cung bậc đẹp nhất của mùa xuân.
Không có tiếng pháo đì đùng, không có em thơ khoe áo mới, không có chim én lượn đầy trời, ca từ của Phạm Đình Chương là những lời chúc gửi đến nơi nơi với một tình cảm chân thành và rộng khắp.
Theo truyền thống của người Việt, trong ngày 7 ngày xuân, 3 ngày Tết, lời chúc luôn được sử dụng để trao gửi cho nhau. Lời chúc thường mang theo những ước mơ, những khát vọng cho một năm mới. Bài hát “Ly rượu mừng” đã thể hiện đầy đủ nhất tinh thần đó.
Trong “Ly rượu mừng”, lời chúc không chỉ bó hẹp cho một thành phần nhất định nào, không dành riêng cho một ai, một lứa tuổi, mà lời chúc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương rất bao la dành cho cả dân tộc Việt Nam. Chúc cho người nông phu cày cấy để “lúa thơm hơi” , chúc “người thương gia lợi tức”, “người công nhân ấm no”…
Đặc biệt, nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng không quên gửi tình cảm của mình cho tình yêu đôi lứa, cho những đôi uyên ương, cho người nghệ sĩ: “Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương/ Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ/ Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới”.
Hãy thử tưởng tượng, trong những ngày xuân, với nắng ấm, với hoa mai, hoa đào, với tiếng chim hót vang trời, với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, phong bao lì xì nhưng thiếu đi lời chúc thì mùa xuân có còn trọn vẹn hay không? Có lẽ chính vì điều đó, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã sáng tác nên một khúc ca xuân bất hủ, một giai điệu hay nhất với lời chúc Tết đậm đà, giàu truyền thống văn hóa Việt Nam.
Thi sĩ Du Tử Lê từng gọi “Ly rượu mừng là xuân khúc kinh điển nhất của nền tân nhạc Việt Nam”. Điều này quả thực vô cùng xác đáng bởi giá trị bao hàm rộng lớn của lời hát đã nâng tầm vị thế cho ca khúc, không chỉ là một khúc xuân ca giản dị, thuần chất hoan ca mà còn là khúc xuân ca đại diện cho tâm tư, tấm lòng và văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc.
Bởi vậy cho nên dù gần 70 năm đã trôi qua kể từ ngày được ra mắt, nhưng sức sống bền bỉ trường tồn của nhạc phẩm “Ly rượu mừng” vẫn còn mãi ghi dấu trong lòng bao thế hệ yêu nhạc và vẫn được cất lên đầy hào sảng mỗi dịp xuân về.