Bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa, đôi chân của má Năm vẫn sải bước trên những nẻo đường từ thiện. Đối với má, đó là niềm vui, là một phần cuộc đời mình. Má vẫn cứ âm thầm, lặng lẽ điểm tô thêm cuộc đời và nâng đỡ nhiều mảnh đời khốn khó.
Miệt mài cống hiến!
“Má Năm từ thiện” là cách gọi quen thuộc mà mọi người dùng để gọi bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Quen (78 tuổi, ngụ ấp Thạnh Thuận, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, Hậu Giang). Sở dĩ có cách gọi trên là do má là người thứ năm trong gia đình nên mọi người quen gọi là “má Năm”, cộng thêm hành động từ thiện của má, làm thành tên gọi quen thuộc.
Cả cuộc đời gắn bó phục vụ đất nước, phục vụ bà con trong thời chiến cũng như thời bình. Thời còn trẻ, má cùng chồng một lòng theo cách mạng. Chồng má là một chiến sĩ du kích kiên trung, gan dạ, lập nhiều chiến công. Còn má thì làm giao liên, rồi cơ sở nuôi chứa cán bộ. Nhưng đáng tiếc thay, năm 1966, trong một lần đi công tác, người chồng lọt vào ổ phục kích của địch và anh dũng hy sinh. Đứa con trai với sự động viên của má nối chí cha tiếp tục đấu tranh vì độc lập dân tộc và rồi cũng anh dũng ngã xuống khi đất nước chưa giành được hoà bình.
“Lúc đó đau thương lắm, cha con nó lần lượt hy sinh, tôi phải cố gắng sống nuôi các con, rồi còn tiếp tục phục vụ kháng chiến, với mong muốn nước nhà nhanh độc lập để không còn cảnh vợ mất chồng, mẹ mất con như tôi tái hiện”, má tâm sự trong dòng nước mắt.
Dù lòng nặng trĩu đau thương nhưng má vẫn kiên cường lao động sản xuất và nuôi dạy các con ăn học. Khi các con đã trưởng thành cũng là lúc má tuổi cao sức yếu, lẽ ra má được an hưởng tuổi già, được Nhà nước đền ơn đáp nghĩa cho những cống hiến hy sinh vì đất nước. Thế nhưng má không chịu nghỉ ngơi mà tình nguyện tập trung làm công tác từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó, kém may mắn hơn mình.
Với suy nghĩ “Chiến tranh cống hiến theo chiến tranh, thời bình cống hiến theo thời bình”, má vẫn cứ miệt mài cống hiến và hành động. Xuất phát từ lòng cảm thông với những mảnh đời bất hạnh, khó khăn nhất là những bệnh nhân nghèo má đã ra chợ xin đồ rẫy cho mấy tổ nấu cơm từ thiện ở trung tâm y tế hay phòng thuốc nam từ thiện để giúp đỡ cho bà con nghèo. Khi bàn với các con, nhiều người ái ngại vì sức khỏe của má không tốt, nhà ở xa trung tâm, đi lại khó khăn, bất tiện.
Đồng thời, lãnh đạo địa phương, bà con láng giềng cũng khuyên má nên ở nhà nghỉ ngơi, tránh đi lại nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng má vẫn kiên quyết: “Má làm từ thiện vì cái tâm thiện nguyện, mong muốn góp chút công sức giúp đỡ những hoàn cảnh còn khó khăn trong xã hội, đừng ai cản má”.
Dùng tiền trợ cấp giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn
Từ năm 2000, các nẻo đường nhỏ ở chốn thôn quê này lại in hằn lên những bước chân quen thuộc với tấm lòng nhân ái dạt dào của má. Ngày nào cũng vậy, mỗi sáng má dậy sớm đi bộ hoặc bơi xuồng đến các tiểu thương ở chợ Cái Chanh (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), cách nhà khoảng 2km để vận động, quyên góp rau, củ, thức ăn, gạo, thuốc tây để mang tới những điểm khám chữa bệnh miễn phí và các bệnh viện lân cận.
Hình ảnh một cụ bà lớn tuổi hàng ngày đi đến chợ góp đồ rẫy giúp đỡ cho các điểm khám chữa bệnh đã thực sự quen thuộc với tiểu thương chợ Cái Chanh. Vì tấm lòng của má, bà con ở chợ cũng nhiệt tình quyên góp, hỗ trợ. Nhiều khi thấy sức khoẻ má yếu, nhiều hộ tiểu thương đã chủ động thu gom lại một chỗ để má tiện đem về. Hôm nào vắng chị em tiểu thương chợ Cái Chanh lại nhắc. Tiểu thương Lê Thị Sáu cho biết: “Bà Năm có tấm lòng rất nhân hậu đáng để mọi người học hỏi. Dù sức khoẻ yếu nhưng bà không quản ngại khó khăn thu gom thực phẩm giúp bệnh nhân nghèo. Chúng tôi hết lòng ủng hộ và luôn dành những rau củ tươi, sạch, gạo ngon để tặng mẹ làm việc thiện”. Không những thế, nhiều lúc má còn dùng tiền hỗ trợ chính sách dành cho mình để giúp những hoàn cảnh khó khăn đột xuất.
Thấm thoắt đã 17 năm gắn bó với công việc từ thiện này. Dù tuổi ngày càng cao, sức yếu nhưng hành trình nhân ái và tấm lòng tự thiện của má vẫn cứ tiếp diễn. Hình như bước cản về tuổi tác không ngăn được hành trình của má. Những khi sức khỏe tốt, má còn trực tiếp phụ giúp việc nấu ăn, cấp phát cơm, cháo, rồi phụ giúp hốt thuốc cho người nghèo. Bà Lê Hồng Lan (ngụ ấp Phú Quới, xã Đông Thạnh) đang làm việc tại Phòng chẩn trị Y học cổ truyền Huệ Tâm chia sẻ: “Ở phòng khám này, khi nào hết vị thuốc mà kiếm không có là tụi tui gọi vào nhờ bà Năm kiếm giùm. Không những vậy, bà Năm còn xin đồ từ thiện, gửi cho phòng khám để bệnh nhân ở đây nấu cơm ăn miễn phí”.
Mang thuốc, thức ăn đến cho bệnh nhân nghèo
Trái tim nhân ái của má đã lan tỏa tới cộng đồng, khiến nhiều người tự nguyện chung tay làm từ thiện cùng má. Cảm phục trước tấm lòng thương người và sự nhiệt tình của má, ông Nguyễn Văn Hai (ngụ ấp Phước Long, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, Hậu Giang) đã tình nguyện trở thành người đồng hành trong hành trình nhân ái này. Làm nghề chạy xe ôm, ban đầu khi chở má ông còn nhận tiền xăng đi lại, nhưng sau đó, vì kính trọng tấm lòng nhân ái của má, ông đã đưa đón má đi làm việc thiện hoàn toàn miễn phí.
Ông Hai chia sẻ: “Má Năm lớn tuổi vẫn quan tâm, chăm lo cho mọi người thì bản thân tôi góp chút công sức cũng chẳng có gì. Nhiều ngày thấy trời mưa bão, tôi khuyên má ở nhà nghỉ một buổi để tôi đi thay mà má không chịu. Má bảo, chiến tranh khói bom, đạn lửa còn chẳng nề chi, nay có cơn mưa rào cũng ngại khổ thì sao làm từ thiện lâu dài được. Câu nói của má khiến tôi luôn trăn trở, đặt ra tâm huyết là làm từ thiện suốt đời và cùng với má Năm truyền tinh thần đó đến với mọi người”.
Và cứ thế, mỗi ngày, ông Hai đón má Năm đến chợ Cái Chanh để thu gom thực phẩm, gạo, thuốc nam rồi mang đến tặng các phòng khám bệnh miễn phí trên địa bàn và tổ từ thiện cấp cơm, cháo miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành.
Ông Hai còn cho biết, năm 2016, trong một lần đi làm từ thiện, không may má bị tai nạn, bị thương khá nặng phải nhập viện nhiều ngày. Lúc này má rất trăn trở và lo lắng vì không biết ai đem thực phẩm quyên góp được đến các cơ sở y tế, bệnh viện thay má. Khi nghe nói ông Hai đã làm công việc đó thay má thì má mới yên tâm và dưỡng thương. Dù vết thương khá nặng và chỉ mới lành thì má lại tiếp tục làm công việc từ thiện quen thuộc. Ở tuổi như má đáng lẽ phải ở nhà để con cháu chăm lo, phụng dưỡng nhưng má Năm lại suy nghĩ hoàn toàn khác. “Còn biết bao người khổ hơn má, do đó má mong mình có sức khỏe để tiếp tục giúp họ”, má Năm tâm sự.
Thật sự bao la và đáng quý cho tấm lòng của một mẹ Việt Nam Anh hùng hết lòng vì nước, vì dân và vì cuộc sống cộng đồng. Dù trong thời chiến hay thời bình tinh thần cống hiến vẫn luôn tồn tại và bất diệt trong lòng má. Má thật sự là một biểu tượng đẹp, một tấm lòng bao la, đáng là tấm gương để nhiều người học hỏi noi theo.