“Ma trận” Viva Park

(PLVN) - Câu chuyện UBND tỉnh Đồng Nai vừa xử phạt Cty LDG 540 triệu, truy thu hơn 5,7 tỷ vì chiếm đất, xây gần 500 căn biệt thự, nhà liền kề “trái phép” tại dự án Viva Park (khu dân cư Tân Thịnh, do Cty CP Đầu tư LDG làm chủ đầu tư tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom), đến nay vẫn có nhiều vấn đề còn mâu thuẫn khó hiểu.
Gần 500 căn nhà trái phép tại khu dân cư Tân Thịnh.
Gần 500 căn nhà trái phép tại khu dân cư Tân Thịnh.

Theo cơ quan chức năng, dự án trên đã lấn chiếm hơn 18 ha, trong đó hơn 12 ha đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất… để xây dựng công trình “trái phép”.

Còn theo UBND huyện, dự án có phần đất cao su chưa được thực hiện bồi thường, chưa được giao đất, chưa được cấp phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật; nhưng chủ đầu tư đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt khoảng 60% và hoàn thiện phần thô 488 căn nhà (gồm 198 căn biệt thự, 290 căn nhà liền kề); thi công 192 căn nhà liền kề đã hoàn thiện phần móng.

Mâu thuẫn thứ nhất, Sở Xây dựng cho rằng “dự án đã có chủ trương đầu tư và quy hoạch chi tiết 1/500; do chủ đầu tư không làm các thủ tục pháp lý tiếp theo như đền bù giải tỏa, chuyển mục đích sử dụng đất, chưa có sổ đỏ nên không được cấp phép xây dựng”. Trong khi đó chủ đầu tư phản bác: “Thông tin dự án xây dựng “không phép” là không chính xác. Dự án này được miễn giấy phép xây dựng”. Theo chủ đầu tư, dự án chỉ có lỗi “xây dựng nhiều hạng mục khi chưa đủ điều kiện quy định”. Vậy thực tế sai phạm của dự án này là gì, nghiêm trọng hay không?

Mâu thuẫn thứ hai, tháng 9/2016, UBND tỉnh có quyết định chấp thuận thỏa thuận địa điểm dự án. Hơn một năm sau, tỉnh có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 dự án với diện tích 18,22 ha, quy mô dân số dự kiến 3.000 người. Thế nhưng mãi đến ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ mới có văn bản về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án. Lỗi đến từ khâu nào, mà xảy ra việc “tiền trảm, hậu tấu” như vậy?

Mâu thuẫn thứ ba, chính Chủ tịch UBND huyện xác nhận, là từ tháng 5/2018, UBND xã đã phát hiện dự án san lấp mặt bằng khi chưa có giấy phép xây dựng nên lập biên bản yêu cầu tạm dừng. Vụ việc đã được báo cáo lên các phòng ban của huyện. Thế nhưng UBND huyện lại… không nhận được báo cáo của xã nên không có chỉ đạo xử lý. Để rồi dự án được phê duyệt ĐTM, cấp giấy chứng nhận PCCC, đấu nối điện, nước, chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư... dù chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về thu hồi đất, giao đất, chưa chuyển mục đích sử dụng đất…  Vì sao huyện không nhận được báo cáo của xã? Đây là sự yếu kém về chuyên môn và sự tắc trách của một số tập thể, cá nhân; hay là sự cố tình vi phạm?

Mâu thuẫn thứ tư, theo LDG, dự án là khu đô thị đất nền, nhưng để đảm bảo xây dựng thành “khu đô thị kiểu mẫu và đảm bảo kiến trúc đô thị”, LDG đã quyết định xây dựng nhà phố xây sẵn theo kiến trúc được phê duyệt trong quyết định 1/500 do tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Chưa hết, “Cty đang gặp khó khăn do bản đồ địa chính khu vực dự án đã được cập nhật làm thay đổi diện tích thửa đất, cũng như nguồn gốc sử dụng đất”. Vậy cả một hệ thống cơ quan quản lý đất đai, quy hoạch ở đâu mà để xảy ra tình trạng lộn xộn, bát nháo này?

Lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đất đai vốn phức tạp, nhưng những người có nghề nhìn vào sự việc đều cùng có nhận định: Phía sau những mâu thuẫn này, có thể là những sai phạm rất nghiêm trọng chưa được phanh phui công bố.

Sự việc xảy ra ngay cùng thời điểm Hội nghị của ngành Xây dựng diễn ra vào ngày 26/12/2020 và tham dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ đạo “phải khởi tố những cán bộ quản lý xây dựng khiến quy hoạch bị xé nát”; vì vậy cần phải kiểm tra điều tra xử lý nghiêm minh những sai phạm trong dự án này. Vì vậy dư luận cho rằng sau khi đã xử phạt, Đồng Nai lại tiếp tục lập đoàn kiểm tra dự án này là điều không nên. Cần phải chuyển hồ sơ cho CQĐT xác định có vi phạm hình sự trong dự án này không, hoặc đề nghị cơ quan TW vào cuộc kiểm tra xử lý, cho đảm bảo tính khách quan.