Tan cuộc chơi dưới vuông ruộng khô cằn heo hắt ở bản Poọng, em Hà Văn Oằn (13 tuổi) lầm lũi về với bà Ngân Thị Toại... Nghe tiếng người lạ hỏi chuyện, bà Toại huơ chiếc gậy mây ra phía cửa sổ căn nhà sàn, nói: “Ma túy lôi kéo bố nó, mẹ nó về với Giàng rồi!”. Một người đàn ông - người dân tộc Thái – mang 5kg gạo đến cho bà Toại, cũng góp chuyện về gia cảnh của em Oằn…
Vì “cơn lốc” ma túy, nhiều đứa trẻ ở bản Poọng mồ côi cả bố lẫn mẹ. |
Năm 2007 ma túy như cơn lốc bắt đầu ập về bản Poọng. "Lốc" kéo dài nhiều năm khiến nhiều nhà sàn ở nơi cuối rừng miền Tây xứ Thanh xiêu vẹo. Nó mang thần chết về cướp đi sinh mạng nhiều thanh niên của bản Poọng.
Bố thằng Oằn nghiện lồi mắt, rồi một hôm bị sốc thuốc chết. Mẹ nó bị lở loét và rụng hết cả tóc, cũng “đi” theo bố nó về “đồi Poọng” rồi. Bây giờ, con Nhân và thằng Oằn đến ở với bà ngoại mù lòa. Hai chị em nó đều đã bỏ học. Hàng ngày, bà Toại cùng hai cháu sống nhờ sự đùm bọc, chia sẻ, cưu mang của bà con trong bản Poọng và các bản lân cận.
Giống gia cảnh nhà bà Toại, bà Hà Thị Khùn đang phải chăm sóc hai cháu nội là Hà Thị Thoái (15 tuổi) và Hà Văn Thường (6 tuổi) mồ côi cả bố lẫn mẹ từ năm 2008. Hàng ngày, bà Khùn cùng cháu Thoái vào rừng hái măng và rau rừng về bán lấy tiền đong gạo.
“Năm 2006, chuẩn bị sinh cháu Thường thì bố chúng nó chích và hút ma túy, mẹ nó ngửi khói mãi cũng nghiện theo. Lúc cháu Thường lên 2 tuổi thì cả bố và mẹ nó mụn lở đầy người, tóc rụng, thân gầy teo tóp, ốm liệt giường cho đến khi về với Giàng. Năm nay, cháu Thường 6 tuổi rồi nhưng vẫn còi cọc như đứa trẻ lên ba. Tôi không có tiền để mang cháu đi xét nghiệm xem nó có mắc bệnh gì không” bà Khùn nói trong nghẹn ngào nước mắt rồi nhìn về phía những nấm mồ trên đồi Poọng.
Sau khi “cơn lốc” ma túy càn qua, bản Poọng chỉ còn lưa thưa vài thanh niên, đa phần là các cụ già gầy guộc, các thiếu phụ góa chồng lo âu quầng lên đôi mắt và đám trẻ mồ côi, nhem nhuốc, thiếu ăn, thiếu mặc như con Nhân, thằng Oằn cháu bà Toại. Cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái ở bản Poọng buồn hiu, cơ cực, đang phụ thuộc vào nương rẫy nơi heo hút cuối rừng Mường Lát khô cằn.
Cả huyện Mường Lát hiện có 7.161 hộ (34.657 khẩu), trong đó người Thái chiếm 46%, người H’mông 40,5%, người Mường 4,5%, người Khơ Mú 2,4%, người Dao 2%, còn lại là người Kinh ở đồng bằng lên tái định cư. Cộng đồng các dân tộc nơi đây được Nhà nước quan tâm xóa đói, giảm nghèo mãi, nhưng huyện Mường Lát vẫn còn 56,3% số hộ nghèo và tỷ lệ hộ cận nghèo là 15%.
Riêng Tam Chung có 723 hộ (3.449 khẩu), là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó cái nghèo của bản Poọng là điển hình nhất với 85 hộ dân thì có tới 68 hộ nghèo. Bản Poọng còn là địa danh có nhiều người chết vì HIV/AIDS nhất của huyện Mường Lát.
Ông Nguyễn Bá Cẩn (Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Thanh Hóa) cho biết: “Tính đến tháng 10/2012, huyện Mường Lát có 396 người (xếp thứ 4 trong tỉnh) chết vì HIV/AIDS, trong đó riêng xã Tam Chung có khoảng 80 người chết vì HIV/AIDS, thì bản Poọng có trên 40 người, chiếm hơn 50%”.
Con số trên được đánh giá là “tảng băng nổi về HIV/AIDS ở Mường Lát” được phát hiện, quản lý. Còn những người mang bệnh thế kỷ đang tiềm ẩn trong cộng đồng các dân tộc ở miền biên ải này tiếp tục sẽ gây hậu họa cho xã hội ra sao thì chưa có cơ quan nào ở huyện Mường Lát thống kê được. Có đợt khám sức khỏe cho thanh niên nhập ngũ, cơ quan y tế huyện Mường Lát lại phát hiện thêm 5 trường hợp nhiễm HIV, và nhiều trường hợp khác cho kết quả dương tính với ma tuý.
Điều đau buồn hơn cả, đó là “cơn lốc” ma túy những năm qua đổ bộ vào Mường Lát kéo dai dẳng đến nay đang tàn phá phần lớn thế hệ trẻ ở bản Poọng nói riêng và bộ phận không nhỏ tuổi trẻ ở xã Tam Chung đang trong vòng quay ác nghiệt của heroin.
Theo đánh giá của Cơ quan điều tra Công an huyện Mường Lát, những năm qua xã Tam Chung được xem là nơi trung chuyển buôn bán ma túy về xuôi. Ở đây, heroin được các đối tượng tội phạm hình sự vận chuyển theo các tuyến đường rừng qua Sơn La, xuống Mai Châu rồi theo đường 6 tuột về Hà Nội; hoặc từ Lào, hàng được đưa sang Pù Nhi đến xã Tam Chung xuôi dòng sông Mã về Co Lương..., rồi “chảy” về TP.Thanh Hóa.
“Cơn lốc” ma túy những năm trước càn về làm xơ xác bản Poọng. |
Thời gian qua được các lực lượng phối hợp giữa Công an và Bộ đội Biên phòng rất quyết liệt đầu tranh để phòng, chống ma túy ở huyện Mường Lát. Ông Lương Văn Bường (Chủ tịch UBND huyện Mường Lát) cho biết: “Tính đến tháng 10/2012, ở Mường Lát, các cơ quan điều tra đã khởi tố 22 vụ án mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; nhưng mới khởi tố bị can được 28 đối tượng”.
Trong đó, việc đấu tranh cao điểm nhất là tháng 8/2012, Cơ quan điều tra phối hợp với Bộ đội Biên phòng làm rõ 5 vụ buôn bán, tàng trữ trái phép các chất ma túy, thu giữ 37,66 gram heroin và nhiều tang vật khác có liên quan.
Các vụ điển hình như ngày 2/8/2012, Cơ quan điều tra Công an huyện Mường Lát bắt quả tang Lương Văn Tầm (SN 1979) ở bản Táo, xã Trung Lý đang “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, thu giữ 0,16 gam heroin; ngày 10/8/2012 phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Chung điều tra, bắt quả tang Giàng A Lự (SN 1965) xã Tam Chung đang “Vận chuyển trái phép chất ma túy” từ Lào về qua khu vực cột mốc 272 thuộc đia phận ở bản Ón, thu giữ 0,26 gam heroin…
Cá biệt có cụ ông 60 tuổi nghiện nặng, vẫn tham gia vào đường dây mua bán “cái chết trắng” về các bản làng của Mường Lát làm băng hoại đạo đức, giết hại chính các thế hệ con cháu của đồng bào các dân tộc mình.
Ngày 24/8/2012, Công an huyện Mường Lát đã phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Chung bắt quả tang Hạng Pó Chua (SN 1950, trú tại bản Khằm 1, xã Trung Lý) tại khu vực cột mốc 311(G9) thuộc đia phận bản Kéo Té (xã Nhi Sơn) đang “Tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy”.
Tại hiện trường, lực lượng phối hợp đã thu giữ 36,74g heroin. Tại cơ quan điều tra, ông Chua khai nhận do nghiện ma túy và bị một số đối tượng ở Tam Chung lợi dụng thuê sang nước Lào vận chuyển ma túy về Mường Lát với giá 200.000 đồng/chuyến.
Hệ lụy của ma túy đang khiến cho người già và trẻ nhỏ ở Tam Chung (Mường Lát) nói chung và bản Poọng nói riêng phải sống cảnh đèo bồng, suy giảm khả năng lao động, không được học tập.
Chị Hà Thị Thưa (Giáo viên Trường Tiểu học Tam Chung) cho biết: “Tại khu lẻ bản Poọng, nhiều em học sinh phải bỏ học do bố mẹ đều qua đời vì ma túy, hoàn cảnh gia đình vô cùng bi đát. Giáo viên trong trường chia nhau đến nhà động viên các em đến lớp. Các em quay lại trường được một thời gian, nhưng rồi không đủ ăn nên lại bỏ học về nhà đi làm nương rẫy…”.
Chị Thưa cho biết thêm, có một thực tế đau lòng hơn, đó là hầu như tất cả những đứa trẻ mồ côi trong bản Poọng nói riêng và toàn xã Tam Chung đều chưa bao giờ được xét nghiệm HIV/AIDS để xem chúng có bị lây nhiễm từ bố mẹ và những người xung quanh không?.
Lê Trọng Hùng