Mái ấm của những “linh hồn phiêu bạt”

(PLVN) - Đại đức Thích Nguyên Bình rưng rưng: “Tôi và một số người thiện nguyện đã từng chứng kiến thai nhi 8 tháng tuổi bị vứt vào sọt rác lề đường. Không may, thai nhi ấy bị đàn chuột cắn hết tứ chi và một phần đầu. Nhìn cảnh tượng đó, chúng tôi không cầm được nước mắt, vội bế thai nhi về chôn cất tại nghĩa trang thai nhi Chùa Mục Đồng”.
Tượng trẻ em tươi vui quanh chân tượng Phật
Tượng trẻ em tươi vui quanh chân tượng Phật

Ngôi chùa ngàn năm của trẻ nhỏ

Cách đây hàng nghìn năm, trẻ em thôn Yên Xá, xã Phan Đình Phùng, Hưng Yên thường ra khu đất cánh đồng để chăn trâu, chơi trận giả và đặc biệt hay cùng nhau nặn đất hình tượng Phật. Một lần, vua Đinh Tiên Hoàng qua đây thấy cảnh làng quê, yên bình, trẻ em ngộ nghĩnh liền ngự lại một vài ngày.

Một đêm,Ngài mơ thấy Phật Quan Âm bế bồng trẻ nhỏ. Như điềm báo sự linh thiêng, Ngài đã xây dựng ngôi chùa ở đây đặt tên là chùa Mục Đồng (chùa Trẻ nhỏ- chùa Cầu con). Nhiều gia đình trong làng ngoài tỉnh khắp nơi về đây cầu tự (cầu con). Đặc biệt, ba vị Thành hoàng làng của 3 làng chính là những người được bố mẹ cầu tự tại chùa Mục Đồng. 

Theo các vị cao niên ở làng, xưa kia, có đôi vợ chồng ở Kinh thành sống với nhau mãi không có con đã về ngôi chùa Mục Đồng cầu tự. Thời gian sau, vợ chồng vui mừng khôn siết khi có tin vui. Ba người con trai khôi ngô, tuấn tú lần lượt ra đời. Lớn lên, ba người con ấy thông minh hơn người, văn võ song toàn.

Khi Bà Trưng khởi quân đánh giặc ngoại xâm, ba ông đã xung phong ra trận cùng bắt sống được Tô Định. Trước chiến công ấy, Bà Trưng đã phong tướng cho ba ông. Ba vị tướng đã về ngôi chùa Mục Đồng để lễ tạ chùa và khao làng. Đêm hôm đó, ba ông đã hóa về trời. Để tưởng nhớ công lao của ba vị tướng, dân ba làng: làng Da, làng Dìa, làng Dồi tôn ba vị là ba vị Thành Hoàng làng. 

Trải qua hơn nghìn năm, thời gian và chiến tranh đã tàn phá ngôi chùa Mục Đồng tới ba lần. Cuối năm 2017, một lần đi qua ngôi chùa Mục Đồng, thấy ngôi chùa đổ nát, còn ít tàn dư của ngôi chùa cũ, không điện, không nước, cách xa nhà dân 2 km, chỉ có một con đường độc đạo nhỏ hẹp, lầy lội bùn đất vào chùa, Đại đức Thích Nguyên Bình- chủ trì chùa Thiên Hương (cách chùa Mục Đồng 10km) đã phát nguyện sẽ cố gắng dùng sức lực và kêu gọi tịch tài, thiện nguyện của những tấm lòng từ bi để xây chùa. Sau hơn một năm, ngôi chùa bình dị, nhỏ xinh, mái lớp tôn màu đỏ đã dần được hoàn thiện. Điều đặc biệt so với những chùa khác, chùa Mục Đồng có các tượng hài nhi, tượng em nhỏ khuôn mặt tươi vui đang quấn quýt dưới chân tượng Phật.

Trong cái nắng gay gắt, oi nồng giữa trưa đầu mùa hạ, Đại đức Thích Nguyên Bình cùng trưởng thôn Yên Xá và một số thành viên CLB thiện nguyện chùa Mục Đồng hì hụi lấp đất, ủi đá để san phẳng con đường vào chùa. Quệt những giọt mồ hôi, Đại đức Thích Nguyên Bình phấn khởi: “Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, chúng tôi sẽ có con đường rộng, ô tô có thể đi vào tận cửa chùa”. 

Đại đức Thích Nguyên Bình chăm sóc trẻ mồ côi, bị bỏ rơi
Đại đức Thích Nguyên Bình chăm sóc trẻ mồ côi, bị bỏ rơi

Nơi cảnh giới nạn… phá thai 

Trên khu đất rộng 360.000 mét vuông của chùa Mục Đồng, Đại đức Thích Nguyên Bình, trụ trì chùa Thiên Hương (thôn Dương Xá, xã Dương Quang, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) chia sẻ, cuộc sống xung quanh chúng ta còn nhiều những mảnh đời bất hạnh, nhiều trẻ em không cha, không mẹ, những cụ già không nơi nương tựa sống lang thang, những người khuyết tật, những mảnh đời sa cơ lỡ bước. Những người mang thai ngoài ý muốn, phá bỏ thai hoặc sinh xong vứt bỏ con mình một cách nhẫn tâm…

Theo Bộ Y tế, mỗi năm có 1,5 triệu ca phá thai, chưa nói đến việc các bà mẹ bị xảy thai, chủ yếu lại là giới trẻ hiện nay có lối sống buông thả, sống thử và không có trách nhiệm với hậu quả khi có thai. Hiện rất hiếm chùa đứng ra xây dựng nghĩa trang thai nhi. Chỉ trong vòng hai năm, Đại đức Thích Nguyên Bình và CLB Thiện nguyện chùa Mục Đồng đã thu gom được hơn 2 nghìn thai nhi xấu số. Tất cả thai nhi xấu số ấy đều được thầy tắm rửa, mua khăn, mua quần áo khâm niệm rồi chôn cất tại Nghĩa trang ngay sau chùa.

Để đón các thai nhi xấu số, Đại đức Thích Nguyên Bình và các đệ tử phải liên hệ từng bệnh viện, trạm xá, phòng khám công lẫn tư nhân, những người quét rác, công nhân vệ sinh, người… Bất kể nắng - mưa, không kể đêm - ngày, bất kể xa- gần, cứ có điện thoại báo có thai nhi bị phá bỏ, vứt bỏ là mọi người chia nhau đi đón thai nhi xấu số về khâm niệm, chôn cất.

Đại đức Thích Nguyên Bình rưng rưng: “Tôi và một số người thiện nguyện đã từng chứng kiến thai nhi 8 tháng tuổi bị vứt vào sọt rác lề đường. Không may, thai nhi ấy bị đàn chuột cắn hết tứ chi và một phần đầu. Nhìn cảnh tượng đó, chúng tôi không cầm được nước mắt vội bế thai nhi về chôn cất tại nghĩa trang thai nhi Chùa Mục Đồng”.

Đại đức Thích Nguyên Bình đang thắp hương tại Nghĩa trang thai nhi
Đại đức Thích Nguyên Bình đang thắp hương tại Nghĩa trang thai nhi

Lại có trường hợp khiến cho Đại đức đau đớn khôn nguôi khi chứng kiến thai nhi gần 9 tháng tuổi không nguyên vẹn bị vứt bỏ trong nhà vệ sinh của phòng khám. Mỗi lần Đại đức và những người thiện nguyện đưa các con về nghĩa trang là mỗi lần họ lại xót xa, nghẹn lòng trước cái chết tức tưởi của thai nhi xấu số.

“Dù rằng các bé đã bị tước đi sự sống nhưng tôi vẫn mong các con có chốn an nghỉ đàng hoàng tử tế thay vì những ống cống ô uế hay những bọc ni lông chứa đầy rác thải” - Đại đức Thích Nguyên Bình trải lòng. 

Trong đạo Phật có ghi, giết người là tội sát sinh lớn nhất, khó dung tha. “Cứu một mạng người hơn xây tòa tháp 7 tầng”. Để phần nào giảm tình trạng phá thai, người mẹ “giết” con, Đại đức Thích Nguyên Bình phát nguyện: “Chúng tôi phải cứu những đứa trẻ từ trong bụng, ngay khi mẹ chúng có ý định bỏ rơi con. Chúng tôi khuyên nhủ bằng mọi cách, động viên, tâm sự với các bạn ấy để họ tin tưởng, yên tâm sinh con, đừng dại dột phá thai. Hơn hết, chùa sẽ hỗ trợ kinh tế, lo cả chỗ ở riêng dành cho họ, để họ không phải sống chui lủi, trốn tránh gia đình và dư luận”. 

Một thành viên CLB Thiện nguyện kể, có một thai phụ 19 tuổi (Yên Bái) đang mang thai gần 6 tháng tuổi. Bị gia đình chồng tương lại hắt hủi, bố mẹ chối bỏ vì “làm xấu mặt gia đình” nên có ý định phá bỏ đứa con đã thành hình người trong bụng mình. Rất may, được người bạn thân biết tới hoạt động thiện nguyện của chùa đã gọi điện cho một thành viên trong CLB để nhờ tư vấn, khuyên giải. Sau khi xin phép gia đình, thai phụ ấy đã về chùa tĩnh dưỡng thai nhi chờ ngày lâm bồn. Có trường hợp là sinh viên, họ giấu gia đình, xin bảo lưu học một năm để về chùa chờ ngày khai hoa.  

Đại đức Thích Nguyên Bình dạy học trẻ nhỏ
Đại đức Thích Nguyên Bình dạy học trẻ nhỏ

Chùa Mục Đồng vẫn đang hoàn thiện xây dựng, cơ sở vật chất vẫn thiếu thốn nên Đại đức Thích Nguyên Bình đã cưu mang các bà bầu khó khăn và nuôi dạy trẻ bị bỏ rơi tại chùa Thiên Hương (thôn Dương Xá, xã Dương Quang, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) - nơi Đại đức Thích Nguyên Bình trụ trì. Hiện chùa Thiên Hương đang chăm sóc 15 trẻ bị bỏ rơi và 20 mẹ bầu khó khăn. Theo Đại Đức, sau khi sinh con, nhà chùa khuyến khích, động viên các mẹ tìm mọi cách để nuôi con. Bởi không có đứa trẻ nào muốn xa vòng tay của người mẹ. Nhưng nếu những bà mẹ ấy không thể có điều kiện nuôi con, nhà chùa sẽ nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ nên người. Để lo kinh tế cưu mang 20 mẹ bầu và 15 trẻ bị bỏ rơi là việc không hề dễ dàng gì với ngôi chùa làng nhỏ bé. Đại đức và CLB Thiện nguyện vẫn cấy lúa, trồng hoa màu và đón nhận tịnh tài của những tấm lòng thiện nguyện mới có thể xoay sở, đắp đổi qua ngày.

Tiếng trẻ bi bô tập nói, tiếng trẻ nô đùa rộn ràng sân chùa. Lại có những bé ẵm ngửa, miệng còn hơi sữa được các vãi chăm sóc, nâng niu. Bé T. A, 5 tháng tuổi ngủ ngon lành trong vòng tay của Đại đức. Đại đức kể, bé T. A bị mẹ bỏ rơi tại góc đường khi mới lọt lòng. Có người dân tốt bụng đã bế bé vào chùa. Vì bị bỏ đói và bị lạnh, bé bị viêm phổi. Lập tức, nhà chùa đã đưa đến bệnh viện chữa trị. Sau một thời gian, bé T.A đã bình phục và lên cân.

Câu lạc bộ Từ thiện chùa Đồng Mục kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân chung tay xây dựng nên một nghĩa trang đàng hoàng cho các thai nhi xấu số. Đại đức Thích Nguyên Bình thiết tha mỏng mỏi: “Chúng tôi mong muốn có một nghĩa trang thai nhi và nhà thờ vong thai nhi, nhà bảo ôn đúng nghĩa của Phật giáo. Việc cho ra đời những công trình này sẽ làm cho các con được nương tựa cửa Phật; sớm được siêu thoát, hoan hỷ buông bỏ không oán hận… cũng là để cảnh tỉnh giới trẻ ý thức việc phá thai là cần lên án”.

Đọc thêm