Thay vì học ở quê như các anh chị của mình, Kră Jăn Sơn Khang (13 tuổi, trú xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, Lâm Đồng) được mẹ gửi vào Nhà nội trú Khiết Tâm Cam Ly với hy vọng có thể theo con chữ đến nơi đến chốn. Gia đình Khang có 7 anh chị em, công việc chính là trồng lúa, trồng rau, thu nhập không ổn định nên các anh chị của Khang đều lỡ dở việc học.
Lúc Khang sinh ra, bố em mắc bệnh nặng nên qua đời, “em không nhớ mặt bố ra sao nữa”. Bố mất, cuộc sống gia đình vốn khó khăn lại càng thêm vất vả. Đến tuổi đi học, thay vì đến trường, Khang phải ở nhà lên rẫy phụ giúp mẹ.
Qua lời giới thiệu của một người quen từng sống tại Nhà nội trú Khiết Tâm, Khang được mẹ gửi vào đây theo học. Đối với Khang, được đi học là một niềm vui lớn, “nhìn thấy các bạn của mình được đến trường, em cũng ước mình được như vậy”. Khang còn nhớ như in lời mẹ dặn dò lúc lên phố, “lên Đà Lạt cố học lấy cái chữ, có cái nghề để sau này có thể giúp đỡ cho gia đình”. Mẹ còn dặn Khang phải giúp đỡ, hòa đồng với bạn bè, cố học thật tốt sau này mới đỡ khổ.
|
Những lúc rảnh, Khang thường phụ giúp một số công việc trong nhà nội trú. |
“Ngày đầu vào đây, em rất là vui, em được chơi, nói chuyện với nhiều bạn, không phải làm việc vất vả như ở nhà. Ngoài ra còn được đến trường học với các bạn, mặc dù phải học chậm một lớp nhưng em cũng không quá khó khăn để có thể hòa nhập với các bạn”, Khang kể.
Với Khang, chàng trai luôn cảm thấy mình may mắn hơn các anh chị rất nhiều khi được tiếp tục theo đuổi con chữ. Chàng trai tự nhủ sẽ cố gắng để hoàn thành chương trình lớp 12, sau đó chọn cho mình một cái nghề để tiếp tục theo học.
Một trong những tấm gương sáng để những bạn trẻ kém may mắn ở Nhà nội trú Khiết Tâm noi theo là Phi Srỗn K’Hiến (24 tuổi, trú xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, Lâm Đồng). Trưởng thành từ mái nhà tình thương này, giờ đây K’Hiến là giáo viên mầm non của Trường Mầm non Du Sinh (phường 5, TP Đà Lạt). K’Hiến cũng xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Gia đình có 11 anh chị em, kinh tế chỉ phụ thuộc vào nương rẫy. Bố mẹ K’Hiến đã gửi con vào Nhà nội trú Khiết Tâm lúc K’Hiến lên 6 tuổi. K’Hiến dự định làm ở thành phố một thời gian, sau khi đủ kĩ năng, kinh nghiệm, sẽ về dạy gần quê, để giúp các em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào có hoàn cảnh khó khăn như mình.
|
K'Hiến hiện là giáo viên ở trường mầm non Du Sinh (TP Đà Lạt) về thăm lại mái nhà xưa. |
Nhớ lại khoảng thời gian ở Nhà nội trú Khiết Tâm, K’Hiến bộc bạch: “Truyền thống ở đấy là các anh chị đi trước giúp đỡ các em nhỏ theo sau, cứ thế, rất nhiều anh chị thuộc lứa tuổi của mình giờ đã lập gia đình, có công ăn, việc làm ổn định”.
Điều thú vị ở Nhà nội trú Khiết Tâm chính là các em lớn luôn sẵn sàng hướng dẫn, chăm sóc các em nhỏ, giúp các em làm quen với môi trường mới. Bên cạnh sinh hoạt cá nhân, các em còn thường xuyên phụ nhau các công việc chung, bảo ban nhau học tập. “Những ngày đầu vào nhà nội trú, em được các anh, chị hướng dẫn từ cách giặt đồ, xếp đồ sao cho gọn gàng. Các anh, chị còn chỉ em học bài để có thể theo kịp với các bạn ở thành phố”, Khang chia sẻ. Đó cũng chính là phương pháp để rèn luyện cho các em cách chăm sóc gia đình, chăm sóc bản thân và giúp các em vơi đi nỗi nhớ nhà.
Ngoài học văn hoá, các em nhỏ ở Nhà nội trú Khiết Tâm còn được học các môn năng khiếu như đàn, múa, hát, thể thao,... Đây cũng là cơ hội để các em trau dồi kĩ năng, giải trí sau những giờ học căng thẳng. Đến giờ, mỗi lần ghé thăm “nhà cũ” chị K’Hiến lại có thêm tự tin, nỗ lực thành công hơn trong công việc, để sau này có thể giúp đỡ những em nghèo có hoàn cảnh khó khăn giống mình.
Nhà nội trú Khiết Tâm được thành lập sau giải phóng, là cơ sở nuôi dạy, chăm sóc các em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Các em chủ yếu đến từ các huyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như: Đam Rông, Lạc Dương, Đơn Dương, Đạ Huoai. Hiện tại, cơ sở có 60 em nhỏ nội trú, học tập.