Mai Trung Thứ - Họa sĩ đoạt kỷ lục đấu giá tranh Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kỷ niệm 115 năm ngày sinh của họa sĩ Mai Trung Thứ (hay Mai Thứ), bức tranh “Chân dung cô Phương” của ông đã được bán đấu giá với giá 3,1 triệu USD, đạt kỷ lục tranh Việt. Không chỉ là một họa sĩ tài năng, Mai Trung Thứ còn ghi dấu ấn trong việc quảng bá tinh hoa văn hóa Việt ở nhiều lĩnh vực: Điện ảnh, âm nhạc…
Họa sĩ Mai Trung Thứ.
Họa sĩ Mai Trung Thứ.

Nước Pháp tưởng niệm 115 ngày sinh họa sĩ gốc Việt

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906-1980), từ ngày 7/7/2021 đến ngày 2/1/2022, bảo tàng Ursulines de Mâcon (TP. Mâcon, miền Trung nước Pháp - nơi họa sĩ Mai Trung Thứ đã từng có thời gian sinh sống và làm việc những năm 1940 của thế kỷ trước) lần đầu tiên tổ chức cuộc triển lãm tranh quy mô lớn của ông với 140 tác phẩm mang tên gọi Mai Thứ - Tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ (Mai Thu - Écho d’un Vietnam rêvé).

Trước đó, từ ngày 21/6/2021, một cuộc triển lãm “bên lề”được tổ chức, giới thiệu 30 bức tranh sao từ bản gốc các tác phẩm của Mai Trung Thứ được trưng bày ở tiền sảnh Nhà ga Lyon, một đầu mối giao thông quan trọng và là cửa ngõ chính đi đến TP. Mâcon từ Paris. Đây chính là cách tưởng niệm, làm tỏa sáng những giá trị văn hóa nghệ thuật mà họa sĩ Mai Thứ đã tạo ra và để lại cho nhân loại đúng vào dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của ông.

Mai Trung Thứ sinh năm 1906, quê ở làng Do Nha, huyện An Dương, tỉnh Kiến An (cũ) nay là xã Tân Tiến, huyện An Dương, TP. Hải Phòng trong một gia đình quan lại.Năm 1925, ông thi vào khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng lứa với Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ... Đây là trường Mỹ thuật duy nhất cho toàn Đông Dương do họa sĩ Victor Tardieu làm Hiệu trưởng. Những năm học tại trường, lúc đầu Mai Trung Thứ theo đuổi chất liệu tranh sơn dầu và vẽ cảnh sinh hoạt của nông thôn Việt Nam thời đó. Sau ông chuyển sang vẽ tranh lụa, chất liệu đã tạo nên tên tuổi ông sau này.

Năm 1930, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Mai Trung Thứ được bổ nhiệm dạy vẽ tại Trường Quốc học Huế. Tại nơi đây, tài năng vẽ tranh lụa của ông được phát triển đến đỉnh cao. Trong thập niên 1930, cùng với một số họa sĩ khác, Mai Trung Thứ tham gia trưng bày tranh ở nhiều nước trên thế giới như ở Italia (Roma 1932, Milan 1934, Naples 1934), ở Bỉ (Brussels 1936), ở Mỹ (San Francisco 1937) và ở Pháp nơi ông định cư sau này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên đoàn tùy tùng và đại biểu kiều bào Việt Nam tại Biarit ngày 13/6/1946. (họa sĩ Mai Trung Thứ đeo kính đen).Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên đoàn tùy tùng và đại biểu kiều bào Việt Nam tại Biarit ngày 13/6/1946. (họa sĩ Mai Trung Thứ đeo kính đen).

Sau khi tham gia Hội chợ đấu xảo Paris năm 1936, Mai Trung Thứ quyết định ở lại, sống và hoạt động nghệ thuật tại kinh đô ánh sáng, nơi hội tụ của các danh họa bậc thầy thế giới. Dù có mấy chục năm sống và làm việc tại thủ đô nước Pháp, đề tài yêu thích của ông là về phụ nữ, trẻ em và cuộc sống hàng ngày với cái nhìn mang đầy màu sắc dân gian và bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Họa sĩ Mai Trung Thứ là người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hình thành nên những bản hòa sắc phong phú cho tranh lụa Việt Nam. Đề tài của ông thường xoay quanh phụ nữ, trẻ em và cuộc sống thường ngày.

Các nhà nghiên cứu hội họa đánh giá, Mai Trung Thứ đã đặt vào mảnh lụa những hòa sắc lung linh huyền ảo của chủ nghĩa ấn tượng nhưng lại tránh sa vào thái độ duy lý thẩm mỹ của chủ nghĩa này. Những cuộc trưng bày các tác phẩm của ông tại nhiều triển lãm trên thế giới đã góp phần giúp hội họa hiện đại Việt Nam được biết đến nhiều hơn tại phương Tây, trung tâm hình thành nên các trào lưu nghệ thuật trong lịch sử nhân loại.

Những đóng góp cho đất nước

Họa sĩ Mai Trung Thứ là một họa sĩ yêu nước. Ở Pháp, ông tham gia nhóm trí thức Việt tập hợp chữ ký tuyên bố: Phản đối mọi âm mưu chia rẽ lãnh thổ, vi phạm chủ quyền nước Việt Nam của chính quyền Pháp.Ngày 25/4/1946, Phái đoàn Quốc hội Việt Nam thăm hữu nghị Quốc hội Pháp đến Paris. Dù là Giám đốc hãng phim Tân Việt (do chính ông thành lập ở Paris), Mai Trung Thứ vẫn cặm cụi vác máy quay phim đi các tỉnh có nhiều người Việt Nam sinh sống lấy tư liệu và dựng bộ phim tài liệu: “Sức sống của 25.000 dân Việt Nam trên đất Pháp”, sau đó giao cho Phái đoàn Quốc hội đem về tuyên truyền phục vụ đồng bào trong nước.

Ngày 31/5/1946, nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường chính thức thăm Cộng hòa Pháp. Khởi hành từ Hà Nội cùng lúc còn có Phái đoàn Việt Nam do Phó Trưởng ban Thường vụ Quốc hội Phạm Văn Đồng dẫn đầu, dự Hội nghị Việt - Pháp tại Fontainebleau. Biết đoàn không có phóng viên đi cùng, họa sĩ Mai Trung Thứ đã chủ động thu xếp chuẩn bị sẵn sàng mọi thiết bị quay phim, chụp ảnh để phục vụ các hoạt động của hai Phái đoàn trong hơn ba tháng ở Pháp.

Ngày 12/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân tại vùng Biaritz. Báo Độc lập số 176 ngày 19/6/1946 đưa tin: “Có ông Mai Trung Thứ, một họa sĩ Việt Nam nổi danh ở Ba Lê quay nhiều phim ảnh khi Hồ Chủ tịch ở Biaritz”.

Trong 99 ngày trên đất Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 400 cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với các thành viên Chính phủ của Thủ tướng Pháp G.Bidault, các chính khách, lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể, phong trào, các nhà khoa học, nhà hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, các tổ chức quốc tế ở Paris và đông đảo kiều bào. Những hoạt động chính của Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, họp báo… đặc biệt là hai cuộc mít tinh của kiều bào ta tổ chức chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phái đoàn Việt Nam, buổi lễ Kỷ niệm ngày Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức tại Paris đều được họa sĩ Mai Trung Thứ ghi hình, chụp ảnh.

Hàng trăm ảnh tư liệu và bộ phim tài liệu dài 40 phút với tên gọi Hồ Chủ tịch và Phái đoàn Việt Nam tại Pháp đã được chuyển về giới thiệu và công chiếu rộng rãi trong nước, thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân.

Mai Trung Thứ cùng Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Lê Phổ được mệnh danh “tứ kiệt trời Âu” của nền hội họa Việt Nam (Phổ - Thứ - Lựu - Đàm). Không chỉ làm họa sĩ, phóng viên, người làm phim thành công, Mai Trung Thứ còn rất thành công trong lĩnh vực âm nhạc. Tiếng đàn bầu do ông biểu diễn trong Đĩa nhạc cổ truyền Việt Nam (Musique du Viet-nam) đã được nhận Giải thưởng Hàn lâm viện Đĩa hát Pháp năm 1960 (Grand Prix de l’Academie du Disque Français 1960).

Năm 1974, Nhà báo Hồng Hà (báo Nhân Dân) và đoàn làm phim Việt Nam khi sang Pháp làm phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã gặp họa sĩ Mai Trung Thứ ở Paris. Ông đã đồng ý chuyển toàn bộ những tư liệu lịch sử quý giá có một không hai gồm 80kg phim nhựa 35 ly và 11 đĩa nhựa ghi âm những phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp ông đã làm và lưu giữ. Cùng với đó là những thước phim tư liệu về sự kiện Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 tại Hà Nội.

Ông mất năm 1980 tại Pháp. Tháng 2/2019, sau hơn 80 năm xa Tổ quốc, gần 40 năm rời cõi tạm, từ Pháp, theo tâm nguyện được ông dặn lại, hồn cốt của người họa sĩ tài năng Mai Trung Thứ đã về với Đất Mẹ Hải Phòng. Tên của ông đã được TP. Hải Phòng đặt tên cho một con đường.

Bức tranh kỷ lục tranh Việt đạt mốc 3,1 triệu USD

Bức tranh được bán với giá kỷ lục 3,1 triệu USD.

Bức tranh được bán với giá kỷ lục 3,1 triệu USD.

Ngày 18/4/2021,bức tranh Portrait de Mademoiselle Phuong (Chân dung cô Phương) của danh họa Mai Trung Thứ xuất hiện trong phiên đấu giá mang tên Beyond Legends: Modern Art Evening Sale của Sotheby’s Hong Kong.

Sau khi tính thuế phí, mức giá cuối cùng cho bức tranh là 3,1 triệu USD, vượt xa kỷ lục 1,4 triệu USD bứcKhỏa thân của họa sĩ Lê Phổ, trở thành tác phẩm có giá công khai cao nhất của nền mỹ thuật Việt Nam.

Chân dung cô Phương trưng bày lần đầu tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1930. Sau đó, tác phẩm được tuyển chọn để tham dự Triển lãm quốc tế thuộc địa từ ngày 6/5 đến 15/11/1931ở Paris.Đây là một cuộc triển lãm kéo dài 6 tháng, thu hút hơn 33 triệu lượt tham quan từ Pháp và quốc tế. Chương trình đã mở cánh cửa quan trọng cho họa sĩ Việt Nam sang châu Âu.

Từ đó đến nay, tác phẩm Chân dung cô Phương Bức tranh vẽ cô Phương nằm trong bộ sưu tập Les Souvenirs d’Indochine: The Madame Dothi Dumonteil Collection (tạm dịch: Ký ức Đông Dương: bộ sưu tập của Madam Dothi Dumonteil)thuộc sở hữu của bà Đỗ Thị Lan (hay còn được biết đến với cái tên Madam Dothi Dumonteil). Bà cùng với chồng mình Pierre Dumonteil - một nhà sưu tập nghệ thuật có tiếng - đã sở hữu nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam.Tác phẩm này từng xuất hiện trong nhiều phân cảnh của bộ phim Mùi đu đủ xanh (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng. Hiện tác phẩm vẫn đang ở trong tình trạng tốt.

Theo Sotheby’s, Portrait of Mademoiselle Phuong là bức tranh hoành tráng nhưng rất dịu dàng và gần gũi. Nhà đấu giá mô tả bức tranh gói gọn tình cảm của Mai Trung Thứ dành cho Phương - một phụ nữ Hà Nội, được cho là người tình của ông.

Đọc thêm