Mang thai hộ, trăn trở cấm hay cho phép?

Hiện nay, vấn đề mang thai hộ vẫn chưa được pháp luật công nhận, tuy nhiên “có cầu ắt sẽ có cung” và sự việc vẫn âm thầm diễn ra. Nếu “đầu xuôi đuôi lọt” thì không gì phải tranh cãi, nhưng nếu phát sinh tranh chấp sau khi đứa bé ra đời thì nảy sinh nhiều rắc rối khó lường. Thực tế này đã khiến các nhà làm luật lần nữa tự đặt mình vào “nhiệm vụ bất khả khi” : xem xét lại quy định của pháp luật về vấn đề này.  

[links()]Hiện nay, vấn đề mang thai hộ vẫn chưa được pháp luật công nhận, tuy nhiên “có cầu ắt sẽ có cung” và sự việc vẫn âm thầm diễn ra. Nếu “đầu xuôi đuôi lọt” thì không gì phải tranh cãi, nhưng nếu phát sinh tranh chấp sau khi đứa bé ra đời thì nảy sinh nhiều rắc rối khó lường. Thực tế này đã khiến các nhà làm luật lần nữa tự đặt mình vào “nhiệm vụ bất khả khi”: xem xét lại quy định của pháp luật về vấn đề này.  

Hình minh họa
Trăn trở của nhà làm luật
Sở dĩ nói rằng “các nhà làm luật lần nữa tự đặt mình vào “nhiệm vụ bất khả khi” vì những năm 2000-2003, khi xây dựng Nghị định số 12/2003/NĐ-CP của chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học các nhà làm luật đã nghĩ đến vấn đề mang thai hộ và băn khoăn chuyện có nên đưa vào luật hay không. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, câu chuyện này là rất nhạy cảm vì nhiều lý do, nên mang thai hộ đành “đứng ngoài” Nghị định, bà Lê Thị Bích Trâm – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết. 
Cũng chính vì “đứng ngoài” luật (Luật HN&GĐ hiện hành không có quy định cụ thể về vấn đề mang thai hộ; Nghị định số 12 về sinh con theo phương pháp khoa học cấm mang thai hộ) nên tất nhiên những hậu quả pháp lý do hành vi này mang lại (như xác định cha, mẹ của đứa trẻ được sinh ra, các quyền nhân thân và tài sản của đứa trẻ với những người có liên quan: người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ) cũng không được pháp luật đề cập tới.
Trong khi đó, thực tế cuộc sống đã và đang diễn ra rất nhiều cuộc thỏa thuận mang thai hộ, đẻ thuê và đã có không ít vụ dẫn đến những tranh chấp "dở khóc dở cười" như câu chuyện của vợ chồng anh T.T.S và chị T.K.L, ngụ tại Thị xã Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương đã nói tới ở bài trước. Và, đáng buồn ở chỗ do thiếu luật điều chỉnh nên không ai có thể ra tay giúp họ. 
Trước thực tế này, vấn đề mang thai hộ đã được đưa vào nội dung của tiến trình lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật HN-GĐ năm 2000. Theo bản “Tổng quan những bất cập trong Luật HN-GĐ qua ý kiến đánh giá của các cơ quan, tổ chức, cá nhân” do Bộ Tư pháp công bố thì hầu hết mọi người đã nhận thấy rằng thừa nhận việc mang thai hộ vừa là một giải pháp nhân đạo đối với những trường hợp hiếm muộn, vừa giải quyết được những tranh chấp đang diễn ra trong thực tế khi mang thai hộ đang rất phổ biến nhưng lại thiếu sự điều chỉnh của pháp luật.
Hay nói như bà Lê Thị Bích Trâm – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: “Hiện nay nhu cầu này đã trở nên bức thiết nên cần đưa vào luật. Tuy nhiên, để tránh trường hợp đẻ thuê thì phải quy định trách nhiệm xác định một người phụ nữ không thể có khả năng mang thai (như người vợ bị cắt bỏ tử cung, suy tim hoặc bệnh thận nặng…), cho phép nhờ người mang thai hộ là của một hội đồng khoa học y tế. Như thế mới loại bỏ quan điểm lệch lạc “có tiền mua tiên cũng được” lạm dụng việc mang thai hộ đi ngược lại các giá trị đạo đức truyền thống”. 
Một bà mẹ hay hai bà mẹ? 
Qua phân tích, có thể thấy “vướng” nhất ở việc có nên cho phép mang thai hộ hay không chính là quy định người sinh ra đứa trẻ mới là mẹ đẻ của pháp luật hiện hành, cũng từ đó kéo theo nhiều hệ lụy khó giải quyết. Cũng vì thế nên trong quá trình lấy ý kiến sửa luật, có rất nhiều ý kiến đưa ra nhằm giải quyết vấn đề xác định mẹ cho đứa trẻ.
Đơn cử như quan điểm: giữa bên nhờ mang thai hộ và bên nhận mang thai hộ cũng cần thiết phải có văn bản thỏa thuận như hợp đồng (có công chứng) để thống nhất việc mang thai chỉ là hộ, đứa trẻ sau này là con của cặp vợ chồng hiếm muộn. Cụ thể, phải xác định rõ đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này là con đẻ của người có huyết thống với trẻ qua giám định ADN… 
Thậm chí ngay từ năm 2001, khi Luật HN-GĐ năm 2000 đề cập tới việc sinh con theo phương pháp khoa học (Điều 63) thì bà Trần Thị Hương, Khoa Luật Dân sự, ĐH Luật TP.HCM đã phân tích: “Trường hợp con sinh ra do bởi người mang thai hộ thì khái niệm huyết thống được hiểu theo nhiều hướng khác nhau. Thứ nhất: quan hệ huyết thống mẹ - con trong trường hợp này là quan hệ giữa đứa con sinh ra và người phụ nữ có trứng thụ tinh. Tức người nào chủ sở hữu trứng thì đó là mẹ của đứa trẻ. Người phụ nữ này đang tồn tại mối quan hệ hôn nhân với bố đứa trẻ được sinh ra.
Thứ hai: người phụ nữ nào trong cơ thể của mình phát triển hài nhi và sinh ra đứa trẻ thì đó là mẹ. Bởi mẹ của một đứa trẻ với tư cách là một con người thực thụ, với tư cách là chủ thể pháp luật dưới ý nghĩa pháp lý cũng như ý nghĩa sinh học, chính là người phụ nữ sinh ra (tạo ra, cho ra đời) đứa bé.
Thứ ba: nên có khái niệm pháp lý “người mẹ thứ hai” (mẹ thế). Có nghĩa là bên cạnh một “người mẹ thứ nhất” (người mẹ mà đứa trẻ mang gien di truyền), còn tồn tại một “người mẹ thứ hai” tức người mang thai hộ. Đây là quan điểm dung hòa của hai quan điểm trên. Nếu chỉ đồng ý với quan điểm thứ hai, vô tình chúng ta đánh mất ý nghĩa, mục đích của thụ thai nhân tạo dưới hình thức mang thai hộ, tức là tước quyền làm mẹ của người phụ nữ không có khả năng mang thai…”
Cuộc tranh luận về mang thai hộ - cấm hay cho phép vẫn chưa có hồi kết ở thời điểm này. Chỉ biết rằng việc mang thai hộ là một thỏa thuận dân sự hình thành trên cơ sở tự nguyện, tự do ý chí và bình đẳng vì vậy nên pháp luật sớm công nhận và bảo vệ sự thỏa thuận này. 
Dương Nhi

Đọc thêm