Mang thai hộ- từ nhân đạo đến pháp lý

Hành vi mang thai hộ có thể bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là nhu cầu xã hội có thật và chính đáng của một bộ phận xã hội khi người phụ nữ không có khả năng để mang thai nhưng họ có nguyện vọng muốn được có con. Do đó, cho dù pháp luật hiện hành nghiêm cấm nhưng thực tiễn đang xảy ra nhiều trường hợp lén lút mang thai hộ.

Hành vi mang thai hộ có thể bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là nhu cầu xã hội có thật và chính đáng của một bộ phận xã hội khi người phụ nữ không có khả năng để mang thai nhưng họ có nguyện vọng muốn được có con. Do đó, cho dù pháp luật hiện hành nghiêm cấm nhưng thực tiễn đang xảy ra nhiều trường hợp lén lút mang thai hộ.

Dễ “biến tướng” nếu cấm mang thai hộ

Chị N. T. H (ở Hai Bà Trưng Hà Nội) cho biết: “Tôi đang ở trong một tình cảnh không còn lựa chọn. Tôi đang rất mệt mỏi. Khát khao được làm mẹ, nhưng tôi không thể mang thai dù đã có phôi trữ lạnh. Tôi muốn tìm người mang thai hộ nhưng làm sao để an toàn cho con tôi sau này? Khi tìm được người mang thai hộ rồi, tôi phải làm gì để đảm bảo con sẽ được ra đời mạnh khỏe? Tôi không có chị em gái để nhờ, vợ chồng tôi không muốn nhờ một người quen biết. Tôi vừa vào TP.HCM vì tôi thấy trong đó việc mang thai hộ đơn giản hơn nhiều so với ngoài Bắc”.

h

Cách đây không lâu, dư luận xã hội được phen ồn ào với câu chuyện một đại gia đất Cảng hiếm muộn đã ngoài 50 tuổi, muốn bỏ tiền ra thuê người mang thai hộ. Tìm khắp mối, ông không ưng ai. Cuối cùng, người bạn giới thiệu cho ông một cô ca sĩ trẻ, được đánh giá là gái “lành” trong giới showbiz địa phương. Ông khá ưng cô này vì cô xinh xắn, dáng đẹp, nhưng …ra giá khá cao. Ông phải trả công cô xấp xỉ 4 tỉ đồng bao gồm một ngôi nhà 3 tỷ đồng và kèm theo khoảng 700 triệu đồng tiền mặt, chưa tính đến những chi phí qua lại giữa hai bên.

Gần đây nhất, phóng viên Báo điện tử Dân trí đã tiếp cận được với những đối tượng dắt mối, cò mồi để gặp được “má mì” của đường dây chuyên “đẻ thuê” trước cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Theo đó, lợi dụng tình trạng nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn không có khả năng sinh con, chúng đã xây dựng cả một đường dây cung ứng “máy đẻ”.

“Má mì” này khẳng định sẵn sàng cung ứng “hàng chuẩn, hàng đẹp” với giá 350 triệu đồng một ca đẻ thuê trọn gói. Trước đấy, phóng viên tờ Người đưa tin cũng đã được “mục sở thị” một ê-kíp đẻ thuê có khoảng từ 5 - 8 cô gái khỏe mạnh sẵn sàng mang bầu cho những cặp vợ chồng không thể có con với giá “hữu nghị” hơn là 50 triệu đồng một lần sinh.

Những câu chuyện như trên được ghi nhận, phản ánh rất nhiều trên các trang mạng xã hội. Xuất phát từ thực tế ấy, Ban soạn thảo xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi, đang lấy ý kiến đóng góp về việc có nên chấp nhận thực tế này, cho phép hành vi mang thai hộ.

Những người đồng tình với phương án này cho rằng vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, đa phần các ý kiến chưa đồng tình mở rộng phạm vi người mang thai hộ mà chỉ chấp thuận nếu là chị em ruột thịt.

Cần quy định “mềm dẻo” hơn

Nghị định 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học đã nghiêm cấm hành vi mang thai hộ. Nghị định 96/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh cũng nêu rõ, hành vi mang thai hộ có thể bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng.

Tuy nhiên, đây là nhu cầu xã hội có thật và chính đáng của một bộ phận xã hội khi người phụ nữ không có khả năng để mang thai nhưng họ có nguyện vọng muốn được có con. Do đó, cho dù pháp luật hiện hành nghiêm cấm nhưng thực tiễn đang xảy ra nhiều trường hợp lén lút mang thai hộ.

Vừa qua, đoàn công tác liên ngành do Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Đinh Dũng Sỹ làm Trưởng đoàn đã có cuộc khảo sát tại một số địa phương, đơn vị về vấn đề này. Qua khảo sát, đa số các ý kiến cho rằng Nhà nước nên kiểm soát bằng cách công nhận trong Luật hơn là để nó xảy ra trên thực tế rồi sau đó phải công nhận hậu quả.  

Việc hợp pháp hóa mang thai hộ cũng giúp Tòa án giải quyết thấu đáo những tranh chấp về con giữa người mẹ mang nặng đẻ đau và người mẹ cùng huyết thống. Nhưng cũng có ý kiến lo ngại việc cho phép mang thai hộ không có điều kiện sẽ kéo theo hiện tượng nhiều phụ nữ vì lý do không chính đáng khác (như sợ sinh con cơ thể xấu đi, sợ tốn thời gian) mà áp dụng biện pháp này. Từ đó, sẽ dẫn đến tình trạng thương mại hóa, dịch vụ mang thai hộ sẽ nở rộ không kiểm soát được.

Tổng hợp các kiến nghị, ông Đinh Dũng Sỹ đề xuất Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi cho phép hợp pháp hóa việc mang thai hộ, song cần đưa ra những quy định thật chặt chẽ ngay từ đầu về điều kiện cũng như trình tự, thủ tục thực hiện việc mang thai hộ.

Quy định này sẽ giúp các cơ quan thi hành pháp luật quản lý được hoạt động mang thai hộ, đảm bảo được tính nhân văn của quy định và tránh bị lạm dụng; đồng thời tạo ra cơ sở pháp lý giải quyết các quan hệ nhận con và trả con giữa người nhờ mang thai hộ và người được nhờ mang thai hộ, xác định ai là mẹ đẻ đứa bé, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.

TS Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cũng phân tích: Trong khoảng 100 cặp vợ chồng, có 10-15 cặp không thể có con tự nhiên, phải tìm đến các biện pháp hỗ trợ sinh con. Bên cạnh đó cũng có trường hợp không thể mang thai như phụ nữ bị cắt tử cung, tử cung bị dị tật… và khi ấy chỉ còn biện pháp là nhờ người mang thai hộ.

Bác sĩ Phạm Thị Minh Trang - nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Sản phụ và Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện 198 – bày tỏ sự đồng tình với việc mang thai hộ vì ý nghĩa nhân đạo và phản đối mang thai hộ vì tiền…/.

Hoàng Thư

Đọc thêm