Mặc dù trong kỳ họp trước, nhiều ý kiến trái chiều đã được các ĐB đưa ra khi bàn về vấn đề mang thai hộ. Tuy nhiên, UBTVQH vẫn cho rằng chế định này là cần thiết và tiếp tục đưa ra thảo luận tại kỳ họp này.
Chiều nay, trong phiên thảo luận tại hội trường, ý kiến thảo luận của các ĐB vẫn có hai luồng quan điểm rõ rệt về quy định này.
Đứng về phía quan điểm ủng hộ ban soạn thảo, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu tại hội trường: Tỷ lệ vô sinh đang chiếm 8% dân số. Đây là một con số đáng lo ngại và đáng báo động. Nếu cho phép mang thai hộ sẽ là một giải pháp tốt cho những gia đình nằm trong số này. Tôi thấy việc quy định mang thai hộ là một vấn đề nhân đạo, rất cần quy định trong luật. Tuy nhiên, luật cũng phải quy định cụ thể để bảo đảm quyền lợi của người mẹ và trẻ em.
Cũng lấy một con số làm mình chứng, ĐB Khúc Thị Duyền (Nam Định) cho rằng với 700.000 cặp vợ chồng không có khả năng sinh con và mong muốn có con, nên cần thiết phải đưa vấn đề mang thai hộ vào trong luật. Quy định như vậy vừa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, vừa là một hành vi hết sức nhân văn.
ĐB Đặng Chị Kim Chi (Phú Yên) đưa ra một ví dụ thực tiễn. Bà cho biết: Tôi quen biết hai người phụ nữ, vì lý do sức khỏe không thể tự mang thai, đã tiến hành thụ tinh nhân tạo, có chị em sẵn sàng mang thai hộ, nhưng luật chưa cho phép nên chưa làm được. Một người, qua đường dây ngầm đã nhờ mang thai hộ, kết quả có đứa con của mình. Người kia sợ những phức tạp và vấn đề nảy sinh từ đường dây ngầm mà không dám, đến giờ vẫn chưa có con", bà Kim Chi nói.
ĐB Đặng Chị Kim Chi. Ảnh: Minh Thăng |
Đồng ý với tinh thần nhân đạo dự luật hướng tới, nhưng nhiều ĐB cũng băn khoăn về tính thời điểm của việc đưa ra chế định này. “Ý nghĩa nhân đạo đối với cha mẹ nhờ mang thai hộ đã rõ, nhưng ý nghĩa nhân đạo với đứa trẻ được sinh ra thế nào? Đứa trẻ sẽ sống thế nào trong điều kiện phức tạp như thế? Ngoài mẹ ruột, mẹ nuôi, bây giờ lại có thêm mẹ... mang thai hộ", ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) phát biểu trước hội trường.
Thẳng thắn phản đối, ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) nói: “Đây là một ý tưởng nhân văn, nhưng ý tưởng và hiện thực, điều kiện ban hành một điều luật, không phải lúc nào cũng gặp nhau.
Dẫn chứng cho quan điểm của mình, ông nói thêm: Khoa học kỹ thuật giờ đây đã khá phát triển. Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm ở VN đã rất tiến bộ, có thể giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có con. Hơn nữa, tính bức xúc của các trường hợp cần được mang thai hộ chưa đến mức phải ra luật.
"Đã có trường hợp nào cần pháp luật can thiệp? Bao nhiêu trong số 8% người vô sinh có nhu cầu nhờ mang thai hộ, bao nhiêu người chồng đồng ý cho vợ mang thai hộ...?", ông Niễn đặt câu hỏi và đề nghị cần thêm thời gian nghiên cứu./.