Minh họa nguồn internet. |
Cứu mẹ hay cứu con?
Trong y tế cũng như trong đời sống, ai cũng biết và hiểu khái niệm “người chửa cửa mả” bởi các tai biến sản khoa luôn rình rập sản phụ. Tuy nhiên, vì mang thai hộ nên trong trường hợp nếu xảy ra tai biến sản khoa, người nhận mang thai hộ (hoặc thân nhân của họ) có quyền quyết định về tính mạng của mình và đứa trẻ hay không thì dường như luật đã “quên” bàn tới.
Bác sĩ Trịnh Thị Lê Trâm – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS đã đặt vấn đề: “Luật nên cân nhắc vấn đề trong quá trình mang thai và sinh đẻ, người mang thai hộ có thể gặp những tai biến cần phải xử lý theo quy định của thầy thuốc. Và trong nhiều trường hợp cần phải hy sinh mẹ để cứu con hoặc hy sinh con để cứu mẹ thì ai sẽ là người có quyền quyết định? Thân nhân, chồng của người mang thai hộ hay cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ sẽ có quyền "lựa chọn" để thông báo với thầy thuốc xử lý?”.
Rõ ràng trong trường hợp này, về tâm lý có thể xảy ra xung đột lợi ích. Người thân, người chồng sản phụ sẽ có khuynh hướng cứu mẹ, người nhờ mang thai hộ sẽ có nhu cầu cứu đứa con.
Là người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sản khoa, GS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, khi xảy ra tai biến sản khoa thì ngoài bác sĩ, người quyết định tính mạng người mang thai hộ và đứa trẻ chính là bản thân người đó và thân nhân của họ (trong trường hợp người mang thai hộ không thể tự quyết định). “Đây là điều kiện tối quan trọng trong sản khoa và luật pháp cũng cần lưu ý khi luật hóa vấn đề mang thai hộ” – ông Tiến nhấn mạnh.
Nhận cha mẹ từ bào thai hay đợi đến khi sinh ra?
Theo quy định của Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình thì thời điểm phát sinh quan hệ cha mẹ - con giữa cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và đứa trẻ là “kể từ thời điểm con được sinh ra”. Xét ở góc độ nhân văn, quy định này hợp lý ở chỗ nó sẽ đảm bảo cho người mang thai hộ quyền quyết định về việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai. Tuy nhiên, nếu so sánh thì sự không hợp lý của điều luật lại lớn hơn rất nhiều, nhưng lại chưa được các nhà làm luật tính đến.
Xoáy sâu về khía cạnh không hợp lý của quy định này, Luật sư Lê Thị Ngân Giang – Giám đốc Công ty Luật Hà đặt vấn đề trong trường hợp cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ vì lý do nào đó mà chết trước khi đứa trẻ được sinh ra, đứa trẻ đó sẽ không được thừa hưởng di sản, vì thời điểm phát sinh quan hệ cha mẹ - con là “kể từ thời điểm con được sinh ra”.
Điều này là trái với nguyên tắc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật luôn xếp những người có quan hệ huyết thống gần nhất vào hàng thứ nhất. “Mặt khác, quy định đó cũng có vẻ không nhân đạo với người mang thai hộ, nhất là khi họ có khó khăn về kinh tế, hay gặp tai biến sản khoa” – Luật sư Ngân Giang nhấn mạnh.
“Dự thảo Luật cần quy định cụ thể trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết mà con chưa được sinh ra hay đã được sinh ra nhưng chưa giao cho bên nhờ mang thai hộ thì đứa trẻ vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với tài sản của bên nhờ mang thai hộ” - Bác sĩ Trịnh Thị Lê Trâm, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế đề xuất.