“Cho dù sản nghiệp lao đao hay cái chết cận kề, vẫn quyết bám biển“

(PLO) - Thường xuyên bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, cướp phá, anh Lê Khởi (Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) từng mất trắng những con tàu trị giá 500- 600 triệu đồng, từng bị bắt giữ 3 tháng ở đảo Hải Nam (Trung Quốc)... Nhưng dù sản nghiệp lao đao hay cái chết cận kề, anh vẫn quyết bám biển, kiên định ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Cửa cabin tàu của anh Khởi bị hỏng do vòi rồng tàu Trung Quốc phun.
Cửa cabin tàu của anh Khởi bị hỏng do vòi rồng tàu Trung Quốc phun.
Ranh giới sự sống, cái chết mong manh
Người nhỏ thó, da đen sạm, giọng miền Trung đặc quánh, hào sảng, anh Khởi tâm sự, gia đình anh bao đời nay đã sinh ra và lớn lên ở đảo Lý Sơn. Sinh năm 1966, là anh cả trong gia đình có 8 anh chị em nên dù luôn đứng đầu lớp nhưng học hết lớp 6 anh đã nghỉ, xin cha đi học nghề sửa tàu. Hơn 10 tuổi anh đã lênh đênh nơi đầu sóng cùng cha. Tới khi 16 - 17 tuổi anh đã được xem như một con rái cá thực thụ, có thể lặn sâu khoảng 45m lấy hải sâm. 25 tuổi, sau nhiều lần đi theo cha, anh chính thức vươn khơi ra vùng biển Hoàng Sa. 
Chuyến đầu tiên ra khơi xa đó (Hoàng Sa cách Lý Sơn 120 hải lý), anh thuê một con tàu có chủ đi kèm và anh làm thuyền trưởng (mỗi tàu có khoảng 12 người là anh em chòm xóm). Tới gần Hoàng Sa thì gặp bão, một số người hốt hoảng định bỏ lại tàu để sang tàu khác, nhưng anh kiên quyết neo tàu và động viên mọi người bình tĩnh, bởi nếu sang tàu khác trong tình trạng hoảng loạn, chen chúc, tàu không đủ sức chứa rất có thể sẽ mau chóng bị chìm. 
Cơn bão đó đổ ập xuống từ 16h hôm trước tới 2h hôm sau thì đi qua. Có 8 tàu thì 2 tàu bị mắc cạn, 1 tàu  bị chìm tại chỗ, chỉ còn 2 người sống sót. Thuyền của anh may mắn neo lại nên không bị thiệt hại.
Thuyền trưởng Lê Khởi - người con hùng binh của đảo Lý Sơn.
Thuyền trưởng Lê Khởi - người con hùng binh của đảo Lý Sơn. 
Khoảng 2h, khi bão tan, nghe thấy có tiếng kêu cứu, anh cố gắng mở lối ra tìm cách thả phao nhưng điện và đèn pin không có, biển tối đen như mực không làm gì được, anh ngồi khóc bất lực... Đó là ấn tượng đầu tiên trong đời đi biển của anh và cũng là bài học xương máu – đi biển phải chấp nhận sự sống và cái chết mong manh trong gang tấc. 
Sau này, khi phải đối diện nhiều hơn với hiểm nguy, chàng trai Lê Khởi cũng như bao người dân Lý Sơn kiên cường đều xác định ra khơi là không biết tới ngày mai, rất có thể không được trở lại bờ nhưng Hoàng Sa là vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, nơi cha ông họ đã vươn khơi đánh bắt thủy, hải sản nuôi sống gia đình…, thế nên họ phải bám biển bằng mọi giá.
3 tháng phải làm “con tin” vẫn kiên định chủ quyền
Từ đầu năm tới nay, đang mùa biển lặng nên những chuyến đi biển của anh Khởi dày hơn. Anh từ Hoàng Sa về ngày 12/5 để sửa tàu, đây là chuyến thứ 5, thứ 6 liên tiếp tàu anh bị thiệt hại bởi tàu hải giám và kiểm ngư Trung Quốc tại ngư trường Hoàng Sa. Không chỉ rượt đuổi, tàu hải giám Trung Quốc còn dùng súng bắn uy hiếp và sử dụng vòi rồng để tấn công tàu anh.
Trận tấn công nặng nhất là vào trung tuần tháng ba, trong lúc đi, anh em trên tàu phát hiện có 2 tàu hải giám sơn màu trắng số hiệu 1239 và 308 được trang bị đầy đủ súng, pháo, tăng tốc đuổi theo. Khi cách tàu anh Khởi khoảng 20m, 2 tàu này chia nhau kẹp song song và bắn chỉ thiên ra hiệu dừng lại. Thuyền trưởng Khởi tiếp tục cho tàu chạy. 
Sau nhiều lần uy hiếp không thành, tàu hải giám 308 đổi hướng bỏ cuộc, còn tàu 1239 tiếp tục bám theo và liên tục nổ súng, đồng thời đập cửa kính tàu anh, dùng vòi rồng phun nước tấn công nhằm nhấn chìm tàu. Thấy vậy, thuyền trưởng Khởi cho anh em đóng chặt cửa ca bin. Sau hơn một giờ bị tàu Trung Quốc uy hiếp, để bảo toàn tính mạng của anh em đi cùng, anh Khởi đành cho tàu quay vào bờ.
Trước đây vào năm 2007, khi đang khai thác ở Hoàng Sa, tàu của anh Khởi cùng một tàu nữa bị tàu kiểm ngư Trung Quốc bắt. Xác định tàu mình đánh bắt hải sản hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, các anh không ký vào giấy tờ, biên bản nộp tiền phạt nên bị phía Trung Quốc khống chế đưa hai tàu (gồm 28 ngư dân) về giữ tại đảo Hải Nam (cách Lý Sơn 200 hải lý). Hải giám Trung Quốc yêu cầu các anh gọi về gia đình để báo tin lấy tiền chuộc (mỗi tàu 130 triệu đồng) nhưng các anh không chấp nhận. 28 thuyền viên bị đưa hết lên boong tàu, căng bạt chờ giải cứu suốt ba tháng. 
Thời gian đầu họ sống bằng lương thực dự trữ trên tàu. Sau đó, họ được phía Trung Quốc cấp mỗi ngày 4kg gạo, ăn hai bữa. Sau này khi vào bờ, anh mới biết vợ anh đã nộp tiền “phạt” nhưng hai tháng vẫn chưa thấy chồng về nên chị viết thư cầu cứu Thủ tướng. Đợi thủ tục bàn giao quá lâu, gần hết tháng thứ ba, 28 thuyền viên quyết định tuyệt thực suốt ba ngày. Cuối cùng họ được trả tự do. Chuyến đó tàu của anh Khởi mất 130 triệu đồng, 10 tấn cá...
Tàu hải giám của Trung Quốc đuổi theo tàu cá của ngư dân Lê Khởi (ảnh Lê Khởi cung cấp).
Tàu hải giám của Trung Quốc đuổi theo tàu cá của ngư dân Lê Khởi (ảnh Lê Khởi cung cấp).
Chưa vực dậy sau chuyến bị bắt giữ làm con tin đó thì trận bão số 1 năm 2008 đã “cướp” tàu của anh  khiến anh trắng tay trở về (mỗi tàu trị giá trung bình 500- 600 triệu đồng). Không chịu nổi cảnh ở lâu trên bờ, anh chạy đôn chạy đáo lo sắm một con tàu mới. Vừa hết nợ nần được 2 năm thì ngày 24/10/2012 , anh lại bị hải giám Trung Quốc tấn công tàu và đập phá lấy hết ngư cụ, tài sản trị giá khoảng 450 triệu đồng phút chốc tan hoang… 
Bị phía Trung Quốc gây thiệt hại nhiều và hiểm nguy như vậy nhưng về nhà nhiều lắm là một tuần, anh lại thấy nhớ không gian mênh mông và những luồng cá ngoài khơi xa. Anh lại tìm mọi cách để tiếp tục ra biển.
Cứu người bị nạn, bất kể đó là ai…
Năm 2001, anh Khởi là người đầu tiên ở đảo Lý Sơn có máy bộ đàm I-com. Anh mang theo tàu một chiếc, một chiếc để ở nhà cho chị Hồng, vợ anh theo dõi thời tiết, kịp thời báo ra tàu. Và cũng chính nhờ máy bộ đàm đó, anh đã trở thành người cứu hộ, cứu nạn trên biển. Mỗi khi có tàu thuyền bị hỏng, mắc kẹt ở đâu đó, các thuyền lại gọi cho vợ anh nhờ báo để anh kịp thời cứu hộ. Đa số các tàu bị gãy cây lắp trục chân vịt, phải có tàu tới kéo vào đảo. 
Có lần tàu của ông Bùi Thông bị hỏng máy trong cơn bão, nhưng đêm tối, tàu của anh đã trú ẩn ở phía sau Hoàng Sa không thể quay lại được. Anh đã liên lạc với  tàu của ông Dương Lộc gần đó và họ đã cứu được tàu của ông Bùi Thông ra khỏi tâm bão.
Một đời đi biển, anh thấu hiểu và cảm thông sự cơ cực và nguy hiểm của đồng nghiệp, vì thế, mỗi khi nhận tin tàu khác gặp nạn, dù họ là ai, anh cũng luôn cố gắng cứu giúp bằng mọi giá mà không mong họ đền đáp. Có người không ngờ được anh cứu. 
Còn nhớ, cũng chính trận bão khiến anh trắng tay năm 2008, thấy một con tàu Trung Quốc sắp bị bão cuốn phăng ra xa, anh đã nỗ lực cứu được một ngư dân tàu này. Sau khi liên lạc bộ đàm với Bộ đội Biên phòng, anh được lệnh mang người Trung Quốc đó vào bờ để trao trả. Tới đất liền, anh đã gọi cho vợ sắm cho anh ta một bộ quần áo mới…
Anh là một đại diện của ngư dân Lý Sơn - quê hương của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải -không nề hy sinh, mất mát riêng, quyết bám biển, giữ chủ quyền biển đảo mà ông cha ta đã đổ bao máu xương gìn giữ. Với anh và những người dân đất Việt, mỗi con tàu ra khơi là một bằng chứng khẳng định chủ quyền lãnh hải Việt Nam… 

Đọc thêm