Mạng xã hội được xem là nơi chứa đựng tất cả các thông tin được thu tập từ đầy đủ các nguồn dữ liệu đáng tin hoặc không đáng tin nhưng lại được đăng tải đa phần không qua kiểm chứng. Ngoài thông tin mang tính tuyên truyền, giáo dục cho những điều tích cực thì mạng lại tràn lan các thông tin do thiếu trách nhiệm, vô ý thức. Thậm chí đó có khi là ác ý cho một mục đích cá nhân hay tổ chức nào đó có thể được bia đặt, xuyên tạc sai sự thật hoặc gán ghép với ý đồ xấu cho mục đích phá hoại.
Mạng xã hội cho phép người dùng có quyền tự do đăng tải, trích dẫn, chia sẻ các loại thông tin mà gần như không qua kiểm duyệt nội dung. Để tránh đưa những thông tin không chính xác hoặc có dụng ý xấu, người sử dụng mạng cần phải hết sức thận trọng và nhất là cán bộ, đảng viên thì càng phải thận trọng hơn với tất cả các thông tin, hình ảnh mình chia sẻ, trích dẫn, nhất là không nên chia sẻ, trích dẫn khi không chắc chắn về độ chính xác mà cần xem xét kỹ lưỡng nguồn gốc của thông tin, tìm hiểu người đưa thông tin, nhất là các thông tin trái chiều, thông tin của số người có thành kiến với chế độ.
Phải hiểu động cơ, mục đích của người đưa thông tin, nếu người đưa thông tin mang dụng ý xấu thì ta không trích dẫn lại, khi không có căn cứ xác định mục đích của họ thì bản thân ta phải làm rõ và mục đích của ta là gì khi đăng lại tin đó.
Các đối tượng phản động lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung để kích động tuần hành trên mạng xã hội (ảnh: CANA) |
Việc xác định thông tin đó có lợi cho ai bởi những thông tin vô thưởng vô phạt có thể chỉ để đánh bóng tên tuổi cho một ai đó hoặc vì dụng ý cho mục đích gì đó, cho nên phải thận trọng với loại tin này. Nên xem xét thái độ của người đăng tin, bên cạnh việc tỏ rõ thái độ ủng hộ, tán thành ý kiến được chia sẻ thì người đăng tin không bày tỏ ý kiến gì cũng dễ dẫn đến các bình luận trái chiều dễ gây hiểu lầm, tạo thái độ không nghiêm túc hoặc kích bác lẫn nhau.
Phần đông người sử dụng mạng xã hội vẫn cho rằng “mình thích thì mình đăng” nhưng không phải trường hợp nào cũng vô hại. Một số trường hợp chỉ đơn thuần là một hiện tượng mới của xã hội, ví như câu chuyện sử dụng cách học tiếng Việt mới theo sách công nghệ, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin mang tính chất châm biếm, chế giễu, phản đối hoặc đồng tình… thì nhiều người tham gia lại lấy đó làm niềm vui để cùng bình luận bày tỏ chính kiến hoặc chia sẻ bằng sự vô tình hay cố ý để cùng thúc đẩy người khác cùng quan điểm với mình.
Nếu thông điệp đưa ra tích cực thì sẽ tác động tích cực, còn không mang tính tiêu cực thì sẽ dẫn đến kích động và ảnh hưởng tiêu cực khó lường. Đôi khi có trường hợp chọn phương án lập lờ “để đây và không nói gì”, chẳng hạn đưa các đường dẫn link của ai đó chưa qua kiểm chứng về các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, các mặt trái của xã hội, kinh tế, chính trị… Điều này thể hiện sự vô trách nhiệm của người chia sẻ.
Tự ý đăng ảnh người khác lên Facebook sẽ bị xử phạt 20 triệu đồng (ảnh: VNN) |
Một khi người dẫn lại thông tin khi chưa được kiểm chứng, không xác định đúng, sai hoặc đã xác định đúng, sai nhưng với trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng, với chế độ thi việc đưa thông tin như vậy cũng không phù hợp, rất bất lợi về nhiều mặt. Do đó, mỗi bài viết hay chia sẻ được đăng công khai thì cũng nên cân nhắc kỹ về hậu quả và tác động của nó đối với cộng đồng, với xã hội.
Ngoài ra, mạng xã hội còn có chức năng biểu lộ các thái độ, cảm xúc trên mạng xã hội trước một bài viết hoặc được chia sẻ, bản thân người đọc khi tiếp xúc với những bài đăng thấy “có vấn đề” hoặc gây ra cảm xúc khó chịu thì không nên im lặng cho qua, bởi sự im lặng có khi cũng đồng nghĩa là “đồng ý”. Tùy theo mức độ, tính chất của vấn đề về mối quan hệ với chủ của thông tin, ta có thể lựa chọn trao đổi trong tin nhắn riêng về điều mình cho là chưa phù hợp.
Nguyễn Danh Dũng đã đăng hơn 700 clip xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước (ảnh: CAND) |
Thể hiện bằng cách bình luận dưới bài viết nhưng ý kiến nêu ra cần có tính xác thực cụ thể, rõ ràng và được thể hiện bằng thái độ phù hợp để đảm bảo tính thuyết phục, hợp lý hoặc dùng biểu tượng phù hợp nếu ta không viết bình luận. Chia sẻ link (nếu có thể) hoặc dẫn lại thông tin bằng cách đưa ra chính kiến phản bác hay khen ngợi trên trang của chính mình. Ta cũng có thể chép lại thông tin chưa phù hợp của ai đó đưa lên trang của mình và nói lại ý kiến của mình cho người đưa tin sai, chưa phù hợp hiểu và nhận ra vấn đề.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng đắn, chuẩn mực về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội trước tác động của mạng xã hội hiện nay. Tham gia phản biện, đấu tranh với các hiện tượng sai trái, lệch lạc, thiếu lành mạnh, thiếu văn hóa để góp phần thúc đẩy các lợi thế và chiều hướng tích cực mang tính giáo dục, tuyên truyền đến cộng đồng xã hội mang tính nhân văn thân thiện. Đó là cách ứng xử phù hợp của cán bộ, đảng viên đối với mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay.