Phạm Mại còn gọi Phạm Tông Mại, hiệu là Kính Khê, người hương Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, phủ Tân Hưng (nay là huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Sách “Nam Ông mộng lục” thì chép rằng quê ông ở huyện Lý Nhân (nay thuộc tỉnh Hà Nam).
Thân thế vị quan cương trực
Phạm Mại có người anh là Phạm Ngộ, vốn là người họ Chúc, hai anh em đều là người có tài năng, được tuyển vào triều làm quan. Vua Trần Nhân Tông cho rằng họ Chúc không phải là một họ lớn nên đổi thành họ Phạm, lại đổi tên người anh là Chúc Kiên thành Phạm Ngộ, người em là Chúc Cố đổi thành Phạm Cố nhưng lại thấy trùng với tên thầy học của vua là Nguyễn Sĩ Cố nên đổi sang tên là Mại.
Khi Trần Nhân Tông xuất gia tu hành tại núi Yên Tử (thuộc Quảng Ninh ngày nay), lấy hiệu là Hương văn đại đầu đà, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ, sáng lập ra phái Thiền Tông Trúc Lâm, anh em Phạm Mại, Phạm Ngộ được cử làm Thị nội học sinh để theo hầu.
Phạm Mại có tài văn thơ, khi mất để lại cho đời bộ Kinh Khê thi tập, tiếc là các tác phẩm của ông bị thất tán phần lớn, đến nay chỉ còn sót lại một bài phú "Thiên thu kim giám" (Phú gương vàng nghìn thu) và 5 bài thơ Đường luật chép trong các sách Toàn Việt thi lục, Việt âm thi tập.
Đánh giá về văn thơ của Phạm Mại, trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có viết: “Thơ ông thanh thoát, bay bướm, có thú thanh cao”.
Năm Giáp Dần (1314) đời vua Trần Minh Tông (1314-1329), Phạm Mại được cử cùng với Nguyễn Trung Ngạn đi sứ sang nhà Nguyên. Trên đường đi ông có làm bài “Bắc sứ ngẫu thành” (Đi sứ phương bắc ngẫu nhiên làm):
Quán quê từng nghỉ lại,
Vó ngựa nay ngừng chơi.
Cửa sớm chăng mây bạc,
Rừng thu ngập lá rơi.
Nhạn thưa tin vắng ngắt,
Vượn hú khách bồi hồi.
Cảnh ngộ thôi đừng hỏi,
Ra sao phó mặc đời.
(Bản dịch của Tuấn Nghi)
Trở về, Phạm Mại được giữ chức Ngự sử trung tán, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Mại làm Ngự sử, cương trực dám nói, có tư cách người bề tôi can ngăn ngày xưa, đến sau này vào chính phủ, không được mấy năm thì bị bãi chức”. Chuyện ông mất chức có nguyên nhân từ việc dám lên tiếng trong vụ án oan của Quốc tể Trần Quốc Chẩn xảy ra năm Mậu Thìn (1328).
Án oan bi thảm
Quốc tể là từ ghép của Quốc thúc (chú vua) với chức Tể tướng (Thượng tể) khi nhắc đến Trần Quốc Chẩn, con trai thứ của vua Trần Nhân Tông, em vua Anh Tông và là chú ruột của Trần Minh Tông.
Năm Quý Tỵ (1293), khi mới 12 tuổi ông đã được phong tước Huệ Võ Đại Vương, giữ chức Nhập nội bình chương, tham gia chiến trận nhiều lần lập công lớn. Trước khi mất, Trần Anh Tông ủy thác ông phụ tá giúp Trần Minh Tông với vai trò là một vị “cố mệnh đại thần”.
Trần Minh Tông trọng dụng ông, liên tiếp ban cho nhiều ân điển để khuyến khích. Tháng 12 năm Quý Hợi (1323), vua sách phong con gái trưởng của Trần Quốc Chẩn là Huy Thánh công chúa làm hoàng hậu Lệ Thánh. Đến tháng 4 năm Giáp Tý (1324), vua phong cho chú ruột và cũng là nhạc phụ của mình làm Nhập nội quốc phụ Thượng tể.
Dũng cảm đứng lên bảo vệ lẽ công bằng (Tranh minh họa) |
Thế nhưng, một con người tài đức vẹn toàn như Trần Quốc Chẩn lại bất ngờ phải chịu cái án oan rồi trả giá bằng chính mạng sống của mình. Vụ án này xảy ra năm Mậu Thìn (1328) được thuật lược như sau: “Mùa xuân, tháng 3, giết Quốc phụ thượng tể Quốc Chẩn.
Bấy giờ, vua ở ngôi đã 15 năm, tuổi đã cao mà vẫn chưa lập thái tử. Cha hoàng hậu là Quốc Chẩn giữ ý định đợi hoàng hậu có con rồi sẽ lập. Cương Đông Văn Hiến hầu (không rõ tên) là con (có sách chép là em) của Tá Thánh thái sư Nhật Duật, muốn đánh đổ hoàng hậu để lập hoàng tử Vượng, mới đem 100 lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Phẫu, bảo nó vu cáo Quốc Chẩn âm mưu phản loạn. Vua tin là thực, giam Quốc Chẩn ở chùa Tư Phúc rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung.
Khắc Chung cùng cánh với Văn Hiến, lại cùng mẹ với hoàng tử Vượng đều là người Giáp Sơn và đã từng làm thầy dạy Vượng, nên trả lời rằng: "Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó". Vua nghe theo mới cấm tuyệt không cho Quốc Chẩn ăn uống, bắt phải tự tử. Hoàng hậu lấy áo tẩm nước cho Quốc Chẩn uống, uống xong thì chết. Bắt bớ đồng đảng đến hơn trăm người liên can. Mỗi khi xử án xét hỏi, các bị can phần nhiều đều kêu oan.
Vài năm sau, gặp khi vợ cả và vợ lẽ tên Phẫu ghen nhau, đem chuyện Văn Hiến đút vàng tâu lên vua. Phẫu bị hạ ngục. Ngục quan Lê Duy là người cương trực, đem việc xét xử ngay ngày hôm ấy. Tên Phẫu bị lăng trì, nhưng chưa kịp hành hình thì gia nô của Thiệu Võ (không rõ tên) là con của Quốc Chẩn đã lén cướp hắn về lóc thịt ăn sống hết. Văn Hiến hầu được miễn tội chết, bị giáng làm dân thường, xóa tên trong sổ hoàng tộc (Đại Việt sử ký toàn thư).
Đối mặt với cả triều đình
Ngự sử trung tán Phạm Mại kiên quyết bảo vệ lẽ phải, tranh luận nhằm chứng minh sự trong sạch cho Huệ Võ Đại Vương Trần Quốc Chẩn mà không e ngại, sợ hãi gì.
Sách Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng cho biết như sau: “Bấy giờ Quốc thúc giữ chức Thượng tể, nắm quyền bính của nước nhà, thường không né tránh hiềm nghi, cho nên có xích mích với các quan thừa hành. Bỗng có kẻ thù hằn lập mưu dựng chuyện biến loạn nguy cấp, vu cho Thượng tể và vội tâu lên. Trăm quan kéo đến đàn hặc, xin triều đình khép vào tội phải chết.
Lúc ấy, chỉ có quan giữ chức Ngự sử trung thừa là Phạm Mại cố xin hãy từ từ xét xử và hãy hết sức cẩn trọng khi dùng hình pháp. Thượng tể bị bắt, bọn gia thần, liêu thuộc cùng thân thích và tôi tớ đều bị tống giam, bị giết chóc rất nhiều. Phạm Mại liên tục dâng sớ can ngăn, đối mặt với cả Pháp ty để biện luận và chứng minh cho sự oan khuất của Thượng tể. Ông cố sức tranh cãi mãi, bất chấp cả cơn giận của Hoàng đế”.
Vì nhiều lần can gián, vua nổi giận mới cách chức của Phạm Mại, rồi sau khi vụ án sáng tỏ, Trần Minh Tông hối lỗi ban chiếu minh oan cho Trần Quốc Chẩn, khôi phục tước vị đại vương và lập đền thờ ông ở trên núi Kiệt Đặc (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) còn Phạm Mại cũng được phục hồi quan chức, lại được thăng làm Môn hạ sảnh đồng tri, Tham tri chính sự.
Vì Phạm Mại từng làm quan Ngự sử mà theo sách Hán thư vào đời Hán, cạnh đài Ngự sử trồng nhiều cây bách, quạ đậu nhiều, nên người ta gọi đài Ngự sử là Ô đài (đài chim quạ) vì thế Trần Minh Tông ban cho ông một bài thơ khen ngợi như sau:
Đài Ô cửu hỹ cấm vô thanh,
Chỉnh đốn triều cương sự phỉ khinh.
Điện thượng ngang tàng ưng hổ khí,
Nam nhi đáo thử thị công danh.
Nghĩa là:
Bấy lâu im tiếng chốn Ô Đài,
Chỉnh đốn triều cương há chuyện chơi,
Hùm, cắt ngang tàng nơi điện ngọc,
Công danh đến thế xứng tài trai.
(Bản dịch của Đào Phương Bình)
Theo sách Nam Ông mộng lục, Phạm Mại từ khi “làm Tham tri chính sự, trải nhiều năm làm việc trong triều, rất có tiếng tăm”. Một hôm ông ốm nhẹ nhưng dường như biết số mệnh sắp hết, bèn lấy bút làm bài thơ “Lâm chung thị ý” (Bày tỏ ý mình khi sắp mất):
Tự lòng trích lạc hạ nhân gian,
Lục thập dư niên nhất thuấn khan.
Bạch Ngọc lâu tiền thu dạ nguyệt,
Triều chân y cựu bạng lan can.
Nghĩa là:
Bị đày xuống nhân gian bụi đất,
Quá lục tuần nháy mắt bạc đầu.
Trăng thu sáng Bạch ngọc lầu,
Lan can lại dựa ta chầu trời đây!.
(Bản dịch của Trần Thế Hào)
Làm thơ xong, ông buông bút rồi qua đời. Đánh giá về Phạm Mại, sách Giai thoại dã sử Việt Nam có lời bàn rằng: “Phạm Mại quả là người cương trực đáng kính, ông đã làm tất cả những gì chức phận buộc phải làm, bất chấp cả cơn giận ghê gớm của Hoàng đế. Việc ấy, nếu không có bản lĩnh cao cường của bậc đại dũng, quyết không thể nào làm được…
Bài thơ viết trước lúc qua đời của Phạm Mại thể hiện khá rõ phong thái ung dung của ông. Sống hết lòng với đời thì khi tiếp cận với cái chết, bao giờ lòng người cũng được thanh thản, bởi vì họ có còn gì ân hận nữa đâu”…