Lúc đó, đơn vị nơi ông công tác đã lập danh sách để sau này làm thủ tục đề nghị công nhận thương binh cho các ông, nhưng do đơn vị di chuyển địa điểm đóng quân liên tục nên đến nay danh sách này đã bị thất lạc và ông cũng không còn giấy tờ gì để chứng minh, chỉ còn thương tích và một mảnh đạn ở trong người. Năm 1990, do hoàn cảnh gia đình nên ông xuất ngũ về công tác tại địa phương và suốt từ đó đến nay chưa được hưởng chế độ, chính sách về thương tật. “Không biết trường hợp của tôi và những người như tôi có được hưởng chế độ, chính sách như thương binh không?”, ông Đông hỏi.
Băn khoăn của ông Nguyễn Đình Đông, cũng như những trường hợp tương tự, Luật gia Hồng Hạnh (Tòa Dân sự, TANDTC) cho biết như sau: Theo Điểm b Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 28/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ: Đối với người hoạt động không thoát ly và sau đó không tiếp tục tham gia công tác tại các cơ quan nhà nước thì phải có bản khai chi tiết quá trình tham gia cách mạng, có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú.
Đồng thời, tại Điểm c Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này cũng quy định: Người bị thương thuộc lực lượng quân đội, công an có vết thương thực thể nhưng không còn danh sách quân nhân bị thương do cơ quan, đơn vị quản lý quân nhân khi bị thương đã giải thể hoặc không lưu giữ được. Trường hợp không có vết thương thực thể nhưng còn dị vật kim khí trong cơ thể thì phải có kết quả chiếu, chụp và kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên hoặc bệnh viện quân đội, công an khẳng định còn dị vật kim khí trong cơ thể là căn cứ chứng minh bị thương trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu.
Căn cứ vào quy định trên, trường hợp của ông tham gia quân đội và bị thương khi trực tiếp tham gia chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc giai đoạn 1977- 1986. Tuy nhiên, ông không có giấy tờ chứng minh và danh sách những người bị thương ở đơn vị giai đoạn đó cũng bị thất lạc nên ông có thể sử dụng vết thương và mảnh đạn hiện vẫn còn trong người chứng minh mình bị thương khi tham gia chiến đấu để làm căn cứ, thủ tục xác nhận thương binh. Do đó, ông cần gặp cán bộ phụ trách lao động, thương binh và xã hội xã để được hướng dẫn lập bản khai cá nhân (theo mẫu) cùng các giấy tờ chứng minh tham gia cách mạng (trường hợp của ông không có giấy tờ thì có thể sử dụng kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên hoặc bệnh biên quân đội, công an để khẳng định ông còn mảnh đạn trong cơ thể) gửi UBND cấp xã để được xem xét, giải quyết.
Sau khi tiến hành đầy đủ thủ tục theo quy định đó là niêm yết công khai, lấy ý kiến của Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi cùng cấp về việc xác nhận thương binh; cơ quan quân sự các cấp có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác và hợp pháp và hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp ông có đủ điều kiện thì ông được cấp giấy chứng nhận bị thương và căn cứ vào biên bản giám định y khoa của Hội đồng giám định y khoa giám định thương tật để cơ quan có thẩm quyền quyết định thực hiện chế độ ưu đãi cụ thể đối với ông. Đối với trường hợp bị suy giảm khả năng lao động dưới 21% thì sẽ được hưởng trợ cấp một lần.