Lạ hơn nữa, những vụ mất hồ sơ lại liên quan đến những tiêu cực đình đám, được dư luận quan tâm. Hệ quả là việc điều tra xử lý đến đầu đến đuôi bị chậm lại, thậm chí bị “chìm xuồng”. Gần đây vụ mất hồ sơ bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh xảy ra ở ngay Bộ Nội Vụ, rồi mất hồ sơ cán bộ “hotgirl Thanh Hóa” kèm theo sự mất tích của cô này cũng bịt kín cánh cửa câu trả lời vì sao một nhân viên tạp vụ hợp đồng lại lọt vào biên chế nhà nước.
Mất hồ sơ bổ nhiệm
Qua vụ án Trịnh Xuân Thanh, dù Tòa án đã tuyên phạt mức án chung thân về những hành vi sai phạm của Thanh trong giai đoạn làm lãnh đạo công ty xây dựng dầu khí nhưng dư luận vẫn thắc mắc quan ngại bằng con đường nào, nhờ thế lực đỡ đầu nào, Thanh đã vượt qua những quy trình nghiêm nhặt về công tác cán bộ để được điều chuyển từ Bộ Công Thương về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Có lẽ câu hỏi trên sẽ chìm vào quên lãng. Hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh đã bị mất khó hiểu ngay tại Bộ Nội Vụ mà lãnh đạo Bộ này cũng không tìm ra được “kẻ cắp” cũng như người phải chịu trách nhiệm.
Điều đã nói là trước bộ máy quản lý hành chính chặt chẽ, việc điều chuyển tiếp nhận cán bộ sai tiêu chuẩn, trái quy trình đối với Thanh không hề được phát hiện mà vụ việc vỡ lở từ chuyện tầm phào là xe biển trắng, biển xanh.
Tại cuộc họp báo chiều 12/12/2017, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã trả lời: “Hồ sơ bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh do Vụ chính quyền địa phương xử lý. Tại thời điểm tháng 6/2016, tôi không phụ trách Vụ Chính quyền địa phương mà do một lãnh đạo khác của Bộ. Khi có vụ việc như trên, tôi đề xuất Bộ trưởng yêu cầu Vụ Chính quyền địa phương báo cáo lại về hồ sơ đó để xem bút tích của lãnh đạo Bộ phê như thế nào, đề xuất về trường hợp này ra sao. Tuy nhiên, lúc bấy giờ Vụ đã báo là không tìm thấy”.
Sáu tháng trôi qua, một số cán bộ Bộ Nội vụ bị kỷ luật về chế độ trách nhiệm trong quản lý bảo vệ hồ sơ nhưng công việc điều tra không thấy tiến triển. Thủ phạm đánh mất hồ sơ và kẻ đã “thiết kế” cho Thanh leo cao, trèo sâu vẫn hoàn toàn yên vị. Kẽ hở nguy hiểm trong công tác cán bộ vẫn lẩn khuất đâu đó trong hoạt động bình thường.
“Hotgirl” được bổ nhiệm thần tốc “mất tích”
Chức vụ không to bằng Trịnh Xuân Thanh nhưng con đường hoạn lộ của “hotgirl” Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Thanh Hóa) còn thần tốc hơn nhiều và sự mất tích từ hồ sơ cán bộ đến con người và cả khối tài sản của “hotgirl” này còn vi diệu hơn.
Từ một nhân viên hợp đồng làm công việc tạp vụ, Quỳnh Anh thong dong vào biên chế, làm cán bộ. Quỳnh Anh từ phó phòng lên trưởng phòng, đảng ủy viên và còn được cơ cấu nguồn làm lãnh đạo Sở. Những biệt thự, biệt phủ, xe sang cứ từ “trên trời rơi xuống” đi thẳng vào tay gái xinh.
Khi dư luận bùng lên nghi vấn về nhân thân, sự thăng tiến thần tốc của bà này, Tỉnh ủy Thanh Hóa còn tự tin kiến nghị điều tra. Khi gió xoay chiều, những sai phạm trong tuyển dụng bổ nhiệm gái xinh này thì tốc độ xử lý vụ việc cũng nhanh chóng thần sầu. Cơ quan cho “hotgirl” nghỉ việc rồi cô này biến mất cùng với mọi hồ sơ, tài sản.
Ông Ngô Hoàng Kỳ, người phát ngôn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa bổ nhiệm Quỳnh Anh giữ chức Phó phòng, rồi Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản khi chưa đủ các tiêu chuẩn như thời gian công tác ở lĩnh vực mình phụ trách và một số tiêu chuẩn khác. Giám đốc Sở Xây dựng thời kỳ (2010-2015) chịu trách nhiệm trực tiếp của mình. Ngoài ra, tập thể lãnh đạo, cán bộ Sở này giai đoạn đó cũng phải chịu trách nhiệm.
Sở Xây dựng cho bà Quỳnh Anh nghỉ việc là theo nguyện vọng cá nhân bà này, không có gì sai. Tuy nhiên, Giám đốc Sở không báo cáo Sở Nội vụ, không thông báo công khai cho cán bộ, công chức là sai. Trách nhiệm này thuộc Giám đốc Sở Xây dựng hiện nay.
Việc kê khai tài sản lãnh đạo, cán bộ, công chức ở tỉnh Thanh Hóa nói chung, Sở Xây dựng nói riêng được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Quỳnh Anh chưa có hành vi tham nhũng và hiện không còn là cán bộ, công chức. Vì vậy, đoàn thanh tra chưa đủ cơ sở để kiểm tra, xác minh tài sản của bà Quỳnh Anh.
Trong quá trình kiểm tra, đoàn phát hiện bà Quỳnh Anh không khai hoàn cảnh kinh tế của bản thân và gia đình, có dấu hiệu vi phạm của tập thể Đảng ủy Sở Xây dựng và cá nhân bà Quỳnh Anh. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy sẽ khẩn trương làm rõ và xử lý trách nhiệm theo quy định.
“Đá qua đá lại”, kiểm tới kiểm lui thì cuối cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận kỷ luật cách chức nhưng ngay sau đó lại được bổ nhiệm chức vụ Trưởng ban Chỉ đạo với hàm ngang Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Sau vụ mất tích “thần tốc êm ả”, bầu trời Thanh Hóa như “biển lặng sóng yên”.
Bản đồ quy hoạch dự án Thủ Thiêm mất tích?
Khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 657ha, để đầu tư dự án này TP HCM đã mất hơn 10 năm để giải phóng mặt bằng với khoảng 15.000 hộ dân phải di dời. TP HCM đã chi gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư, thế nhưng không hề có bản đồ quy hoạch.
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết: “Bản đồ này hiện không tìm ra, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát từng nguồn, đơn vị tư vấn trước đây và báo cáo Chính phủ cũng như Bộ Tư pháp để có ý kiến”.
“Bản đồ nói trên cùng với Quyết định 367 của Thủ tướng ký ngày 4/6/1996 là 2 văn bản pháp lý về quy hoạch dự án Khu đô thị Thủ Thiêm. Tuy nhiên từ năm 1995 đến nay, do nhiều đơn vị đã chuyển địa điểm nên họ cho biết không lưu trữ tấm bản đồ”.
Cựu Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nói rằng: “Theo một tư duy quy hoạch nghiêm túc”, việc “thất lạc” hay “quy hoạch mà không có bản đồ” nghe “lạ tai”.
“Tại sao lại thất lạc ở tất cả các cơ quan Trung ương, kể cả Bộ Xây dựng và những cơ quan chịu trách nhiệm có liên quan đến quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch này. Kể cả lưu trữ quốc gia cũng không có thì đúng là chuyện lạ”, theo ông Võ.
Hệ quả của tấm bản đồ bị mất này thật bi thảm với số phận của hàng chục ngàn người dân bị giải tỏa vẫn đang khiếu kiện suốt 20 năm qua. Nhiều cuộc thanh tra được mở ra, hoãn lại rồi mở ra và rất nhiều lần chính quyền TP cũng như Trung ương hứa hẹn, đến nay kết luận thanh tra việc quy hoạch sử dụng đất ở dự án Thủ Thiêm vẫn là dấu hỏi đợi chờ, trong khi giá đất ở đây đã tăng lên đến hàng ngàn lần và đã qua bao lần thay ngôi, đổi chủ. Ai có trách nhiệm, ai trục lợi từ những sai pham ờ Thủ Thiêm, câu trả lời sẽ bí mật như tấm bản đồ mất tích.
Đến dữ liệu gốc bài thi bị mất
Ngày 23/7, tổ công tác của Bộ GD-ĐT và đại diện chính quyền tỉnh Sơn La gặp gỡ báo chí để trao đổi một số thông tin về kết quả xác minh bất thường điểm thi THPT quốc gia 2018 ở tỉnh này.
Theo kết quả xác minh, kiểm tra, Hội đồng thi của Sở GD-ĐT Sơn La đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi, vào sai điểm và chấm sai tổng cộng 29 bài văn. Đặc biệt, đã có việc can thiệp kết quả nhiều bài thi trắc nghiệm.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cơ quan chuyên môn và điều tra đã phân tích và nhận thấy ảnh bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa. Còn ảnh bài thi trắc nghiệm hiện được lưu tại Sở GD-ĐT Sơn La và ảnh trong đĩa dữ liệu mà Bộ GD-ĐT giữ (do Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La gửi trước khi chính thức cho máy chấm thi) hoàn toàn giống nhau.
“Tổ công tác phát hiện có việc sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi. Đĩa CD này hiện chưa biết là đã được đem đi đâu và ai cho phép đem đi”, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT nói.
Ông Trinh cũng cho biết, tạm thời Bộ GD-ĐT vẫn phải công nhận kết quả thi các môn trắc nghiệm của thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La mà Sở này đã công bố hôm 11/7. Kết quả này tạm thời vẫn được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh ĐH và các trường sư phạm năm 2018.
Một cuộc thi mà không còn bài gốc, phải thừa nhận điểm ảo đã được chế tác lại từ những bài thi giả. Nền giáo dục đã rơi xuống tận đáy thấp kém về chất lượng và nền quản lý hành chính cũng rơi theo. Nếu không nghiêm túc nhìn lại và xử lý những hiện tượng “mất tích” như trên, người dân khó bề an tâm.