Mặt trái “sống ảo”

(PLVN) - TP HCM có không ít con hẻm, con đường, ngôi nhà cổ kính khiến giới trẻ có thể tạo ra những bức ảnh “sống ảo” tuyệt đẹp. Nhưng sự mê “sống ảo” quá mức của các bạn trẻ cũng gây nhiều phiền toái, ảnh hưởng đời sống người dân. 
Người dân hẻm Hào Sĩ Phường đề biển yêu cầu không được quay phim, chụp ảnh.
Người dân hẻm Hào Sĩ Phường đề biển yêu cầu không được quay phim, chụp ảnh.

Con hẻm… từ chối khách tham quan

Mới đây, dư luận xôn xao vì chuyện hẻm Hào Sĩ Phường, một con hẻm cổ kính của người Hoa có tuổi đời gần một thế kỉ bỗng nhiên treo biển “cấm” chụp hình. Điều này xuất phát từ sự bức xúc của cư dân nơi đây trước sự ồn ào, náo loạn của những người đến chụp hình sống ảo, làm phá vỡ cuộc sống yên bình của người dân.

Hẻm Hào Sĩ Phường, tức hẻm 206, đường Trần Hưng Đạo B, quận 5, TP HCM là con hẻm của những cư dân gốc Hoa sinh sống lâu đời. Trên 100 năm tồn tại giữa lòng Sài Gòn đông đúc, con hẻm mang một vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa hiện đại ít nơi có được.

Con hẻm dài với hai dãy nhà song song, các ban công các tầng cùng đều tăm tắp, tạo thành một bố cục cân đối. Kiến trúc các ngôi nhà mang vẻ đẹp cổ điển đặc trưng của người Hoa ở Sài Gòn xưa với tường gạch cũ, những ô cửa gỗ xanh… Nơi đây là điểm đến quen thuộc của các đoàn làm phim, chụp ảnh cưới, các bạn trẻ yêu thích chụp ảnh. 

Tuy nhiên, chị Huyền, một cư dân sống ở hẻm cho biết, những năm gần đây, con hẻm càng nổi tiếng thì cư dân càng mệt mỏi. Ngày nào cũng có rất nhiều người trẻ tuổi đến đây quay phim, chụp ảnh. Đáng nói là nhiều bạn chạy lăng xăng, đùa giỡn ầm ĩ, tự tiện di dời đồ đạc của nhà dân đi nơi khác như dời chậu hoa, giày dép để góc chụp đẹp hơn. Thậm chí, khi ra về các bạn vứt rác khắp nơi, khiến người dân phải đi dọn dẹp.

Trước tình trạng nói trên, cũng như để bảo đảm an toàn mùa dịch, Ban quản lý cư dân đã họp bàn và đưa ra quyết định “cấm” quay phim, chụp hình để hạn chế lượng người đến. Hiện, bảng hiệu yêu cầu không được quay phim chụp hình cũng được treo nhiều nơi, từ cổng nhà, ban công đến góc cầu thang.

Không chỉ thế, người dân còn thường xuyên nhắc nhở nếu bắt gặp khách cố ý chụp hình. Được biết, bảng hiệu “cấm” này là tạm thời, nhưng dân cư nơi đây sẽ cân nhắc và có thể sẽ “cấm” luôn về sau để được trả lại cuộc sống yên bình. 

Ý thức “sống ảo”

Sài Gòn có hàng trăm điểm đến đẹp, có thể thực hiện những bộ ảnh “ảo diệu”. Ngoài hẻm Hào Sĩ Phường, còn có hẻm Lê Thánh Tôn ở trung tâm quận 1 mang phong cách Nhật, vừa yên tĩnh, vừa sâu lắng, hẻm Bích Họa nằm trên đường Nguyễn Khoái, quận 1, vừa lạ mắt, vừa thơ mộng, cư xá 288 Nam Kì Khởi Nghĩa, quận 3 với những hình vẽ độc đáo…

Hẻm Hồng Kong thu hút giới trẻ đến “check in”.
 Hẻm Hồng Kong thu hút giới trẻ đến “check in”.

Sài Gòn còn có những Thảo Cầm Viên, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM… với kiến trúc cổ điển, nhiều góc đẹp có thể tạo nên những bộ ảnh đậm chất nghệ thuật. 

Tiếc thay, một bộ phận các bạn trẻ khi đến tham quan những nơi này đã “thoải mái như ở nhà”, vừa lộn xộn, gây ồn ào, huyên náo, không giữ gìn vệ sinh môi trường, gây bức xúc cho những người xung quanh.

Như trong Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, một tòa nhà cổ xưa tuyệt đẹp, nơi lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá, có quy định người tham quan phải giữ gìn trật tự, nhưng không ít bạn trẻ ăn mặc hở hang hết cỡ, chạy tới lui chụp ảnh, nói chuyện, thậm chí chạy ra vào nhà vệ sinh để liên tục thay đồ mới làm “album ảnh”, gây ảnh hưởng không nhỏ cho những du khách thực sự đến bảo tàng để thưởng lãm nghệ thuật.

Những người mê “sống ảo” thiếu ý thức không chỉ ở Sài Gòn. Rất nhiều di tích, danh thắng, khu dân cư trên cả nước cũng từng khốn khổ với “đội quân sống ảo” từ các nơi rầm rộ kéo tới. Còn nhớ, tại Hội An, một số người dân đã phải chăng lưới chặn, hàng rào kẽm gai trên mái nhà vì hàng loạt thanh niên du khách từ các homestay gần đấy trèo sang mái nhà họ để… chụp ảnh.

Ngay cả ở Hàn Quốc, tại một ngôi làng cổ gần trung tâm Seoul, cư dân cũng đã phải biểu tình để khách du lịch giữ trật tự, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của họ.

Nhu cầu chụp ảnh, lưu giữ khoảnh khách đẹp là nhu cầu chính đáng của bất cứ ai, nhất là những người trẻ mê “xê dịch”. Nhưng một khi, nhu cầu ấy đi kèm với hành vi thiếu ý thức, xâm phạm đến cuộc sống riêng tư của người khác, đó không chỉ là sự kém văn minh trong hành xử, mà còn tiến đến ranh giới vi phạm pháp luật. 

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng: “Mỗi điểm “check in” có những ý tưởng sáng tạo khác nhau, góp phần thu hút lượng khách không nhỏ đến địa phương. Trong xu hướng hiện nay, không thể để du khách chỉ đến tham quan tại các khu du lịch, điểm tham quan thuần túy, có từ lâu, không tạo ra nhiều sự mới mẻ.

Đối với nhiều du khách, chỉ cần một tấm ảnh đẹp, một điểm tham quan lạ là người ta sẵn sàng vượt qua chặng đường dài để đến với Đà Lạt.

Ngành quản lý văn hóa, du lịch cũng phối hợp với UBND TP Đà Lạt khuyến khích, hỗ trợ những đơn vị, cá nhân trong xây dựng, phát triển giao thông, hướng dẫn, vận hành một cách chuyên nghiệp để người dân phát huy tối đa những ưu thế sẵn có, đặc biệt là sáng tạo trong cách làm du lịch với điều kiện phải đảm bảo được các tiêu chí về an toàn, đúng quy định của pháp luật”.

Đọc thêm