“Máu chảy, ruột mềm”

(PLVN) - Hình như trong cơn hoạn nạn, người ta mới nhận ra một thang giá trị khác, nó không đo bằng đồng đô la, nó không đo bằng độ giàu nghèo của quốc gia. Nó đo bằng tình thương yêu con người, đo bằng trách nhiệm trước mạng sống của đồng loại. Toàn thể người dân Việt Nam luôn sẵn lòng gạt mọi khó khăn, ghé vai, góp sức để cùng nhau hướng về Tổ quốc. 
Hình ảnh cảm động của các anh Bộ đội Cụ Hồ

Ở nơi “tuyến đầu” chống đại dịch

Trong tay vẫn cầm tập tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, BS. Nguyễn Thị Khuyên năm nay đã 64 tuổi, nguyên là Trạm trưởng Trạm Y tế phường Liên Mạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tranh thủ đầu giờ chiều lên UBND phường Liên Mạc để trao đổi về kế hoạch đăng ký xung phong tham gia công tác chống dịch Covid-19. Ngồi trò chuyện với lãnh đạo phường, bà đã thể hiện quyết tâm sẵn sàng tham gia ngay các hoạt động phòng chống dịch khi được chính quyền phân công. 

Đó là một trong những y, bác sĩ nghỉ hưu xin tình nguyện tham gia phòng chống đại dịch. Sở Y tế Hà Nội ghi nhận gần 300 bác sỹ, y tá đã nghỉ hưu trên địa bàn Thủ đô xin tình nguyện quay trở lại nhận nhiệm vụ cùng ngành, góp phần dập dịch Covid-19. Tin này khiến cho biết bao người chúng ta cảm kích đến rơi nước mắt và thầm biết ơn những “chiến binh áo trắng cao tuổi” và người thân của họ.

Bởi dịch bệnh không chừa một ai, nhất là các y, bác sĩ về hưu tuổi cao sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người trẻ, nhất là nhiều người có sẵn bệnh lý nền mãn tính. Nhưng với những kinh nghiệm và chuyên môn sẵn có, họ đều đã chuẩn bị cho mọi tình huống, trang bị cho bản thân những biện pháp an toàn để có thể tham gia phòng chống dịch một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, còn có hàng ngàn sinh viên ở các Trường Đại học Y tế công cộng, Trường Cao đẳng Y tế tại Hà Nội, TP HCM, Huế cũng ghi tên mình xin tình nguyện góp sức chống dịch. Họ tình nguyện gia nhập đội ngũ phòng chống dịch bệnh cho người dân bằng kiến thức chuyên môn và cả sự nhiệt huyết ngay khi Tổ quốc cần.

Yếu tố an toàn cho bản thân cũng được họ đặt lên hàng đầu. Trước khi tham gia hoạt động tình nguyện cùng với các cơ quan của tỉnh, toàn thể sinh viên tình nguyện được nhà trường tổ chức tập huấn về các phương pháp đảm bảo an toàn, chống lây nhiễm virus SARS-CoVi-2.

Bạn Phạm Trung Dũng (sinh viên năm 3 Khoa Răng – Hàm - Mặt Trường ĐH Y dược TP HCM) kể: “Để tham gia đội hình này, chúng tôi hiện đã trang bị đầy đủ khẩu trang, dung dịch rửa tay và các tài liệu tuyên truyền, tăng cường công tác xét nghiệm, phòng chống dịch”.

Đội trưởng Đặng Ngọc Thành (sinh viên năm tư ngành Dược, Đại học Y dược TP HCM) cho biết, trường có 100 sinh viên tình nguyện tham gia đội xung kích phòng chống Covid-19. “Ngoài việc hỗ trợ tuyên truyền về dịch bệnh, nhiều sinh viên chia sẻ sẵn sàng hỗ trợ bác sĩ thành phố những công việc vòng ngoài các khu cách ly, hướng dẫn người dân khai báo y tế, đo thân nhiệt”...

Trước diễn biến vẫn còn phức tạp của dịch Covid-19, hơn 700 tiếp viên Vietnam Airlines đã tự nguyện đăng ký không nhận lương chức danh hoặc xin nghỉ làm không lương để chia sẻ khó khăn của hãng.

 Sẵn sàng góp sức vì Tổ quốc

Nữ tiếp viên trưởng kiêm giáo viên Nguyễn Thị Thu Lý: “Việc không nhận lương chức danh chắc chắn ảnh hưởng đến thu nhập, tuy nhiên tôi xem đây như một sự chia sẻ khi hãng gặp khó khăn” - nữ tiếp viên tâm sự. Nữ tiếp viên này cho hay dù dịch bệnh vẫn còn lây lan nguy hiểm nhưng chị vẫn tiếp tục công việc của mình, dù trước đó chị đã đăng ký không nhận lương chức danh trong ba tháng (từ tháng 3 đến tháng 5). 

Thời gian qua, hàng loạt trường quân sự trên khắp cả nước đã được điều động để làm nơi cách ly tập trung cho những người trở về từ vùng dịch. Để có những khu cách ly là các doanh trại quân đội như hiện nay dành cho người cách ly thì cũng có bấy nhiêu cán bộ, chiến sĩ trong quân đội ta đã phải nhường giường chiếu vào rừng nằm lá, phủ bạt.

Họ sinh sống tạm bợ, ăn bờ, ngủ bụi mà vẫn tươi cười mỗi ngày. Tất cả là vì dân. Lý do nghe tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ở đâu cũng làm được. Đâu chỉ ăn ở thiếu thốn, các chiến sĩ còn dậy sớm, chuẩn bị bữa ăn cho hàng chục ngàn người cách ly. Đối với họ, chống dịch cũng quan trọng như chống giặc.

Trong hoàn cảnh hàng ngàn đồng bào đổ về Việt Nam tránh dịch, công tác cách ly phòng dịch càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhằm san sẻ gánh nặng giúp Nhà nước, nhiều khách sạn từ Bắc vào Nam đã chủ động xin làm nơi cách ly tập trung cho người dân trở về. Hơn 120 khách sạn chủ động xin làm nơi cách ly, sẵn sàng bao ăn ở cho khách.

Tại Hạ Long (Quảng Ninh), chủ khách sạn Bảo Minh Radiant đã miễn phí ăn ở cho toàn bộ 157 khách nước ngoài đến cách ly trong 14 ngày, chi phí ước tính hơn 2 tỷ đồng. Chủ khách sạn Hanvet (Hà Tĩnh) cũng tự dừng việc kinh doanh và cho chính quyền địa phương mượn chỗ cách ly. Bất chấp số tiền thiệt hại lên đến cả tỷ đồng, những chủ khách sạn này vẫn tự nguyện góp sức mình vào công tác phòng dịch Covid-19.

Khách sạn Sam Grand (Đà Nẵng) cũng đang thực hiện cách ly cho 60 du khách nước ngoài. Các nhân viên phục vụ của khách sạn thực hiện quy trình khép kín, lo cho nhu cầu ăn uống của du khách. Họ làm việc toàn thời gian và ở suốt trong khách sạn, chấp nhận phục vụ đến khi hết dịch. Không ai nề hà về vấn đề lương bổng. 

Nước mắt cay, nặng nghĩa đồng bào

Mới đây, bức ảnh những chiến sĩ làm công tác phòng chống dịch Covid-19 ngủ ngay trên nền đất, ngoài trời để nhường giường chiếu cho những người cách ly, hay các y, bác sĩ, chiến sĩ, tham gia phòng dịch, các anh lái xe chở người đi cách ly ăn vội bữa cơm đạm bạc bên bức tường cũ được chia sẻ trên mạng xã hội khiến ai xem cũng cay xè nước mắt.

Sau khi chia tay khu cách ly, du học sinh Đào Thị Liên rưng rưng xúc động khi nghĩ tới tình quân dân trở nên hồn hậu, tự nhiên mà thắm thiết vô cùng. Những sự trao gửi giản dị mà chân thành khiến mỗi người sau khi cách ly đều đi qua những trải nghiệm, một ký ức đầy cảm động. “Ra đi cánh gió phương trời lạ/Vẫn nhớ non sông một mái nhà/Tổ quốc là nơi không bao giờ bỏ rơi chúng ta”.

Các sinh viên Trường Đại học Y Dược Huế tham gia hỗ trợ phòng chống dịch

Nơi đâu trên trái đất này bộ đội nhường nhà, nhường chiếu vào rừng nằm lá để cho dân được chăn ấm, đệm êm.  Mới đó mà đã 14 ngày. Nơi giúp đỡ tôi là  Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Các chú bộ đội, ban lãnh đạo đã tận tình chăm sóc như những người cha, người mẹ. Chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước; kính trọng, yêu quý vô cùng Bộ đội Cụ Hồ, Quân đội nhân dân Việt Nam”. 

Bài thơ của thầy giáo Lương Đình Khoa (Trường Tiểu học Ban Mai, Hà Nội) khiến cộng đồng mạng xúc động và tích cực chia sẻ kèm theo những dòng thơ bày tỏ lòng biết ơn, tinh thần tự hào, yêu nước: “Giấc ngủ vội, manh chiếu cói trên sân/Thở qua khẩu trang, áo quần bảo hộ/Anh nằm đó, chị nằm đó… Sau những chuyến xe đêm mệt nhoài phụng sự. Những chuyến xe mang nặng nghĩa đồng bào/Khi đất nước cần, chúng ta siết vai nhau/Người góp của, người góp công thầm lặng/Một chút nhỏ nhoi với tâm thành hiến tặng/Dìu nhau qua phút gian khó ngọt tình/Giấc ngủ vùi thơm hương nắng bình minh/Thức dậy hôm nay - những thiên thần đất Việt/Chiến trường không tiếng súng/Vững lòng và lạc quan/Xin gửi về anh chị triệu triệu niềm tin/Những người lính áo trắng trên tuyến đầu chống dịch/Những chiến sĩ hết mình phục vụ đồng bào/Để những ngày cách ly vẫn ngập tràn hạnh phúc/Những bác lái xe, những cô lao công, những chiến sĩ biên phòng…”.

Hàng triệu người dân Việt mong rằng những người lính biên phòng nơi cửa khẩu biên giới, bộ đội, công an phục vụ các điểm cách ly, các y, bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y tế, những người làm công tác hậu cần chống dịch được trang bị tốt hơn về điều kiện sống và làm việc, làm sao để họ không gục ngã. Họ chính là phao cứu sinh, bảo vệ hàng triệu người dân Việt.

Với đại đa số người Việt, tình nghĩa đồng bào là cao quý, là “liều thuốc tinh thần” quan trọng giúp mỗi người có thêm động lực, “sức đề kháng” tốt để vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Đó chính là tâm thức “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “máu chảy ruột mềm”, “người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) chia sẻ, cách ứng xử đẹp thấm đượm triết lý của đạo Phật: “Vô ngã - vị tha” (không đong đếm cái tôi - luôn sống vì người khác). Hình như trong cơn hoạn nạn này, người ta mới nhận ra một thang giá trị khác, nó không đo bằng đồng đô la, nó không đo bằng độ giàu nghèo của quốc gia.

Nó đo bằng tình thương yêu con người, đo bằng trách nhiệm trước mạng sống của đồng loại. Có một Việt Nam như thế, có một dân tộc như thế, có một nền văn hóa như thế: Mộc mạc, khiêm nhường, chịu khó và nhân hậu – đó chính là tính cách sẽ đưa dân tộc này vượt qua những tháng ngày đầy khó khăn, thử thách của đại dịch toàn cầu Covid này”.

Đọc thêm