Mâu thuẫn cá nhân tố nhau trốn thuế

(PLO) - Do mâu thuẫn trong chuyện làm ăn, bên này “tố” bên kia có hành vi trốn thuế. Cơ quan điều tra xác định bên chuyển nhượng tài sản đã nhận tiền của bên nhận chuyển nhượng mà không kê khai thuế nên khởi tố vụ án trốn thuế. Phải chăng quan hệ tín dụng đã bị hình sự hoá?!

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
“Repo” tài sản để giảm nợ vay
“Sự việc xảy ra giữa tôi và ngân hàng GP.Bank chỉ là tranh chấp dân sự và đang được TAND quận Tân Phú, TP.HCM thụ lý giải quyết. Cụ thể, vào ngày 17/12/2014, TAND quận Tân Phú đã mở phiên toà xét xử nhưng phía GP.Bank vắng mặt. Nhưng không hiểu sao C45 Bộ Công an đã tống đạt cho tôi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm tôi đi khỏi nơi cư trú” –bà Đ.M.H (SN 1968, trú tại Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM) vừa có đơn gửi các cơ quan chức năng trình bày bức xúc với nội dung liên quan đến vấn đề “trốn thuế”. 
Tại bản kết luận điều tra của Cơ quan Điều tra (CQĐT) Bộ Công an, vào năm 2010, GP.Bank ký hợp đồng chuyển nhượng 11 bất động sản (BĐS) trị giá 379 tỷ đồng với bà Đ.M.H và doanh nghiệp tư nhân (DNTN) L.H, với mục đích mở rộng chi nhánh, làm kho bảo quản tài sản đảm bảo; xây dựng phòng làm việc và nhà ở cho cán bộ, nhân viên GP.Bank. 
Theo kết luận điều tra, bà H. đã được GP.Bank chuyển thanh toán đủ số tiền nói trên. Sau đó, GP.Bank liên hệ yêu cầu bà H. bàn giao tài sản và sang tên ghi nhận quyền sở hữu. Theo đó, bà H. đã bàn giao cho GP.Bank 8 BĐS, còn 3 BĐS bà H. chưa bàn giao. Trong đó, GP.Bank đã làm thủ tục sang tên 3 BĐS, còn 8 BĐS chưa làm thủ tục này. CQĐT còn cho rằng, mặc dù đã ký hợp đồng chuyển nhượng 11 BĐS cho GP.Bank và nhận đủ số tiền nhưng bà H. không kê khai, nộp thuế số tiền hơn 18,8 tỷ đồng tiền thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, CQĐT xác định bà Đ.M.H phạm tội “Trốn thuế”. 
Trình bày với PLVN, bà H. cho rằng: Việc tranh chấp chuyển nhượng 11 BĐS giữa GP.Bank với bà xảy ra là do mâu thuẫn cá nhân bà H. với ông Đ.V.A - Phó Chủ tịch GP.Bank. Sau đó ông A. gửi đơn tố cáo bà H. đến các cơ quan công an địa phương và Trung ương. Bà H. kể: Nhiều lần bà đã làm việc với các CQĐT về việc chuyển nhượng 11 BĐS và đó chỉ là một hình thức “repo” (là hợp đồng mua lại có bản chất là giao dịch đi vay và cho vay có kỳ hạn - PV) tài sản để giảm nợ vay của Cty BĐS Minh Quang do bà H. làm giám đốc tại GP.Bank mà thôi. Sau đó các bên sẽ hoàn trả lại tài sản cho nhau. Bởi trong thực tế bà không có nhu cầu chuyển nhượng và chính bản thân GP.Bank cũng không có nhu cầu nhận chuyển nhượng. 
Hơn nữa, việc chuyển nhượng này cũng không đúng quy định. GP.Bank làm mọi thứ chỉ nhằm chiếm giữ tài sản của bà. Vấn đề này, bà H. đã tiến hành khởi kiện tại toà án và đã được toà thụ lý, chuẩn bị xét xử. Có thể nói, bản chất của 11 hợp đồng trên là giải quyết nợ, dòng tiền dùng để giảm nợ, nếu thanh toán cho việc mua bán thì đâu phải kéo dài 18 tháng (từ tháng 4/2010 – tháng 11/2011)? 
Bản viết tay của ông Phó Tổng Giám đốc GP.Bank đưa cho bà H. ký trước sự chứng kiến của Điều tra viên C46 tại trụ sở Bộ Công an.
Bản viết tay của ông Phó Tổng Giám đốc GP.Bank đưa cho bà H. ký trước sự chứng kiến của Điều tra viên C46 tại trụ sở Bộ Công an.
 
Có hay không “vạch lá tìm sâu”?
Bà H. khẳng định không có hành vi trốn thuế như kết luận điều tra quy buộc. Vì vậy, khi Chi cục Thuế quận 1 thông báo bà nợ thuế trong việc chuyển nhượng BĐS cho GP.Bank, lập tức Luật sư của bà đã có văn bản gửi Chi cục Thuế quận 1 lý giải: Việc bàn giao tài sản là bà bị ép buộc để GP.Bank quản lý. Hơn nữa, các tài sản này cũng chưa sử dụng được do ở đó đang là công trình xây dựng dở dang. Và theo 
Thông tư 130 và 129/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì công trình 175 Lý Chính Thắng là công trình xây dựng dở dang, chưa hoàn thiện, chưa quyết toán và chưa bàn giao thì chưa phát sinh nghĩa vụ thuế. Bên cạnh đó, BĐS tại toà nhà 175 Lý Chính Thắng của DNTN L.H khi ký hợp đồng chuyển nhượng cho GP.Bank được xác định là trái với Luật Kinh doanh BĐS nên hợp đồng này bị xem là vô hiệu. 
Theo vị Luật sư của bà H., vào tháng 4/2009, trong quan hệ tín dụng giữa Cty Minh Quang và GP.Bank, bà H. có vay của Ngân hàng này gần 600 tỷ đồng với hơn 20 hợp đồng. Trong thời gian 3 năm, bà H. đã trả lãi cho GP.Bank gần 300 tỷ đồng. Đó là chưa nói dự án tại số 19B Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 bà H. đầu tư lên đến  gần 1,3 nghìn tỷ đồng, còn nợ GP.Bank 381 tỷ đồng, thử hỏi ai hưởng lợi trong quan hệ này(?!). “Bản thân tôi vì vay tiền của GP.Bank, từ một người có nhiều tài sản có giá trị trở thành bị can. Đó là chưa nói việc khi tôi làm dự án, ông A. thấy dự án khả thi đề nghị góp vốn 4/6, nên mới hỗ trợ tôi vay tiền dễ dàng. Nhưng đến khi thị trường BĐS gặp khó thì ông A. dồn tất cả khó khăn cho tôi” – bà H. trình bày./.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com


Đọc thêm