Mẹ chồng “quái chiêu”, con dâu “đỏng đảnh”
Những xung đột của gia đình bà Phương trong bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” xuất phát từ tính cách của mỗi nhân vật và các mối quan hệ trong gia đình. Bởi vốn dĩ hôn nhân không phải chuyện của riêng hai người. Cùng với mạch chuyện ngày càng trở nên hấp dẫn, thì mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu của bà Phương (Lan Hương) và Vân (Bảo Thanh) mâu thuẫn càng tăng cao... Bà Phương là người phụ nữ gia đình hết lòng tần tảo vì chồng con, nhưng lại có tính cách độc đoán, bảo thủ và ích kỉ. Với kinh nghiệm của mình, bà toan tính từng đường đi, nước bước và can thiệp thô bạo vào cuộc sống riêng tư của con. Từ việc tổ chức đám cưới cho đến cuộc sống sinh hoạt vợ chồng đều bị bà Phương “kèm cặp” từng bước. Ngay trong đêm tân hôn của Vân và Thanh, bà Phương đã xông vào tận phòng của hai người, chỉ thẳng vào mặt con dâu mới về: “Sao cô dám cưỡi lên người con trai tôi?”. Bà cho rằng “Vợ cũng chỉ là một đứa con gái xa lạ ở đẩu ở đâu về đây. Không lấy đứa này thì lấy đứa khác. Nhưng mẹ chỉ có một”…
Bà Phương là mẹ chồng “quái chiêu” nhưng Vân – con dâu cũng không kém phần đỏng đảnh. Với tư cách là cô con dâu tương lai đến dự sinh nhật me chồng, nhưng Vân chỉ biết “dán mắt” vào chiếc điện thoại. Khi mẹ người yêu vẫn đang bận bịu nấu nướng trong bếp, cô lại cùng người yêu “trốn” lên phòng riêng và để mẹ người yêu “bắt tại trận” cảnh hai người đang tình cảm.
Chưa dừng lại ở đó, khi mọi người trong nhà quây quần nói chuyện thì Vân lại trốn ra ngoài “tám” chuyện với bạn. Kể cả đến khi mẹ chồng mua bộ chăn ga giảm giá 70% về làm quà cưới, không những không có một lời cảm ơn, Vân còn có những biểu hiện thái độ không tốt ra mặt…
Học kỹ năng để “chung sống hòa bình”?
Không phải đến bây giờ khi mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu bước lên màn ảnh thì người ta mới hiểu mối quan hệ này xưa nay “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Bên cạnh những cặp mẹ chồng – nàng dâu thương và chăm sóc nhau như mẹ đẻ, con ruột thì cũng không ít vụ việc con dâu tự vẫn vì ức chế với mẹ chồng như vụ một y tá ôm con tự tử trên dòng sông Lô (Việt Trì, Phú Thọ) diễn ra trước đây, hay vụ mẹ chồng bị con dâu đầu độc qua gói xôi diễn ra ở Nghĩa Lộ, Yên Bái mới đây.
Trong một lần trò chuyện trong chương trình “Giữ lửa yêu thương”, bà Phạm Thái Liên – chuyên gia tư vấn tâm lý của Trung tâm tư vấn Linh Tâm đã chia sẻ: “Trong quá trình tư vấn, chúng tôi thấy tần suất của những người phụ nữ gặp chuyện éo le giữa mẹ chồng và nàng dâu, của con dâu mới về nhà chồng rất nhiều. Qua những câu chuyện như thế thấy có nhiều điều phải suy ngẫm”. Theo bà Phạm Thái Liên, khi người phụ nữ đi làm dâu đến một môi trường mới với những mối quan hệ mới mà chưa có cơ hội gần nhau, chưa có cơ hội hiểu nhau, chia sẻ với nhau thì chắc chắn rằng mâu thuẫn là chuyện tất yếu. Bên cạnh đó, vẫn còn những bà mẹ chồng có tư tưởng xưa cũ: “Mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng” đối xử hà khắc khiến con dâu lâm vào thế thủ, cảm thấy đối kháng trong mối quan hệ. Trong trường hợp này, theo bà Liên, nếu nàng dâu chỉ có một mình cố gắng nỗ lực hòa hợp thì rất khó. Dù vẫn biết rằng người phụ nữ yêu thương người chồng suốt đời gắn bó với mình thì chắc chắn phải biết ơn người sinh ra người đàn ông cho mình, nhưng bên cạnh đó chữ nhẫn của người phụ nữ cũng có giới hạn nhất định.
Chính vì thế, theo bà Liên: “Mẹ chồng – con dâu là những con người trước đó thì xa lạ nhưng sau khi mà có cưới hỏi thì lại trở thành mối quan hệ rất gần gũi, gắn bó thậm chí gắn bó suốt cuộc đời nên kỹ năng ứng xử là vấn đề rất cần được quan tâm. Nếu chúng ta có kỹ năng ứng xử mà trên hết là sự tôn trọng người mà mình đang giao tiếp, người mà mình biết chắc chắn rằng sẽ gắn bó với mình, chia sẻ với mình thì lúc đó, sự tôn trọng sẽ khiến người ta tìm ra được cách ứng xử tốt nhất để hai bên dần hiểu được nhau”.
Nhiều khán giả khi xem phim “Sống chung với mẹ chồng” nhận thấy những mâu thuẫn giữa bà mẹ chồng Phương và cô con dâu Vân đều khởi nguồn từ anh con trai - là nhân vật Thanh. Thanh ứng xử trong các hình huống giữa mẹ và vợ tương đối vụng về. Làm thế nào để vừa là người con trai hiếu thảo, người chồng đúng mực luôn là bài toán khó cho những đấng mày râu. Nói về vấn đề này, chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, để giữ cho mối quan hệ giữa nàng dâu và gia đình nhà chồng được tốt đẹp thì người chồng là nhân tố vô cùng quan trọng. Người chồng có thể làm cho mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, nàng dâu với nhà chồng trở nên tồi tệ, nhưng cũng có thể làm cho mối quan hệ ấy trở nên gắn kết, vui vẻ và hòa hợp với nhau.
Bản thân nam diễn viên Anh Dũng đóng vai Thanh trong bộ phim cũng nhận định, vấn đề mấu chốt nhất trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu chính là Thanh - người đàn ông đang kẹt giữa 2 người phụ nữ thuộc hai thế hệ trong gia đình. Sức ép từ hai phía khiến người chồng trở thành nhân vật ở giữa “chịu trận” từ cả hai bên. “Nhân đây tôi cũng xin chia sẻ một chút với những người đàn ông đang làm chồng, làm con trong gia đình. Các bạn hãy thật khéo léo, tinh tế trong cách ứng xử với cả mẹ lẫn vợ, đừng áp đặt khiến bên nào cảm thấy mình bị tổn thương, thiếu tôn trọng. Bên cạnh đó, hãy có chính kiến riêng, là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình về kinh tế, tinh thần, tình cảm. Khi đó bạn sẽ có tiếng nói riêng, và việc dung hòa các mối quan hệ trong gia đình cũng trở nên dễ dàng hơn”, theo nam diễn viên Anh Dũng.