Khu Di tích lịch sử Giàn Gừa tọa lạc tại ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, là một di tích gắn với thời khai hoang mở cõi, đồng thời là căn cứ của quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Gừa là loại cây tiêu biểu cho vùng sinh thái ngập nước của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Loại cây này không xa lạ với người dân miền Tây. Tuy nhiên, việc có một giàn gừa khổng lồ và lâu năm như vậy thì chỉ nơi đây mới có. Theo đo đạc, Giàn Gừa có diện tích khoảng 2.740m2, chiều cao trung bình khoảng 12 m.
Tuy nhiên, theo người dân địa phương, các nhánh cây lan rộng ra diện tích hơn 4.000m2. Mọi người quen gọi là Giàn Gừa nhưng thực tế chỉ có một cây cái rồi phân nhánh, phát triển lan rộng ra xung quanh. Do sự tàn phá của chiến tranh, thân cây cái đã chết. Tuy nhiên, vết tích của thân cây cái vẫn còn được lưu giữ để mọi người nhận biết.
Vào đến Giàn Gừa, mọi người sẽ có cảm giác như lạc vào một mê cung. Những cành gừa uốn lượn, ngoằn ngoèo đan chen vào nhau giống như đàn trăn khổng lồ, tạo thành những tán cây rộng, rợp bóng mát đem lại không khí thoải mái, yên bình, không khí mát mẻ, trong lành.
Ông Chín Dân (người dân tỉnh Hậu Giang) cho biết, nghe nhiều người nói đến sự kỳ lạ của Giàn Gừa nên đến tham quan chiêm ngưỡng. Theo ông Dân, gừa được trồng rất nhiều ở miền Tây nhưng cây này lại rất đặc biệt.
“Tôi thấy nhiều cây gừa rồi nhưng chỉ có cây này phát triển theo chiều rộng. Những cây khác thả rễ từ trên cao xuống cũng chỉ là những nhánh rễ mỏng, thả lủng lẳng nhưng ở đây rễ thả xuống và ăn sâu vào lòng đất rồi lâu dần thành một gốc cây nhỏ”, ông Dân chia sẻ.
Miếu bà Thượng Động Cố Hỷ trong Khu di tích |
Khách du lịch đến tham quan Khu di tích lịch sử Giàn Gừa không khỏi bất ngờ vì khu giàn gừa không thể phân biệt nơi đâu là gốc, những nhánh gừa được kết dính vào nhau đan xen như một ma trận.
Khi được hỏi về nguồn gốc của Giàn Gừa, nhiều bậc cao niên trong vùng cho biết, theo truyền thuyết, có một dòng họ Nguyễn đến đây khai hoang lập ấp. Trong quá trình khai khẩn, không may giàn gừa bốc cháy khiến cảnh vật trở nên hoang tàn, trong làng có nhiều người mắc bệnh.
Có một vị đạo sĩ từ xa đến cho rằng Giàn Gừa này là “vùng đất thiêng, nơi ngự của bà Thượng Động Cố Hỉ. Muốn an cư lạc nghiệp, người dân phải trồng lại giàn gừa”. Bà Nguyễn Thị Phượng (dòng dõi họ Nguyễn) cho biết, trải qua nhiều thế hệ, đến nay con cháu họ Nguyễn vẫn sinh sống trên mảnh đất này và thay nhau giữ gìn, tôn tạo Giàn Gừa và miếu thờ.
Ngoài ra, trong kháng chiến, nơi đây cũng là căn cứ địa của Quân Giải phóng. Do vị thế và địa hình hiểm yếu, hẻo lánh, nên nơi đây diễn ra các cuộc họp quan trọng của Khu ủy Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy Cần Thơ; là nơi cất giấu vũ khí, tài liệu; nơi huấn luyện, tập kết và chuyển quân. Năm 1961-1965, đây là nơi đào tạo huấn luyện đội biệt động nội thành.
Để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân (1968), lực lượng Thành đội Cần Thơ đã chọn Giàn Gừa là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược. Từ đây theo con rạch Bà Thợ, Quân Giải phóng chuyển vũ khí ra vàm Rạch Sung, vàm Bà Hiệp đến sông Cần Thơ để tấn công vào các cơ quan đầu não của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tại TP Cần Thơ.
Tháng 4/2013, Khu Di tích được UBND TP Cần Thơ công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Ngày 13/6/2013, Giàn Gừa được Hội Bảo trợ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đây cũng là cây di sản đầu tiên của ĐBSCL và là cây di sản duy nhất của TP Cần Thơ được công nhận.
Giàn Gừa được UBND TP Cần Thơ đã ký quyết định xếp hạng là di tích lịch sử cấp thành phố vào ngày 05/4/2013 và được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận giàn gừa là cây di sản Việt Nam vào ngày 13/6/2013.