“Mẹ đỡ đầu” gieo mầm yêu thương

(PLVN) -  Tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của trên 21.043 người, khiến 2.352 trẻ em trở thành mồ côi. Mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân, hơn lúc nào hết, các em rất cần nhận được sự quan tâm đặc biệt và giải pháp toàn diện để hỗ trợ chăm sóc các em trong thời gian dài.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 3 từ trái qua) chia sẻ, động viên trẻ mồ côi do dịch Covid-19.

Một chương trình nhân văn…

Cận kề dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua, bà Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã đến thăm, tặng quà 2022 cho các bé là trẻ mồ côi do dịch COVID-19 trên địa bàn TP HCM. Đến thăm bé T.V.K.H. 14 tuổi và T.V.G.H. 11 tuổi, ở phường 14, quận 11 có mẹ và bà ngoại mất vì đại dịch, Chủ tịch Hội LHPN Hà Thị Nga chia sẻ với mất mát to lớn của các bé và gia đình. Ông Đỗ Hiền Tường - là ông ngoại của hai bé cho biết, cả gia đình ông đều tham gia tuyến đầu chống dịch. Chị Đỗ Mỹ Nhung, con gái ông và cũng là mẹ của hai bé K.H và G.H. bị nhiễm COVID-19 trong quá trình tham gia trực chốt tại khu cách ly. Cả chị Nhung và vợ ông sau đó đều mất do COVID-19. Hiện nay, ông một mình làm nhiều công việc khác nhau để nuôi hai cháu ngoại. Chủ tịch Hà Thị Nga mong ông Tường mạnh mẽ, kiên cường để vượt qua khó khăn, làm chỗ dựa cho các cháu. Đồng thời, mong hai bé cố gắng học giỏi, đoàn kết, thương yêu nhau, cố gắng học giỏi để trở thành những công dân có ích cho đất nước.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cũng đã đến thăm, tặng quà cho các bé T.P.L. 15 tuổi, T.M.P 9 tuổi và T.P.L 8 tuổi, ở phường 2, quận 11 có cha mất do dịch COVID-19. Chị Dương Ngọc Phượng - mẹ của các bé cho biết, hiện tại cuộc sống của gia đình rất khó khăn do chị không có công việc ổn định. Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga chia sẻ trước những khó khăn mà chị Phượng đang phải đối mặt trong cuộc sống, khi phải làm cả hai vai - vừa làm mẹ vừa làm cha. Mong muốn bốn mẹ con luôn khỏe mạnh, tiếp tục cố gắng, sống lạc quan…

Hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động; Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” tập trung hỗ trợ an sinh xã hội cho phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ngày 20/10/2021, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhằm hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của COVID -19.

Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, “Mẹ đỡ đầu” ở đây có thể hiểu là tổ chức hoặc cá nhân hảo tâm trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại gia đình, cộng đồng, trung tâm, bệnh viện… “Mẹ đỡ đầu” cũng có thể gián tiếp hỗ trợ vật chất cho gia đình, cho người nuôi dưỡng trực tiếp hoặc thông qua chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” tại các cấp hội. Chương trình “Mẹ đỡ đầu” khuyến khích cam kết nhận đỡ đầu các em đến khi trưởng thành hoặc trong một thời gian nhất định theo điều kiện, khả năng của người tham gia hoặc nguyện vọng của gia đình.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” cũng giám sát việc thực hiện chính sách liên quan đến trẻ mồ côi ở địa phương theo chức năng của Hội; hỗ trợ, hướng dẫn trẻ em và gia đình trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được tiếp cận đầy đủ chính sách của Nhà nước. Hội cũng chú trọng công tác tư vấn, chia sẻ và đảm bảo an toàn cho trẻ trong môi trường gia đình, cộng đồng, từ đó giúp trẻ được chăm sóc tốt về tinh thần. Chương trình được triển khai dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng các quy định của pháp luật về quyền trẻ em. Sự hỗ trợ phải sát hợp với nhu cầu của trẻ, ưu tiên tối đa điều kiện để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, họ hàng, cộng đồng, quê hương. Toàn bộ các nguồn hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng sẽ được công khai, minh bạch.

Và là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của tình người

Do hoàn cảnh khó khăn, chị Nguyễn Thị Cánh ở huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên cùng chồng đưa 3 con nhỏ vào TP HCM bán vé số. Đầu tháng 8/2021, chồng của chị mất sau nửa tháng nhiễm COVID-19. Thời điểm đó, chị và 3 con cũng đều dương tính với virus, mỗi người điều trị một nơi, không kịp nhìn chồng, cha lần cuối. Ngày dắt 3 con về quê, chị Cánh không có việc làm, không biết bắt đầu cuộc sống từ đâu để nuôi con ăn học.

Nắm bắt được hoàn cảnh của chị, Hội LHPN tỉnh Phú Yên đã kết nối mẹ đỡ đầu cho cả 3 con của chị Cánh. “Tôi mừng lắm. Có thêm người mẹ đỡ đầu các con, chia sẻ cùng tôi những khó khăn khi thiếu vắng cha là điều tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới” - chị Cánh xúc động chia sẻ. Tại buổi gặp mặt mẹ đỡ đầu trong chương trình “Hướng dương đón nắng” do Hội LHPN tỉnh Phú Yên tổ chức vào cuối tháng 12/2021, đứa con đầu lòng của chị Cánh vẫy tay chào mẹ đỡ đầu Lương Thị Vân Thành (ở TP HCM) qua màn hình trực tuyến. Ánh mắt của chị Cánh cùng con như ánh lên niềm tin.

“Tôi là con dâu Phú Yên. Khi nghe các con bị mồ côi, thấy thương lắm, tôi bàn với ông xã nhận đỡ đầu các con và chồng tôi đồng ý ngay”, chị Thành, một người mẹ đang nuôi 3 con nhỏ, cho hay. Giống như những người mẹ khác, chị Thành mong muốn các con thực hiện được ước mơ của mình, cống hiến cho quê hương, đất nước. Sau này khôn lớn, các con sẽ dang rộng vòng tay giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn khác.

Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động, đến nay, Hội LHPN tỉnh Phú Yên đã kết nối 14 cá nhân và 2 tổ chức nhận đỡ đầu 22/22 trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19 và do các nguyên nhân khác với mức hỗ trợ hàng tháng là 500.000 đồng, tương đương 6 triệu đồng/năm. Ngoài ra, trong thời gian hỗ trợ, tùy điều kiện có thể hỗ trợ thêm sách, vở, đồ dùng học tập… phù hợp với trẻ.

Hai em Lê Khắc Tĩnh Toàn và Lê Nguyễn Kiên Cường ở thôn 7, xã Xuân Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa có những cái tên rất đẹp, nhưng cuộc đời của các em lại chẳng đẹp như tên mà bố mẹ, ông bà đặt cho. Vì muốn tương lai các con được tốt hơn, bố mẹ hai em đã xa quê vào miền Nam lập nghiệp. Đại dịch COVID-19 bùng phát ở TP HCM cuối tháng 4/2021 đã khiến người mẹ bị nhiễm bệnh khi đang mang thai gần 7 tháng. Dù đã rất cố gắng nhưng các y, bác sĩ chỉ có thể cứu được con..., nỗi đau này quá lớn với các em và người thân, bởi các em còn quá nhỏ. Bé Tĩnh Toàn mới gần 5 tuổi, bé Kiên Cường mới cất tiếng khóc chào đời, vì mưu sinh, bố các em quay lại TP HCM làm việc, bà nội đảm nhiệm vai trò người bà, người mẹ nuôi hai em. Chăm sóc các cháu chưa được bao lâu, bà nội Tĩnh Toàn, Kiên Cường phát hiện bị ung thư tuyến giáp.

Em Hoàng Xuân Sơn xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân có mẹ mất sau một vụ tai nạn, lúc ấy em mới 12 tuổi, tuổi thơ sống đơn độc trong căn nhà cũ, tự lo cuộc sống của mình, cú sốc ấy khiến em trở nên trầm tính vì nỗi nhớ mẹ....

Ngay tại chương trình truyền hình trực tiếp “Mẹ đỡ đầu – kết nối yêu thương” do Hội LHPN tỉnh và Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa phối hợp thực hiện các em đã được kết nối tới những người đỡ đầu. Khán giả Lê Xuân Tưởng tại xã Đông Thịnh (Đông Sơn) đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, cảm kích trước nỗ lực khắc phục khó khăn của em Hoàng Xuân Sơn đã nhận đỡ đầu em trong bao ánh mắt xúc động của khán giả ngay tại chương trình.

Bà Ngô Thị Hồng Hảo, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Các cấp Hội đã nhận đỡ đầu hơn 800 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã có những việc làm thiết thực dành cho trẻ bất hạnh. Chương trình “Mẹ đỡ đầu – kết nối yêu thương” thực sự lan tỏa, truyền thông điệp mạnh mẽ về tình người, về tình đoàn kết, tương thân tương ái - truyền thống tốt đẹp được lưu truyền từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam”….

Sau hơn nửa năm triển khai, rất nhiều trẻ em mồ côi do đại dịch và do các hoàn cảnh khác nhau đã có những người mẹ đỡ đầu. Có thể nói chương trình “Mẹ đỡ đầu” là một minh chứng rõ nét nhất cho sức mạnh của tình người, trong gian khó mầm yêu thương vẫn vươn mình lớn dậy.

Có 2 cách thức thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Thứ nhất: Cá nhân/tổ nhóm phụ nữ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại gia đình, cộng đồng, trung tâm, bệnh viện… Thứ hai: Các tập thể/cá nhân nhận đỡ đầu (gián tiếp) thông qua gia đình, người nuôi dưỡng; hoặc hỗ trợ, tài trợ qua Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” tại các cấp Hội. Trong đó: Khuyến khích vận động các tổ chức cá nhân nhận đỡ đầu để đảm bảo sự ổn định về môi trường sống, tâm sinh lý của trẻ. Mỗi tập thể, tổ/nhóm, cá nhân có thể nhận đỡ đầu một hoặc nhiều trẻ. Khuyến khích cam kết nhận đỡ đầu các con đến khi trưởng thành hoặc trong một thời gian nhất định theo điều kiện/khả năng của tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu hoặc nguyện vọng của gia đình.

Đọc thêm