Mẹ cổ hủ hại đời con gái
PV gặp bà mẹ ấy khi bà tìm đến trung tâm tư vấn hôn nhân gia đình của Hội phụ nữ để hỏi xem bà có thể giải thoát cuộc đời khổ đau của con gái mình bằng cách đứng đơn xin ly hôn hộ con được không.
Bà tên Nguyễn Thị P. 62 tuổi, trước đây là nữ hộ sinh ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Bà P. lập gia đình muộn nên năm 37 tuổi bà mới sinh một con gái và cũng là đứa con độc nhất. Tuân thủ theo nếp nghĩ cũ về chữ trinh của phụ nữ và cũng do đặc thù công việc hộ sinh, chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm của các sản phụ chỉ vì mất trinh trước khi cưới mà người chồng không chấp nhận con, nên ngay từ khi con còn nhỏ, bà P. đã riết róng dạy con bảo toàn trinh tiết. Con gái bà P. cũng nhất mực nghe lời mẹ, trong suy nghĩ của cô, phụ nữ chỉ có thể lấy được người chồng đàng hoàng khi biết giữ trọn chữ trinh.
Tai nạn không may xảy ra, khi con gái bà P. lên cấp ba phải đi học ở trường xã bên cách nhà hơn chục cây số. Bà P. sắm xe đạp cho con đi. Một ngày trời mưa phùn đường trơn, con gái bà đi học về bẩn bê bết từ đầu đến chân. Hỏi chuyện mới biết con bị ngã xe, bà P. giục con đi tắm. Thốt nhiên, từ trong nhà tắm con gái bà P. kêu lên thất thanh. Hốt hoảng đẩy cửa vào bà P. được con chỉ cho chiếc quần lót thấm máu dù phải nửa tháng nữa con mới đến “kỳ phụ nữ”.
Bà P. biết con gái đã bị rách màng trinh sau cú ngã xe. Vẫn hiểu đó không phải lỗi tại con, nhưng do suy nghĩ cổ hủ cả bà P. và con gái đều nghĩ cơ hội để lấy một người chồng đàng hoàng đã hết. Từ suy nghĩ này, sau khi con gái thi trượt đại học, bà P. đồng ý gả con cho một người làm nghề lái xe khách cùng thôn, dù anh này có một đời vợ và bản tính thích lăng nhăng. Con bà P. không yêu nhưng ám ảnh về chuyện mình không còn trong trắng, “nên có người lấy là tốt rồi”, cũng đành im lặng chấp nhận.
Con gái lấy chồng được 5 năm, thì bà P. biết mình đã hại đời con. Ngay sau ngày cưới, con rể bà P. liên tục chửi bới, đánh đập vợ. Mỗi khi nóng giận, say rượu là anh ta trút đòn lên người vợ với những lời lăng mạ về chuyện vợ không còn trong trắng khi đến với anh ta, mặc cho vợ và mẹ vợ lên tiếng thanh minh về tai nạn trong quá khứ. Đỉnh điểm là cách đây hai năm, con gái bà P. sinh con, anh con rể đã không chấp nhận đứa con này vì cho rằng con gái bà P. bắt anh “đổ vỏ”.
Trước hành xử của người chồng như vậy, con gái bà P. rơi vào trầm cảm sau sinh, suốt ngày ủ dột, ru rú ngồi góc nhà. Xót con, bà P. xin mang con, cháu về nhà chăm sóc nhưng con rể tuyên bố, vợ anh ta chỉ có thể ra khỏi nhà khi ly hôn, nếu không cứ ở đó cho anh ta hành hạ, đánh đập, bỏ đói... Nhưng với căn bệnh trầm cảm nặng, con gái bà P. không thể viết đơn ly hôn.
Luật cho phép mẹ đứng đơn xin ly hôn thay con gái
Lắng nghe câu chuyện và nguyện vọng của bà P., cán bộ tư vấn cho biết, theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc của hai vợ chồng. Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng.
Quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn chỉ có thể từ hai vợ chồng theo Điều 85 của luật: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn”. Thế nên, nguyện vọng “giải thoát cuộc đời khổ đau của con gái bằng cách đứng đơn xin ly hôn hộ con” của bà P. chiếu theo luật hiện hành là không thể được.
Tuy nhiên, cán bộ tư vấn cũng đã gợi cho bà P. một hướng giải quyết khi ngày có hiệu lực của Luật Hôn nhân – Gia đình năm 2014 đang đến gần. Cụ thể, từ ngày 1/1/2015, đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn sẽ không còn bó hẹp trong phạm vi hai vợ chồng nữa, mà sẽ được bổ sung “cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ” theo Điều 51 của Luật Hôn nhân – Gia đình năm 2014.
Với quy định này, bà P. hoàn toàn có thể có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con gái với lý do con bà đang mắc bệnh trầm cảm nặng không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời con gái bà cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình do con rể gây ra hàng ngày thông qua việc chửi rủa, đánh đập, bỏ đói vợ.