Nỗi lòng mẹ già
Tờ mờ sáng, khi đường phố còn vắng hoe, trước cửa TAND TP Hà Nội đã thấp thoáng bóng dáng một bà cụ lưng còng, tóc bạc, trạc đã ngoài 80. Bà ngậm ngùi cho biết, hôm nay, con trai bà hầu tòa, lâu rồi bà không gặp con nên khấp khởi lắm. Tính người già đêm dài khó ngủ đã đành, lại thêm phần bồn chồn, sợ đến muộn nên bà lọ mọ đi từ lúc chưa tỏ mặt người.
Thế rồi cũng đến giờ tòa án mở cửa, mò mẫm mãi cuối cùng bà cũng vào được phòng xét xử. Ngồi lọt thỏm dưới những cái bóng to lớn khác, bà cụ cứ nhấp nhổm hết đứng lên lại ngồi xuống. Muốn được nắm tay con, đưa miếng nước cho nó nhưng quy định phiên tòa không cho phép khiến bà cụ sụt sùi ngân ngấn nước mắt lặng lẽ theo dõi phiên xét xử.
Hạnh phúc sớm tàn
Con trai bà là Nguyễn Văn Vụ (SN 1982, ngụ TT.Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), bị cáo trong vụ án “Vận chuyển ma tuý trái phép”. Vụ là con trai út, trên còn 3 anh chị em nên được chiều chuộng từ bé.
Bà cụ vốn là mẹ đơn thân, một mình nuôi các con nên đủ thứ gian truân. Khi đã trưởng thành, các con mỗi người một nơi lập nghiệp, rồi lại lấy vợ, lấy chồng xa nên ít có dịp về thăm mẹ. Có cô con gái lấy chồng gần tưởng có chỗ dựa nào ngờ hoàn cảnh còn bi đát hơn cả bà khi không có con, chồng thì phát bệnh tâm thần lúc tỉnh, lúc mơ.
Chính vì vậy, Vụ được coi là niềm hi vọng duy nhất của bà cụ nên ngày con út lấy vợ bà vui lắm. Bà mơ đến một mái ấm với những đứa cháu ngoan, tay bồng, tay bế rộn rã cả nhà. Quả thực ngày đó cũng không còn là mơ khi vợ chồng Vụ sinh cho bà một đứa cháu trai kháu khỉnh. Cuộc sống không quá sang giàu nhưng với người phụ nữ cả đời bất hạnh như bà thì đó cũng đã quá mãn nguyện rồi.
Nhưng trớ trêu thay, tai ương bất ngờ đổ ập xuống khi đứa con dâu đột ngột qua đời vì tai nạn. Cú sốc quá lớn khiến Vụ hoàn toàn suy sụp, mất phương hướng trong cuộc sống. Không thể tìm được lối thoát cho bản thân, Vụ quyết định đi thật xa. Thi thoảng Vụ vẫn về thăm nhà, biếu mẹ ít tiền để chăm sóc con cho mình rồi lại đi luôn. Còn bà, dù đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn nhận trông nom nghĩa trang, ngoài ra, ai mướn việc gì cũng làm miễn có thêm thu nhập.
Bị cáo Nguyễn Văn Vụ trước vành móng ngựa |
Bi kịch nối bi kịch
Cú sốc mất đi đứa con dâu chưa nguôi ngoai thì bỗng 1 ngày công an báo tin Vụ bị bắt về tội liên quan đến ma túy khiến bà suy sụp, choáng váng. Đến hôm nay, ngồi dự phiên tòa, nghe đại diện Viện Kiểm Sát tuyên bố cáo trạng, bà mới biết nguồn cơn của sự việc.
Theo đó, trong thời gian đi làm ăn xa, Vụ có quen người phụ nữ chưa rõ danh tính tên Thanh. Ngày 17/9/2016, Thanh gọi điện cho Vụ nhờ lấy bột đậu và hạt tiêu từ một người quen biết để mang vào TP. Hồ Chí Minh làm quà. Lộ phí đi đường Thanh sẽ lo.
Theo chỉ dẫn của Thanh, Vụ cùng bạn đi xe taxi đến cầu Thanh Trì (Hà Nội) đứng đợi thì được một người đàn ông đến giao cho một chiếc ba lô và 5 triệu đồng. Ngay sau đó, Vụ tiếp tục đi taxi ra sân bay Nội Bài thì bị bắt giữ tại cửa soi chiếu an ninh. Khi đó, Vụ mới biết số hàng hóa trên là ma túy.
Ngày nghe tin Vụ phạm tội, bà không tin đứa con trai của mình lại dễ dàng sa ngã như vậy. Nuôi con từ bé, lời ăn tiếng nói tính cách Vụ ra sao bà là người hiểu nhất. Dù có đói khát cũng chưa bao giờ bà nghĩ Vụ sẽ làm liều. Hay là, phải chăng, sắp đến ngày bốc mộ cho vợ lo sợ không có tiền trang trải phí nên Vụ mới tha hóa bản thân? Những câu hỏi cứ lặp đi, lặp lại giày vò tâm can người mẹ.
Tuy nhiên, chứng cứ của cơ quan điều tra là không thể chối cãi, nếu chỉ là một người làm mướn thì không thể trong 2 tháng ngắn ngủi, Vụ đi ra vào chiều Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh tói vài chục lần. “Không còn nghi ngờ gì nữa, thằng Vụ đúng là có tội thật rồi?”, thâm tâm người mẹ nghĩ vậy.
Căn cứ vào hồ sơ vụ việc và quá trình xét xử tại toà, HĐXX cho rằng hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội vì đã vận chuyển số lượng ma túy đặc biệt lớn. Mặt khác, trong quá trình điều tra, bị cáo đã không phối hợp, tại toà, bị cáo không thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Do đó, cần thiết phải loại bỏ bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. Vì vậy, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Vụ tử hình cho tội danh: “Vận chuyển ma tuý trái phép”.
Nghe tòa tuyên án, bà chân run lẩy bẩy, hai hàng nước mắt trào ra rồi ngồi sụp xuống đất miệng thều thào nói: “Giờ đây hai bà cháu tôi biết sống ra sao, tội nghiệp cho cháu tôi khi phải chịu cảnh mồ côi, không cha không mẹ”. Rồi bà lại nghĩ đến đứa con của mình, không biết là thương hay trách nữa.