Mẹ mù chữ đưa 4 con vào đại học

(PLO) - "Một chữ bẻ đôi" cũng không biết, đến xe đạp bà Kính cũng chẳng biết đi. Phương tiện di chuyển duy nhất của bà là chiếc xe bò cũ. Vậy mà người phụ nữ ấy đã nuôi 4 đứa con vào đại học.  
 
Bà Kính luôn quả quyết: “Phải có con chữ mới đổi đời”.
Bà Kính luôn quả quyết: “Phải có con chữ mới đổi đời”.

Tảo tần

57 tuổi, nhưng bà Lê Thị Kính (ngụ xóm 3, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) trông già hơn so với số tuổi của mình. Dáng người nhỏ thó, mái tóc lưa thưa đã điểm bạc như minh chứng cho sự khó khăn mà người phụ nữ ấy từng trải qua. 

“Bốn đứa con, cháu thì đã ra trường đi làm, cháu hiện đang theo học ở Hà Nội. Thành ra nói gia đình đông con nhưng hiện nay chỉ có mình tôi ở nhà”, bà Kính cho biết.

Chồng bà do đặc thù công việc nên nay đây mai đó khắp nơi. Các công việc lớn nhỏ trong gia đình đều một tay bà Kính đảm nhận. Nhắc đến chồng, bà cho hay: “Tôi đã quen với sự vắng mặt của chồng. Với nghề thợ mộc, ông ấy đi làm từ Nam chí Bắc, chắt chiu từng đồng bạc gửi về cho con cái theo học”.

So với người dân trong vùng, bà Kính là một người đặc biệt. Nói về sự mù chữ của mình, bà Kính tâm sự, đến cả chuyện các con gọi điện về cũng không biết là ai. Chỉ đến khi nghe điện thoại, thông qua giọng nói bà mới biết đó là đứa con thứ mấy. “Vì biết mẹ không có chữ nghĩa nên mấy anh em khi mô (nào) cũng chủ động gọi điện về cho tôi”, bà tâm sự.

Bà Kính là con thứ 2 trong gia đình có 7 anh chị em. Hoàn cảnh khó khăn nên lúc nhỏ chưa học hết vỡ lòng đã phải nghỉ. Quần quật làm việc nên bà quên luôn cả con chữ mà trước đó mới tập làm quen. Lớn lên, tuy mù chữ nhưng bà vẫn nhanh nhẹn, tháo vát, làm tốt công việc nhà nông.

Chuyện lạ thứ 2 là bà Kính không biết đi xe đạp. Bà kể thời nhỏ đã từng có thời gian tập đi xe. Nhưng do một lần trượt ngã, bị trầy xước nặng nên bà Kính đâm ra sợ xe cộ. Phương tiện đi lại mà bà tự tin nhất đó là chiếc xe bò cũ. Còn bình thường mỗi khi có công chuyện hay đến nhà ai, bà đều đi bộ. “Đi lâu thành quen nên chuyện đó không quá khó khăn với tôi. Hôm nào có việc lên thị trấn thì đi nhờ xe hàng xóm. Có lẽ trong làng tôi là người duy nhất như vậy”, bà Kính tự nhận xét về mình. 

Hiện trong nhà có cả xe đạp lẫn xe máy nhưng chưa một lần bà dám đụng đến. Ngay cả việc dắt chiếc xe đi nơi khác, bà cũng lo sợ, nhiều hôm phải chạy qua hàng xóm “cầu cứu”. “Nhiều người bảo tôi quê mùa, lạc hâụ nhưng tôi sống như vậy quen rồi. Cách đây không lâu, mấy đứa con đã ra trường có ý định góp tiền mua tặng tôi chiếc xe đạp điện nhưng tôi không đồng ý, không chừng đang lành lặn, đi xe lại thành què”, bà tếu táo. 

Vợ chồng bà kết hôn vào năm 1984. Cả gia đình chủ yếu dựa vào 5 sào ruộng nên kinh tế từng rất khó khăn. Để có tiền nuôi, chu cấp ăn học cho các con, chồng bà đành giao hết công việc đồng áng lại cho vợ, rồi đi làm nghề mộc. Năm này qua năm khác, người phụ nữ với dáng người nhỏ thó luôn quần quật với mọi công việc ngoài đồng, từ cày bừa, cho đến cấy lúa, tỉa lạc, ngô, khoai…

Chồng đi làm thuê biền biệt quanh năm, trong khi bà Kính lại mù chữ nhưng 4 đứa con của họ đều thông minh, học giỏi và lần lượt đậu vào các trường đại học. Người con đầu Nguyễn Văn Nam (SN 1986) sau khi tốt nghiệp khoa Thủy sản, Đại học Vinh đã đi làm và lập gia đình. Cô con gái thứ hai Nguyễn Thị Hồng (SN 1990) cũng đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Em Nguyễn Văn Hà (SN 1993) mới tốt nghiệp khoa Thủy sản, Đại học Vinh. Riêng người con út Nguyễn Văn Hải (SN 1996) hiện đang chuẩn bị bước vào năm thứ 4, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Người phụ nữ hàng chục năm tần tảo nuôi các con vào đại học
 Người phụ nữ hàng chục năm tần tảo nuôi các con vào đại học

Chắt chiu

Nhớ lại những ngày tháng gian khổ khi các con nối tiếp nhau vào đại học, bà Kính kể: “Không thể kể hết được khó khăn. Kinh tế túng thiếu nên để chu cấp cho các con, vợ chồng tôi phải nhịn ăn, chắt chiu nhất có thể. Nhiều hôm thèm miếng thịt, con cá nhưng đành bấm bụng cất tiền để gom góp, gửi cho con cái”.

Nhiều bữa cơm, bà và con út chỉ ăn cơm với bát canh rau dại hái được ngoài vườn. Hàng xóm vô tình sang chơi thấy vậy giật mình, trách bà tiết kiệm quá, chỉ khổ thân. “Lúc đó, dù buồn tủi nhưng tôi cố vui vẻ phân trần, ngày mai là đến hạn gửi tiền cho con. Cứ vừa cầm được vài triệu tiền chồng gửi về thì ngay hôm sau, tôi phải nhờ người chở lên thị trấn chuyển tiền cho con. Vất vả nhất là thời điểm phải chu cấp tiền cho cả 3 đứa cùng học đại học. Ngoài tiền tiết kiệm, vợ chồng tôi phải vay mượn lãi nóng và ngân hàng”, bà chia sẻ.

Thấy bố mẹ cực khổ quá, đã có lần người con út đánh tiếng xin nghỉ để theo các bạn cùng trang lứa trong làng đi xuất khẩu lao động. Bà không đồng ý: “Nhà mình khổ đến đó là cùng. Mẹ không biết chữ nên cuộc đời mới vất vả, khổ cực như vậy. Vậy nên các con phải bám lấy con chữ để thay đổi số phận”. Ngay cả người chồng cũng có lúc “so bì” chuyện con mình đi học đại học với con nhà người đi xuất khẩu lao động. Nhưng bà Kính thì luôn quả quyết: “Phải có con chữ mới đổi đời”. Như hiểu được nỗi lòng bố mẹ, 4 anh chị em luôn bảo bản nhau cố gắng, phấn đấu.  

Việc nuôi 4 đứa con ăn học đã từng khiến gia đình bà Kính rơi vào cảnh nợ nần triền miên. Do các con cứ thay nhau vào đại học cùng với việc ở nhà tu sửa nhà cửa, nên đến năm 2016 vợ chồng bà mới trả xong khoản nợ hơn 100 triệu đồng từ nhiều năm trước. Bà Kính nhắc lại: “Cũng vì gắng gượng cho các con đổi đời, bớt khổ mà gia đình tôi từng trở thành con nợ. Nhưng với tôi, có khổ mấy cũng phải cho chúng nó biết chữ”.  

Các con đã đi làm, đi học xa, bà vẫn cất giữ cẩn thận số sách vở, giấy khen của các con ở trên gác, ở trong tủ, để làm kỷ niệm. Lật lại những chồng giấy khen, giấy chứng nhận học sinh giỏi của các con, nhớ lại những năm tháng đã qua, bà Kính bật khóc. Bà nói rằng, ngày trước hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, dành dụm được đồng nào cũng để cho con. Nhiều người thấy vợ chồng bà khổ quá có nói “ham danh lợi, tự hành hạ, làm khổ mình”. Bởi tại địa phương, phong trào đi xuất khẩu lao động khá nhiều. Một số nhà xem đó là cách làm giàu nhanh hơn nhiều so với chuyện học. Bà tủi thân nhưng rồi nhanh chóng vượt qua khi nghĩ đến các con. 

Chia sẻ về bí quyết để gồng gánh gia đình vượt qua giai đoạn vất vả nhất, bà Kính cho hay chỉ nhờ sự chịu khó, chắt chiu. Vợ chồng người nông dân vì thế không chỉ nuôi được các con học đại học mà còn cất được căn nhà chu tất.

Nói về sự hy sinh của bà Kính, ông Nguyễn Sỹ Thuyết, xóm trưởng xóm 3, xã Nam Lộc xác nhận: “Nhà bà Kính có nhiều con học đại học bậc nhất ở xóm này và đứng tốp đầu ở xã. Đây là một trong những gia đình hiếu học tiêu biểu, là tấm gương sáng trong phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương”.

Đọc thêm