Người Cơ tu quan niệm chỉ có người phụ nữ bị thần A’ul yêu thương rồi tìm gặp trong giấc mơ mới sinh ra những đứa trẻ da trắng, tóc bạc như vậy. Và nếu “chẳng may” thần “gửi lại” đứa con thì lúc chào đời, đứa trẻ phải trả lại cho thần bằng cách chôn sống. Nếu không, sinh linh này về sau sẽ là mầm mống gây tai họa cho cha mẹ và bà con buôn làng.
Tộc người Cơ tu tại huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) tới ngày nay vẫn có người cho rằng có một vị thần quyền năng hiện hữu trong cuộc sống của họ: Thần A’ul (thần nước). Trong những đêm trăng sáng, thần có thể tìm gặp các cô gái thần thương nhớ thông qua giấc mơ, đôi khi “gửi lại” cả đứa trẻ, khi chào đời sẽ có da trắng, mi, tóc bạc… Những đứa trẻ này thực chất bị bệnh bạch tạng, nhưng vì hủ tục, quan niệm lạc hậu mà bị gán ghép “con thần” khiến nhiều em bị xa lánh, chôn sống…
Quan niệm mê muội trẻ mắc bệnh là “con của thần”
Người Cơ tu quan niệm chỉ có người phụ nữ bị thần A’ul yêu thương rồi tìm gặp trong giấc mơ mới sinh ra những đứa trẻ da trắng, tóc bạc như vậy. Và nếu “chẳng may” thần “gửi lại” đứa con thì lúc chào đời, đứa trẻ phải trả lại cho thần bằng cách chôn sống. Nếu không, sinh linh này về sau sẽ là mầm mống gây tai họa cho cha mẹ và bà con buôn làng.
Câu chuyện của chị Đinh Thị Thơm (SN 1989, ngụ xã Tà Lu, huyện Đông Giang) mới xảy ra đang được người làng xôn xao kháo nhau như vậy. Người nhà cho biết, cứ mỗi đêm trăng, trong ngôi nhà thường có những tiếng động kỳ lạ. Tiếng leng keng như người gõ chén, tiếng lạo xạo như bàn chân người đi, cứ diễn ra suốt đêm, khiến không ai chợp mắt được. Đó chỉ là tiếng gió dội vào nhà, nhưng người mê tín nghi ngờ rằng dưới nền nhà là nơi ở của thần nước, mỗi đêm trăng thần hiện về lang thang.
Gia đình chị Định Thị Thơm có một đứa con bạch tạng bị dân làng chôn sống |
Ngay người mẹ của đứa trẻ cũng mê muội. Chị Thơm kể, bốn năm trước, đúng vào dịp Tết Nguyên đán, mọi người trong nhà ngạc nhiên thấy nhiều quà bánh được đặt ngay trên chiếc bàn thờ tổ tiên, trong khi nhà mình không ai đi mua. Chưa hết, phía dưới nền nhà lại xuất hiện những nét chữ tượng hình nguệch ngoạc tô màu đỏ giống như màu sơn. Bẵng đi một thời gian, thiếu nữ mang thai đứa con thứ hai với chồng.
Oái ăm, đứa trẻ chị sinh ra giống y như mô tả về những đứa con của thần A’ul trong truyền thuyết: Da trắng tinh, tóc bạc, mắt mờ, không nhìn được vào ban ngày. Người làng quả quyết đứa trẻ đích thực “con của thần A’ul”, phải trả lại thần để trừ hậu hoạ. Hết mực năn nỉ, khóc hết nước mắt, bà mẹ vẫn chịu thua hủ tục của buôn làng, ý đồ xấu của một vài người nào đó, đành để đứa bé cho mọi người mang đi… chôn sống. Không ai tính đến tình huống có ai đó đã cố tình “chơi xấu”, vu vạ gia đình đứa bé khốn khổ.
Cũng ở Đông Giang, hai bé gái Ating Thị Lúi (2001) và Ating Thị Liễn (SN 2003, ngụ xã A Tiêng) may mắn hơn so với hàng chục đứa trẻ mắc bệnh bạc tạng bị người làng bắt phải “bỏ đi”. Hai chị em còn giữ được mạng sống đến nay. Mẹ của hai em không hiểu lý do gì mà khi vừa cưới chồng, bỗng hay đau ốm liên miên, sức khỏe ngày càng yếu, cứ ngủ là nằm mộng. Sợ “thần nước” quấy rối, người chồng huy động thanh niên trong làng đến thức thâu đêm “diện kiến thần”. Nhưng không hiểu sao cứ đêm đến là những “vệ sĩ” dù có dùng cách nào cũng không chống lại được cơn buồn ngủ, lăn lóc trên sàn nhà.
Nửa năm sau, thai phụ sinh ra đứa con bạch tạng. May nhờ chính quyền biết trước, kịp thời can ngăn, đứa bé may mắn thoát chết. Hơn một năm sau, lại một bé khác tiếp tục ra đời, cũng không khác chị mình là mấy. Kể từ đó, gia đình hai đứa trẻ chưa một ngày được sống yên ổn. Hai em không được người làng coi là… người, hễ làng có chuyện lại bị bắt vạ. Cha mẹ đứa bé không làm ăn được gì, cả ngày chỉ ở nhà ôm khư khư hai đứa con, sợ những người mê tín trong làng rình rập bắt mang đi “tế thần”.
Vùng đất có nhiều đứa trẻ mắc bệnh lạ
Có một câu hỏi đặt ra từ nhiều năm nay mà chưa lời giải đáp: Vì sao vùng đất này có nhiều trẻ mắc bệnh bạch tạng như vậy?
PV đã tìm đến gia đình hai cô bé may mắn vượt qua được hủ tục. Hai đứa bé Ating Thị Lúi và Ating Thị Liễn đều khác lạ so với tộc người Cơ tu vốn có làn da đen nhẻm. Các bé có làn da trắng bóc, cả tóc, lông mi, lông mày đều một màu bạc.
Đặc biệt, thị lực các em không được tốt, ban ngày khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường đau rát, rất khó chịu. “Ban ngày mắt kém, buổi tối cũng khó nhìn, chỉ ít nhức rát hơn”, Ating Lúi nói. Hai cô bé vạch áo cho khách xem làn da: Ngoài việc trắng khác lạ, còn có những vết da bị bong tróc, xuất hiện những đốm đỏ ở cổ, hai cánh tay, bàn chân. Các em cho biết, hễ đi phơi nắng là ngay lập tức xuất hiện hiện tượng này.
Hai chị em Ating Lúi và Ating Thị Liễn may mắn thoát khỏi hủ tục |
Khác với nhiều người mê tín dị đoan, không tin vào những chuyện huyền bí mê hoặc, gia đình hai cô bé khẳng định những đứa con trong nhà bị bệnh. Thế nhưng vì nghèo khó, họ chưa thể đưa các con đi tới bệnh viện dưới xuôi khám chữa bệnh. Để biết chính xác, nhóm phóng viên Pháp luật & Thời đại đã đưa hai em về Trạm y tế xã A Tiêng. Theo nhận định của một cán bộ y tế, hai cô bé đã mắc chứng bệnh bạch tạng, một loại bệnh thường gặp ở miền đất này.
Để biết chắc chắn hơn, cần đưa các em đến bệnh viện da liễu khám, xét nghiệm máu, là những nghiệp vụ vượt quá khả năng của trạm y tế xã. Trước mắt, cán bộ y tế khuyến cáo gia đình loại bệnh này rất khó chữa, phải đội mũ, mặc quần áo dài tay mỗi khi ra nắng, tránh tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, đề phòng bị ung thư da. Về nguyên nhân gây bệnh, địa phương chưa giải thích được. Phải chăng vùng núi này năm xưa là nơi nhiễm chất độc hóa học của Mỹ - Ngụy, để lại di chứng đến đời con cháu?
Già làng Bh’riu Prăm (86 tuổi), được mệnh danh như một kho tàng sống của tộc người Cơ Tu ở xã Sông Kôn, huyện Đông Giang nhiều năm nay cũng trăn trở với vấn nạn trẻ bạch tạng bị sát hại. Già làng cho biết truyền thuyết về những đứa con được thần A’ul “gửi gắm” nên bị xa lánh, bị giết đã có từ rất lâu, nhưng một số người dân vẫn tin, muốn duy trì hủ tục man rợ này. “Biết là vô căn cứ, song để thay đổi nhận thức của người dân, chính quyền nên có những đoàn công tác vào tìm hiểu nguyên nhân, giải thích căn bệnh, cấp thuốc chữa chạy thì mới hết hủ tục được”, già làng Prăm nói.
Vũ Vân