Bến Bính (xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) có hàng trăm bà bán nước hành nghề từ sáng sớm đến đêm khuya. Nhưng hỏi bà Hoa thì ai cũng biết. Bà “nổi tiếng” bởi có cậu con trai vừa câm vừa điếc lại nghiện ngập, hai mẹ con lâm vào cảnh khổ đến cùng cực.
Bến Bính một thời con nghiện nhiều hơn người thường |
Nhặt từng xu lẻ nuôi con nghiện
Bà Trần Thị Hoa (SN 1963, xóm Chợ Bờ Đê, Bến Bính) có đứa con trai duy nhất tên Trần Quý Duy (SN 1987), to cao lộc ngộc nhưng bẩm sinh vừa câm vừa điếc, không công ăn việc làm đã thế lại mắc nghiện. Chồng bị bệnh chết sớm, người mẹ chạy hàng sớm khuya nuôi hai con. Con gái mới chớm lớn đã đi lấy chồng cho mẹ đỡ gánh nặng, riêng đứa con trai nghiện ngập thì đúng là “cục đá tảng” khiến bà ngày càng quắt queo vì kiệt sức và buồn phiền.
Đường đến nhà bà Hoa phải qua phà vượt sông, ngoắt ngoéo qua những đoạn đường khấp khểnh gạch đá. Trong số những ngôi nhà chông chênh trên rẻo đất có cái tên rất tạm bợ là “xóm chợ bờ đê”, nhà bà Hoa là xơ xác nhất, cửa mở toang, không một bóng người.
Nhà mẹ đẻ của bà gần đấy, nghe khách hỏi về đứa cháu nghiện, bà cụ lập cập vui sướng hỏi dồn: “Các cô các chú về đưa thằng Duy đi cai nghiện phải không?”. Chẳng cần nghe câu trả lời, bà lão cuống quýt nhờ người đi tìm mẹ con Duy về, nước mắt hoen gò má nhăn nheo: “Khổ thân thằng bé, ngoan thế mà nghiện”.
Mẹ con bà Hoa tất tưởi chạy về, bà giải thích nhà không có nước nên ngày nào bà cũng phải sang hàng xóm giặt nhờ. Cậu con nghiện ngồi bó gối nhìn mọi người nói chuyện, dáng vẻ lành như đất. Lâu lắm mới có người hỏi về cuộc đời của mấy mẹ con, bà Hoa bập bõm kể đoạn quên đoạn nhớ. Ngay như đứa con trai câm điếc của mình biết đến ma túy từ khi nào bà cũng không nhớ. Chỉ biết khi bà phát hiện thì thằng bé lúc ấy mới hơn 10 tuổi đầu, đã mê mẩn làn khói trắng.
Được mẹ cho đi học trường câm điếc, đến khoảng hơn 10 tuổi thì Duy nghỉ học, ở nhà lang thang theo chân mẹ bán nước ở chợ bến. Có lẽ thời gian vạ vật ở bến phà đã khiến thằng bé dính phải ma túy, khi phát hiện đã nghiện nặng, mỗi lần lên cơn lại về moi tiền mẹ. Từ ấy mấy mẹ con thường xuyên bữa no bữa đói do tiền đi chợ đã bị “con nghiện” "nuốt" hết. Bà mẹ nhiều lần phải nhịn ăn dành tiền cho con mua thuốc chống “vã”, có lần túng quá phải chạy vay vài ba chục của hàng xóm cho con...
Tổng kết về quãng đời 10 năm nuôi con nghiện, bà mẹ sụt sùi: “Ngày nào cũng thế, từ 3h sáng đến 11h trưa tôi bán nước ngoài bến, ngày nào đắt khách lắm thì được trăm ngàn, không thì vài chục, nhưng cứ phải dành ra một nửa để nhỡ con vã thuốc còn có tiền mà cho.
Khoảng 5 năm trở lại đây em nó nghiện nặng hơn, không hít nữa mà toàn chích. Sáng nào cũng phải làm 50 ngàn chống vã, lấy sức đi kiếm tiền mua thuốc, không kiếm ra lại về đòi mẹ. Có hôm cả nhà không một xu, tôi lại chạy đi vay. Trốn không được, không cho con tiền lại sợ con lấy trộm của người ta, bị đánh cho còn khổ hơn. Em nó câm điếc có biết gì đâu”.
Hỏi có biết Duy mua thuốc ở đâu không, bà mẹ lắc đầu: “Có biết đâu, những lúc ấy cứ đưa tiền đi cho khuất mắt, đỡ đau đầu, không thì đau đầu mà chết. Tôi vốn bị thần kinh nhẹ, con thì câm điếc, lúc thèm thuốc nó cứ ôm đầu rú lên ề à suốt đêm như người điên, hàng xóm cũng không chịu nổi. Lại phải đưa tiền chứ biết làm sao?”.
Duy và mẹ chỉ có một mơ ước lớn nhất là được cai nghiện |
Bi kịch con nghiện bị mọi trung tâm từ chối
Thanh niên tật nguyền khá hiền lành, vóc dáng to khỏe, ngày nào cũng theo mẹ ra bến bán nước, chầu chực xem có ai thuê mướn gì thì làm, từ cọ thuyền, bốc vác, kéo xe… Nhưng ở bến Bính này người thì một đống, việc thì một tí, cả tháng may được vài ngày có người thuê, nên cậu chẳng biết moi đâu ra tiền ngoài về “nã” mẹ.
Bà mẹ than thở, có những ngày “ số đỏ”, Duy bốc vác từ sáng đến tối được tới vài trăm ngàn nhưng hôm sau là hết ngay, “có tiền thì phê pha suốt ngày, bao nhiêu cũng hết, không tiền thì bữa sáng bữa chiều chống “vã””.
Nhưng bi kịch không giống ai của mẹ con bà Hoa là có muốn đưa con đi trại cai nghiện. Bà kể nhiều lần hai mẹ con dắt nhau đến các trại cai nghiện nhưng ở đâu họ cũng từ chối, vì Duy đã nghiện, lại thêm câm điếc. Con nghiện đặc biệt ấy khiến trung tâm cai nghiện cộng đồng nào cũng ngán ngẩm lắc đầu từ chối.
Từng có trường hợp chấp nhận cho Duy vào cai nghiện nhưng mức phí lại quá cao, mấy chục triệu một năm. Bà Hoa cả đời bán nước không đủ sức cáng đáng khoản tiền lớn như vậy, lại ngậm ngùi đưa con về. Tình cảnh mẹ già nhặt từng xu lẻ nuôi con nghiện kéo dài nhì nhằng đến nay đã được đến chục năm.
Người mẹ nghẹn ngào: “Tiền cho con là tiền mẹ quét nhà, cắt cỏ, làm thuê làm mướn cho người ta sau mỗi ngày bán nước. Người nghiện còn biết gì nữa, con mình câm điếc không nghe không nói được, chỉ biết có tiền đi mua thuốc, có biết gì đến mẹ khổ đâu”. Về nhà bà ngó quanh, thấy ngôi nhà trống hoác, mỗi chiếc vô tuyến cổ lỗ sĩ, hai cái quạt cóc để giường con giường mẹ, còn lại toàn chén bát sứt mẻ.
Bà mẹ cho biết cứ mỗi lần nghiện nặng, “đô” cao quá không chịu nổi, Duy lại đòi cai. Không trung tâm cai nghiện nào nhận nên bà tự cai nghiện cho con bằng cách mua thuốc về cho uống. Cai có đến 4 – 5 lần, mỗi lần vài triệu tiền thuốc nhưng được một thời gian lại đâu vào đấy, bà tự lý giải có thể do chưa đúng phương pháp, hoặc chưa đúng thuốc. Đợt này con cũng liên tục đòi mẹ cho cai nhưng mẹ đã cạn sức, kiệt tiền. Tiền bán nước chỉ đủ sống lúc đói lúc no, sức yếu không lăn lưng ra làm thuê kiếm thêm như trước được nữa, lấy đâu ra vài triệu cai nghiện cho con?.
Người địa phương nói chưa thấy Duy trộm cắp của ai một xu, nhưng lại làm mẹ khổ đến tận cùng địa ngục. Mỗi ngày bà mẹ gầy liêu xiêu lại xếp từng đồng tiền bán nước nhàu nhĩ cho con. Đứa con trai to khỏe cầm tiền, nhảy lên xe đạp phóng như bay đi đổi ngay lấy thuốc về phê pha. Càng kể bà mẹ lại càng khóc, nỗi u uất trong cả cuộc đời lận đận vì chồng con dường như không thể kìm nén. Suốt ngày đầu tắt mặt tối ven sông, bà chỉ biết loáng thoáng đến chủ trương “gom” hết các người nghiện đưa vào trung tâm cai nghiện và không ngừng hi vọng đứa con câm điếc của mình cũng được chấp nhận. Nhưng tất cả đều quay lưng với con nghiện đặc biệt ở bến Bính.
Nỗi mong mỏi cuối đời của người mẹ khốn khổ là được đưa đứa con khuyết tật vào trung tâm cai nghiện, để Duy có cơ hội đoạn tuyệt với chất chết trắng, và sống tiếp cuộc đời vốn thiếu may mắn từ lúc sinh ra. Nhưng đến lúc này, vẫn chưa có phép màu nào đến với hai mẹ con bà bán nước bất hạnh nơi xóm chợ Bờ Đê này. Người mẹ đưa tay làm dấu ý hỏi con: “Có muốn đi cai nghiện không?”, cậu con trai ngơ ngác hiền lành vội gật gật đầu, đồng thời ra dấu hỏi lại mẹ: “Bao giờ được cai”?. Người mẹ không trả lời được, lại bưng mặt khóc.
Người dân kể ở “đất dữ” bến Bính, một thời người nghiện nhiều hơn người thường. Cậu con câm điếc của bà Hoa đã là thế hệ thứ hai tàn đời vì ma túy trong gia đình này. Trong số những anh em của bà Hoa có đến hai người nghiện nặng, một người đã chết, một người ngoài 60 tuổi cũng đang “khốn khổ khốn nạn” vì cai không được. Ma túy đã tàn phá cuộc sống của những người dân bến sông này nói riêng, những con nghiện đất Cảng nói chung từ đời này sang đời khác, ngấm ngầm ăn mòn phá hủy cả sự bình yên của thành phố ven biển. Nếu không có sự quan tâm kịp thời của các cơ quan chức năng, những cuộc đời bi kịch như mẹ con bà Hoa sẽ đi về đâu?.
Câu trả lời xin nhường lại cho các cơ quan chức năng Hải Phòng.
PLTĐ