Mẹ thích so sánh, con mất tình yêu

(PLO) - Lấy những thành viên nổi trội để làm gương cho những thành viên khác là điều nhiều bậc cha mẹ hay làm. Thế nhưng, đôi khi, sự “làm gương” đã gây ra những bi kịch không đáng có.
Mẹ thích so sánh, con mất tình yêu
Coi thường nghề nghiệp của con rể
Lấy vợ đã 6 năm, gia đình nhà vợ thì có xa lạ gì, thế mà anh Nguyễn Trọng Kiên (TP.HCM) vẫn luôn coi gia đình vợ là “những người xa lạ”. Nhà vợ có giỗ chạp cúng kiếng, hiếm khi nào anh có mặt. Chỉ những dịp bất đắc dĩ như những ngày trọng đại cưới hỏi của gia đình hay Tết nhất, không tránh khỏi anh mới ló mặt ra với cái vẻ trầm ngâm, ít giao tiếp với ai. 
Chị Lê Hà, vợ anh, buồn nhiều vì khoảng cách chồng mình và gia đình, rầu vì gia đình cứ nói đến tai là “con rể coi thường nhà vợ”. Thế nhưng, chị hoàn toàn hiểu, thông cảm và khó có thể trách anh được. Bởi anh vốn là người đàn ông đàng hoàng, chân thành, tốt tính, yêu thương vợ con. Cư xử của anh với gia đình chị cũng là do cách gia đình chị đối xử với anh mà thôi.
Anh Kiên vốn là một thợ điện bình thường, lại làm rể ở nhà chị Hà, một gia đình được gọi vui là “tập hợp của những người thành đạt”: Hai anh trai và một chị gái của chị Hà đều làm ở những cơ quan nhà nước với vị trí đáng kể. Hai chị dâu của chị Hà, người thì làm cho công ty nước ngoài lương cao, người thì mở kinh doanh tại nhà thu nhập cũng rất ngon lành. Anh rể chị Hà là giảng viên một trường đại học ở TP.HCM, đi nước ngoài như đi chợ.
Bởi cái khác biệt đó mà ban đầu, khi chị Hà quen anh Kiên, gia đình đã ra sức cấm cản, cuối cùng, do chị Hà quá kiên quyết, nên họ đành chịu. Chị Hà những tưởng thời gian rồi mối quan hệ của hai bên sẽ thân thiết gần gũi hơn, gia đình chị sẽ nhận ra tính cách chân thành, tốt bụng đáng quý của chồng mình, thế nhưng mọi chuyện chẳng như ý muốn. 
Anh Kiên luôn là đối tượng của mọi so sánh trong những bữa họp mặt gia đình: Nào là sao thằng Kiên làm hoài mà chưa thấy có vị trí nào trong chỗ làm, lương mày giờ nhiêu, trời, giờ này còn mức lương đó hả? Hoặc: Không biết chừng nào vợ chồng thằng Kiên mới được du lịch nước ngoài như mấy anh chị nó; Hay thằng Kiên nghỉ việc đi, rồi mấy anh mày thu xếp cho cái công việc nào nhàn hạ hơn, lương cao hơn…. 
Những câu nói ấy cứa vào lòng anh Kiên, khiến anh thấy rõ là nghề nghiệp mình bị họ coi thường như thế nào, đối với họ, giá trị đồng tiền và vẻ hào nhoáng quan trọng thế nào. Chính bởi điều đó, mà mọi lời hòa giải của chị Hà hầu như không có giá trị. Anh Kiên mãi tách biệt hẳn khỏi nhà vợ, và đối với nhà vợ, anh luôn là một thằng rể thất bại, cứng đầu…
Dâu trưởng mới là nhất?
Cũng như anh Kiên, chị Hoàng Thu (Tây Ninh) luôn khổ sở vì những lời so sánh từ phía nhà chồng. Chị Thu là dâu thứ, luôn bị so sánh với chị dâu trưởng, vì chị ốm yếu hơn, vụng về hơn, không đảm đang tháo vát như chị dâu trưởng. Trong khi chị dâu trưởng vừa đi làm bên ngoài kiếm nhiều tiền, về nhà thì xởi lởi, có việc gì của gia đình cũng cắt đặt, tổ chức đâu vào đó, thì chị Hoàng Thu chỉ là một nhân viên kế toán bình thường, công việc nhà cũng cố gắng, nhưng vụng về và không thể chu toàn như chị dâu trưởng được. 
Mẹ chồng chị luôn than: Phải chi con Thu được một phần con Hòa (dâu trưởng) thì tôi phải nói là có phúc trọn. Hoặc: Sao cũng là dâu mà  con Hòa nó đảm, nó giỏi thế nhỉ. Đúng là chả ai được trọn vẹn… Chính những lời so sánh của mẹ chồng đã đào cái hố ngăn cách giữa chị Thu và bà, khiến chị Thu không thể nào có cảm giác gần gũi, thương yêu bà trọn vẹn, cũng như khiến chị ức chế, thường tìm cách lẩn tránh mỗi khi nhà có việc, để rồi lại càng bị so sánh nhiều hơn.
Xa cách chỉ vì so sánh
Chuyện so sánh không chỉ diễn ra giữa những chàng rể, nàng dâu, mà rất nhiều trường hợp, đối tượng là chính những đứa con trong nhà. Đến già rồi, bà Lan Hương (quận 7, TP.HCM) mới nhận ra cái sai của mình khi luôn đem các con mình ra so sánh với nhau trong quá trình nuôi dạy chúng. Ngày bà bị bệnh, gọi các con đến, tâm sự là bà gần qua đời, bà chỉ lo lắng cho các con, nhất là Thu Thảo, con gái út, vì nó có vẻ xa cách với anh chị em trong nhà và có phần nổi loạn, không sớm lập gia đình cho bà yên tâm. 
Lúc này, Thu Thảo mới khóc và nói: Con muốn hỏi thật mẹ từ đáy lòng, mẹ có yêu thương con bằng các anh chị không? Trước sự ngỡ ngàng của mẹ và các anh chị, Thu Thảo mới trút hết sự ấm ức của mình bấy lâu: Từ nhỏ, mẹ đã luôn chê con xấu quá, quá khác so với các anh chị. Rồi mẹ chê con vụng, con dở, đi học thì con học dốt nhất, làm cái gì cũng vụng về. Mẹ luôn nói, nhiều lúc không biết con có phải con mẹ hay không nữa? Chính những lời đó của mẹ, làm con không muốn gần các anh chị, vì càng gần con càng sợ bị so sánh. Con chọn cho con một cách sống khác, nổi loạn, vì con muốn mọi người ngoài xã hội nhìn nhận giá trị của con, không như gia đình mình, coi con là đứa tệ hại…
Thật ra, tự tâm mình, bà mẹ yêu các con như nhau. Nhưng chỉ vì cách ứng xử dở, mà bà đã khiến cô con gái út bị tách ra khỏi tình thương của bà, tách ra khỏi gia đình, và làm tổn thương tâm hồn cô. Giờ đây biết thì đã quá muộn, bà ăn năn vô cùng…

Đọc thêm