Mẹ Việt Nam ơi, cho con xin chia sớt nỗi buồn…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khi nói về đất nước và mẹ, nhà thơ Thanh Thảo có câu thơ nổi tiếng: “Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người/Là đứng theo dáng mẹ/Đòn gánh tre chín rạn hai vai…”. Trong khúc khải hoàn ca chiến thắng của Tổ quốc, có máu và nước mắt của gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước – những người đã hiến dâng chồng, con, cháu của mình cho cách mạng...
Mẹ Việt Nam ơi, cho con xin chia sớt nỗi buồn…

Chính vì thế, không chỉ vào dịp ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 hàng năm, mà bấy lâu nay, công tác chăm sóc, phụng dưỡng người có công, đặc biệt là Bà mẹ Việt Nam anh hùng- những người đã hy sinh cho đất nước những người ruột thịt thân yêu của mình- luôn được các cấp, các ngành và toàn Đảng, toàn dân quan tâm thực hiện. 

Phong tặng và truy tặng cho gần 140.000 Bà mẹ VNAH

Hàng năm, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức các buổi gặp mặt các thương, bệnh binh, người có công tiêu biểu. Năm 2019, Bộ LĐTBXH tổ chức gặp mặt, tuyên các thương binh, bệnh binh nặng tiêu biểu toàn quốc. Năm 2020, Bộ LĐTBXH phối hợp với các bộ ngành tổ chức chương trình gặp mặt 300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (Bà mẹ MVNAH) toàn quốc.

Trong dịp này, Bà mẹ VNAHTạ Thị Ky, sinh năm 1930, ở xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đã có dịp lần đầu tiên ra Thủ đô, thăm Lăng Bác Hồ như tâm nguyện bao năm nay. Mẹ Ky sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, mẹ đẻ của mẹ cũng là Bà mẹ VNAH. Mẹ Ky có hai con liệt sĩ và 1 người con được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chồng mẹ Ky hy sinh khi tham gia kháng chiến, một mình mẹ tần tảo nuôi các con, vừa đương đầu với những khắc nghiệt của chiến tranh. Chứng kiến cảnh người thân và người dân xung quanh bị giết, xóm làng bị tàn phá, mẹ Ky tình nguyện giúp bộ đội kháng chiến. Khi con trai của mẹ khôn lớn, mẹ đã động viên con vào quân đội, tham gia chiến đấu để giải phóng đất nước. “Lòng mẹ đau như cắt khi biết tin con trai đầu hy sinh, nhưng mẹ cũng tự an ủi mình rằng con của mình đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc”- mẹ Ky tâm sự.

Năm nay, mẹ Ky đã 90 tuổi, dù không minh mẫn như trước, nhưng ký ức về sự hy sinh của những người thân yêu và những năm tháng tham gia kháng chiến vẫn còn nguyên vẹn. “Trước đây, tôi cũng bị thương khi chèo thuyền đưa bộ đội qua sông. Lần đó, bị địch phát hiện và tấn công từ nhiều phía, dù đã được lực lượng trên bờ chi viện nhưng vẫn có nhiều bộ đội hy sinh, bản thân tôi thì bị thương, nhìn cảnh đó đau xót lắm”, mẹ Ky kể lại.

Dù khó khăn, nhưng một mình mẹ tiếp tục nuôi các con, cháu khôn lớn. Hòa bình lập lại, mẹ Ky vẫn sống giản dị và thường xuyên nhắc nhở con cháu giữ truyền thống gia đình cách mạng. 

Trong chương trình gặp mặt Bà mẹ VNAH toàn quốc vừa được tổ chức tại Hà Nội, có những người mẹ như mẹ Lê Thị Hự ở Ninh Thuận có chồng và 3 con là liệt sĩ, bản thân mẹ còn mang trên mình vết thương chiến tranh. Mẹ Nguyễn Thị Hữu ở Tiền Giang vừa là Bà mẹ VNAH, vừa là thương binh sau nhiều lần bị địch bắt tù, đày, tra tấn dã man. Mẹ Lê Thị Bê ở Long An, có mẹ chồng và mẹ đẻ đều là Bà mẹ VNAH, cả 3 người mẹ đều có chung nỗi đau mất cha, mất chồng, mất con… Hay mẹ Võ Thị Tặng ở Quảng Nam đã mất đi người chồng và 2 người con, mẹ chồng cũng là Bà mẹ VNAH, còn bản thân mẹ đã nhiều lần bị địch bắt giam cầm, tra tấn, giờ đây mang trên mình nhiều vết thương, di chứng nặng nề của chiến tranh để lại…

Để ghi nhớ công lao to lớn của các bà mẹ Việt Nam anh hùng và để giáo dục truyền thống cách mạng và đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, năm 1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Sau 25 năm thực hiện, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng danh hiệu cho gần 140.000 Bà mẹ VNAH, trong đó tỉnh Quảng Nam có số lượng Bà mẹ VNAH được phong tặng, truy tặng là 15.261 mẹ, tiếp đó là Bến Tre 6.905 mẹ, Quảng Ngãi 6.802 mẹ, Hà Nội 6.723 mẹ...

Tiếp tục sửa đổi, bổ sung chế độ ưu đãi đối với các Bà mẹ VNAH

Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Xuyến 90 tuổi ở tổ dân phố Ngọc Long 2, phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội là mẹ của hai liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tháng 9/1969, mẹ Xuyến tiễn người con trai Nguyễn Huy Vở sinh 1953 lên đường nhập ngũ. Lúc đó Nguyễn Huy Vở mới 16 tuổi, nhưng đã trốn đi khám tuyển nhập ngũ. Do gầy gò, chàng thanh niên Vở đã phải bỏ thêm đồ vào túi quần để đủ cân nặng tham gia quân ngũ. Khi biết chuyện, mẹ Xuyến đã động viên anh, tiếp thêm ý chí cho anh lên đường làm nghĩa vụ.

Nguyễn Huy Vở trở thành chiến sĩ, chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ cho đến khi anh hy sinh ngày 2/5/1972, lúc mới 19 tuổi.Anh Nguyễn Huy Phong, con trai thứ 2 của mẹ, lúc đó học cấp 3, cũng xin lên đường nhập ngũ. Mẹ Xuyến tiễn anh Phong lên đường nhập ngũ tháng 1/1973. Hai năm sau, một lần nữa nỗi đau lại ập đến với người mẹ tảo tần này khi nhận giấy báo anh Phong hy sinh vào ngày 18/1/1975, tại huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.Vượt lên nỗi đâu, mẹ Xuyến tiếp tục làm công tác xã hội, có nhiều đóng góp cho quê hương và tiếp tục nuôi dạy bốn người con còn lại ăn học thành người.

 

Ở phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội có 26 Bà mẹ VNAH, nhưng hiện chỉ mẹ Nguyễn Thị Xuyến còn sống. Bên cạnh các chế độ người có công, mẹ Xuyến được Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhận phụng dưỡng với mức 1 triệu đồng/tháng. Và vào các ngày lễ tết, ngày kỷ niệm trong đại của đất nước, chính quyền phường và các tổ chức đoàn thể đều đến thăm hỏi, tặng quà để tri ân mẹ.

Những năm qua, bên cạnh các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội cũng luôn thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực, từ những phong trào “Áo lụa tặng bà” của các cháu thiếu nhi cả nước, phong trào “Tấm chăn tặng mẹ” của các tổ chức, đoàn thể xã hội đến việc xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng Nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, đăng ký chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời những bà Mẹ Việt Nam anh hùng... Hiện 4.962 mẹ đang còn sống đều được các tổ chức, doanh nghiệp và gia đình chăm sóc, phụng dưỡng.

Ở góc độ pháp luật, Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng cũng được nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung phù hợp điều kiện thực tiễn của đất nước nhằm từng bước nâng cao chế độ ưu đãi đối với những người có công với cách mạng. Thời gian tới, Ủy ban Thường vụ QH sẽ tiếp tục xem xét việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh này, trong đó, có việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chế độ ưu đãi đối với các Bà mẹ VNAH…

“Đến nay, hơn 99,5% là người có công với cách mạng có mức sống bằng và cao hơn mức trung bình của người dân nơi cư trú rồi, còn lại ít hộ, chúng ta phải tập trung giải quyết chế độ. Với trường hợp không thể thoát nghèo được do bất khả kháng như vì lý do bệnh tật, các địa phương cần sử dụng đồng bộ các chính sách khác để hỗ trợ để giải quyết xong, không còn hộ người có công trong diện nghèo và cận nghèo”, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết.

“Nước mắt mẹ không còn vì khóc những đứa con/Lần lượt ra đi, đi mãi mãi…Mẹ đang cô đơn, chúng con yêu mẹ hơn/Mỗi chiều nghiêng nghiêng bóng/Ghi khắc trong lòng hình dáng mẹ ngồi trông….”. Có lời bài hát đã luôn ngân vang như thế để nói hộ nỗi lòng của những đứa con của Mẹ Việt Nam ở khắp đất nước này. Có thể khẳng định, nỗi đau và nước mắt của những bà mẹ Việt Nam không đo bằng năm tháng, mà đo bằng cả cuộc đời. Có những cuộc chia ly của mẹ với chồng với con là vĩnh viễn, bởi thân thể các chú, các anh đã hòa vào sông núi, ở đâu đó trên mảnh đất này. Vì thế, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và nhân dân đã làm hết sức mình, dành sự quan tâm lớn nhất và về vật chất và tình cảm để chăm lo phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, phần nào bù đắp hy sinh của các mẹ cho quê hương, đất nước.

Đọc thêm