Men theo tiếng Quảng, anh về…

(PLVN) - Lẽ thường, khi quý thương và muốn sẻ chia, tỷ như viết một chút gì đó, kể một chuyện nào đó, người ta ít ra phải có thời gian gắn bó hoặc cưu mang, ám ảnh bằng dăm ba kỷ niệm với đất, với người...

Tôi với xứ này lại khác, không hoàn toàn thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể trên. Vậy mà lạ thay, vẫn dây dưa một niềm yêu, một rung cảm đầy thương mến. Tôi gọi đó là những cảm thức đẹp, dẫu có khi thật rõ, có khi thật mơ hồ…

1.

Tiếng Quảng khó nghe, lạ tai thật, ấy mà cứ thích được nghe, không hiểu cũng không sao, vẫn thích. Có lẽ cách nói lệch, đọc chệch ấy làm nên một “thương hiệu” rất riêng, không trộn lẫn vào đâu được của người Quảng Nam. Và chính sự độc đáo ấy làm nên ấn tượng khó phai cho người đối diện.

Đặt bút viết bài này, tôi đang men theo ký ức để nhớ về một người bạn cũ. Và một cuộc gặp tình cờ nhưng vô cùng thú vị. Một cô gái Quảng Nam chính hiệu, đúng điệu. Ấy là trên chuyến tàu về quê ăn Tết năm nào, sau này khi nhắc lại, tôi hay ví von với bạn ấy là “chuyến tàu mùa xuân”, bạn ấy cũng hóm hỉnh đáp lại, anh làm thơ nên nói chi cũng thơ…

Tôi sẽ kể về cuộc gặp gỡ mà tôi cho rằng, nếu nó không éo le, hẳn là tôi và cô gái ấy đã lạc mất nhau như những bạn đường khác trên bao chuyến tàu ngược xuôi mỗi ngày. Đó là một cô gái đẹp. Không sắc sảo, khuê các mà kiểu mặn mà, nhu mì, đặc biệt sở hữu má lúm đồng tiền duyên dáng. Sau này, trong một bài thơ viết tặng cô ấy, tôi gần như vẽ lại nguyên vẹn chân dung khiến cô ấy bất ngờ.

Tàu Tết thì đông, đặc biệt đông. Mỗi giường nằm đã được người ta bán vé thành… ba chỗ ngồi. Tôi đang ngơ ngác tìm chỗ của mình thì chợt gặp một giọng Quảng cất lên, dò hỏi rồi hướng dẫn. À thì ra là chúng ta “chung giường”, bên cạnh còn thêm một cậu sinh viên nữa.

Tôi không thuộc tuýp người hay chủ động bắt chuyện với người lạ nên như lẽ thường mỗi khi đi tàu xe, tôi mang sách ra đọc, đọc cho nguôi ngoai thời gian đằng đẵng phía trước. Cô gái ấy có lẽ cũng có chút tò mò nên bắt đầu đãi tôi “một bữa tiệc tiếng Quảng” bằng những câu chuyện trên trời dưới bể, từ giảng đường ra chợ, từ ký túc xá đến thư viện… Thì ra là sinh viên năm cuối, trong khi lúc đó, tôi đã đi dạy học được gần 5 năm.

Nếu chỉ dừng lại ở đấy thì không có gì để nói. Khuya, tiết trời giáp Tết khá lạnh, nhưng nghĩ đến việc ngả lưng nằm ngủ là thấy rối bời rồi. Chiếc giường quá bé cho ba người. Đang loay hoay không biết có nên… ngủ ngồi hay thức thì tôi thiếp đi lúc nào không hay. Lâu lâu trở giấc thấy cô ấy vẫn thức, nhìn đăm đắm vào đêm như nghĩ ngợi một điều gì đấy. Và tôi biết, mặc dù khá mệt, cô ấy cũng rất ngại phải chợp mắt ngủ cùng bên cạnh những người lạ.

Rồi cho đến tảng sáng, khi tôi tỉnh dậy, cô gái ấy đã xuống ga từ lúc nào. Trong tôi dậy lên một cảm giác trống rỗng pha lẫn nuối tiếc như vừa đánh rơi đi một điều gì quý giá. Cô ấy xuống Tam Kỳ rồi mà không để lại một thông tin nào cả.

Tôi “cầu may” bằng cách hỏi cậu sinh viên bên cạnh rằng suốt quãng đường dài trò chuyện cùng nhau, hai chị em có trao đổi số điện thoại hay Facebook gì không. May quá, cậu sinh viên đã kịp có đầy đủ thông tin. Tôi chỉ muốn xin lỗi bởi sự vô tâm của mình, tôi chọn cách nhắn tin.

Tất nhiên, cô ấy vô cùng bất ngờ nhưng cũng nhanh chóng phản hồi, tôi còn nhớ như in dòng tin nhắn đó: “Em thấy anh ngủ ngon quá nên không đánh thức anh để chào tạm biệt. Em cũng nghĩ, nếu anh còn muốn kết nối, liên lạc với em thì kiểu gì anh cũng hỏi thông tin từ cậu sinh viên bên cạnh, em đã trao đổi số điện thoại với cậu ấy”.

Một cô gái đầy thú vị. Điều ấy lập tức lay thức tôi phải làm một điều gì đó. Và ngay trên chuyến tàu, tôi đã hoàn thành bài thơ nhỏ gửi tặng, bài thơ có cái tựa cũng mềm mại, duyên dáng như người con gái ấy. Sau này, tôi gửi đăng trên báo Quảng Nam, có hai câu kết: “… Em cười biếc mắt tháng giêng/ Mùa thơm rụng phía hồn nhiên xuân thì”.

Và rồi, chúng tôi thành bạn, cho đến tận bây giờ. Thân mà không thân. Cắc cớ là thế. Sau này, duy nhất chỉ gặp lại trực tiếp đúng một lần trong chuyến tôi đi Sài Gòn công tác, ít trò chuyện, có khi bẵng đi mấy tháng trời không một tin nhắn hỏi thăm, tương tác.

Bất chợt một ngày, tôi nhận được quà tặng là một cuốn sách hay, kèm một lá thư tay, được nghe cô thủ thỉ kể chuyện về tình yêu, cuộc sống, công việc, dự định… Tôi thường đối thoại với cô gái Quảng Nam vô cùng đặc biệt này như thế.

Cứ bước song song cạnh nhau, mỗi người một cuộc sống riêng, lựa chọn riêng nhưng tôi vẫn thấy trân quý vô cùng và nhiều lần thử đi tìm định nghĩa cho thứ tình cảm này mà không thể, bởi đơn giản là nó không có tên.

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say”.

2.

Lại nói về tiếng Quảng. Đến bây giờ, tôi tự tin là tôi có thể nghe ổn, “tiêu hoá” tốt là đằng khác, sẵn sàng “dịch sang tiếng Việt” nếu ai đó yêu cầu. Theo cảm nghiệm riêng mình, tôi cho rằng, tiếng Quảng sở hữu những thanh ngữ khá dễ thương, âm điệu mềm mại và rất hiền. Ngay cả khi họ nổi nóng, lớn tiếng, vẫn không hề thấy tiếng nói ấy mang vẻ gì cay nghiệt hay điêu ngoa.

Sau này, khi tiếp xúc với nhiều người gốc Quảng, tôi càng được trải nghiệm và thấm thía hơn câu thành ngữ “Quảng Nam hay cãi”. Thói quen này bắt nguồn từ bản tính bộc trực, thẳng thắn; cãi không phải vì bản chất háo thắng mà theo kiểu tranh luận, phản biện mang tính xây dựng. Rõ ràng, đấy cũng là một đặc trưng thú vị, khó trộn lẫn.

Hãy nhìn cách các cô gái tỉ tê, trò chuyện, cái “mô tê”, “chu choa”, “chi chi”, “răng rứa” sao mà đáng yêu nhường thế; “đợi em một xí”, “anh có ưng không”, “nhớ hung”… nghe xong muốn đợi, muốn ưng cả đời, định trách cứ điều gì cũng khó. Hỏi mấy ai không mềm lòng và đổ gục với những lời thỏ thẻ “doạ thưa” muốn tan chảy cả nỗi niềm từ những khuôn miệng xinh xắn, với thổ ngữ giản dị, hết sức tự nhiên của con gái xứ này.

Người Quảng, tiếng Quảng, từ người con gái với kỷ niệm đặc biệt tôi hằng quen; từ những người bạn từng gặp hay từ những hiểu biết, có khi từ trong mường tượng riêng mình luôn ắp đầy sự chân thành và dung dị. Nơi đây có những con người vô cùng mến khách với phép đối đãi, ứng xử rất đỗi chan hoà, trọng tình nghĩa; đặc biệt họ vô cùng tự tôn, yêu quê hương mình nặng sâu gan ruột để mãi tự hào ngân nga khúc hát liêu trai: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say”.

Mảnh đất này xưa nay đã sản sinh ra biết bao tao nhân mặc khách, làm rạng rỡ cả một vùng non nước xinh đẹp nơi đây. Ấy là Bùi Giáng tiên sinh, một thi sĩ tài ba, quái kiệt: “Chiêm bao tôi thấy tôi về Quảng Nam/ Rong chơi Đại Lộc, Điện Bàn/ Duy Xuyên, Tiên Phước, Hoà Vang, Thăng Bình”; là tượng đài thi ca Thu Bồn muôn sau hãy còn nhắc nhớ; gần hơn là một Vũ Đức Sao Biển, một Nguyễn Nhật Ánh tạo được những ảnh hưởng lớn, có được chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng.

Chợt nhớ những câu thơ nao lòng thay cho lời nhắn nhủ, mời gọi thiết tha những người con xứ Quảng xa quê: “Về thôi em, bận lòng chi xứ lạ/ Sông Thu ta dù bên lở bên bồi/ Dù mỗi năm mỗi nước lụt cuốn trôi/ Cây măng sậy vẫn bám bờ xanh mãi…”. Về Quảng Nam là về với tình đất, tình người xiết bao yêu thương, đắm đuối: “Biển dưới em con cá chuồn ngon lắm/ Trên nguồn anh trái mít phải lòng theo…” (Về thôi em - Dương Quang Anh).

Đến đây, dường như tôi đang mâu thuẫn với chính những dòng đầu tiên của bài viết này. Nhưng có lẽ, đó là mâu thuẫn trong sự thống nhất mà nền tảng là những lay thức đẹp, những rung cảm hết sức tự nhiên. Bởi, đâu cần phải sống, phải gắn bó với đất này; đâu cần phải dan díu bằng một tình cảm đủ đậm sâu với một người nơi đây mới có thể dành tình yêu cho xứ sở.

Tôi muốn nói nhiều hơn, vượt lên những lý lẽ thường tình ấy, như câu chuyện đặc biệt về cô bạn gái người Đại Lộc đã chia sẻ trên đây, rằng tình yêu cho đất, cho người nhiều khi chẳng đến từ một lý do nào cả.

Đọc thêm