1. Xây dựng thói quen lâu dài
Điều quan trọng là bạn phải hạn chế bụi bẩn xuất hiện trong các khu vực trải thảm càng nhiều càng tốt. Nếu mọi người thường đi giày trong nhà của bạn, hãy thay đổi thói quen đó bằng cách khuyến khích mọi người để giày dép bên ngoài khu vực trải thảm. Hoặc tốt hơn hết, là hãy để giày ở bên ngoài cửa và sử dụng giày dép đi trong nhà, điều này sẽ hạn chế các loại vi khuẩn lây lan vào trong ngôi nhà.
Nên duy trì thói quen vệ sinh thảm 1 lần/1 tuần với máy hút bụi. Khi dùng máy hút bụi để làm sạch thảm, bạn phải để ý cấu trúc sợi thảm để đưa máy theo chiều sợi. Nếu đưa máy ngược lại chiều sợi, thảm không những không sạch mà bụi còn quay lại thảm làm cho thảm càng ngày càng bị xơ đi.
2. Xử lý ngay những vết dơ
Để thảm luôn sạch sẽ, điều đầu tiên bạn cần ghi nhớ là phải lau chùi ngay khi nó vừa bị bẩn. Không nên chà xát lên thảm bởi có thể khiến cho vết bẩn len sâu thêm, càng khó làm sạch.
Bạn cũng nên dùng vải để thấm hút các vết bẩn trên thảm, không bao giờ dùng bàn chải cứng chà xát để tránh làm bung, hỏng các sợi vải. Khi vệ sinh, hãy lau từ vành ngoài, hướng về phía trung tâm để tránh vết bẩn lan rộng.
3. Nên sử dụng nguyên liệu tự nhiên để vệ sinh thảm
Việc thường xuyên làm sạch thảm bằng hoá chất không những ảnh hưởng đến độ bền, độ mềm mại tự nhiên của thảm, mà còn ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của những người trong gia đình bạn, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già.
Thay vì đó, bạn có thể nhờ cậy đến những nguyên liệu tự nhiên có sẵn trong tủ bếp nhà mình. Chúng có thể trở thành trợ thủ đắc lực cho bạn trong việc làm sạch thảm nhờ những cách làm đơn giản.
Đá lạnh: Đá lạnh chuyên được dùng để trị các vết kẹo cao su. Đầu tiên, bạn hãy cố gắng bóc hết những gì có thể ra ngoài, sau đó bỏ ít đá lạnh vào túi nhựa đặt lên vết cao su để trong vòng 10 phút. Tiếp theo dùng muỗng cạy hết vết kẹo cao su ra ngoài. Nếu kẹo cao su vẫn còn bám trong các sợi thảm bạn có thể dùng ít nước cốt chanh sau đó lau sạch.
Bột nở: Bột làm bánh là giải pháp làm sạch tự nhiên, linh hoạt cho các vết bẩn. Bột nở thậm chí còn có thể trung hòa mùi khó chịu. Rắc ít bột lên vết ố, sau đó đổ nước nóng lên trên đó. Cho hỗn hợp này thấm trong thảm khoảng vài giờ, thậm chí có thể để qua đêm. Với những vết bẩn khó tẩy, bạn có thể cho thêm chút giấm. Tuy nhiên cần lưu ý là tránh dùng giấm khi làm sạch những tấm thảm màu tối, bởi giấm có khả năng tẩy màu sau khi tẩy sạch vết bẩn.
Muối: Muối được coi là “phương thuốc” tốt để làm sạch vết ố bẩn từ rượu vang trên thảm. Lấy muối đổ vào phần thảm bị rượu vang rớt vào. Đợi cho đến khi muối chuyển sang màu của rượu vang, bạn tiếp tục bỏ lượt muối khác lên. Lặp lại quá trình này đến khi vết bẩn biến mất.
Với những vết bẩn từ rượu vang đã khô, hãy thử mẹo vặt khác là sử dụng nước khoáng và giấm để ngâm, sau đó làm sạch thảm sau vài giờ.
Giấm trắng: Màu nâu của cà phê luôn khiến nhiều gia đình bó tay và phải vứt đi chiếc thảm yêu quý. Giờ đừng lo lắng nữa, hãy trộn 1 thìa giấm trắng với 1/4 cốc cồn, rồi dùng vải ẩm thấm hút dần dần. Lặp đi lặp lại cho đến khi sạch hết vết bẩn biến mất.
Nước chanh: Đơn giản chỉ cần sử dụng ít nước cốt chanh đổ vào vết bẩn và sau đó sử dụng vải mềm để lau nhẹ nhàng, vết bẩn trên thảm sẽ nhanh chóng biến mất. Với những vết bẩn cứng đầu, bạn có thể trộn ít nước cốt chanh với nước rửa chén hoặc giấm giúp thảm trở nên sạch sẽ ngay lập tức.
Bột mì: Bột mì thường được dùng để tẩy vết dầu ăn trên thảm. Đầu tiên, bạn dùng bông hay giẻ thấm hết dầu, sau đó rắc bột mì lên, bột mì sẽ hút phần dầu bị thấm vào trong thảm. Sau khoảng 15 phút, dùng máy hút bụi hút sạch bột mì. Cuối cùng dùng khăn ẩm lau sạch.