Mẹo lau dọn bàn thờ ngày 23 tháng chạp Âm lịch hàng năm

(PLO) - Cách lau dọn bàn thờ ngày 23 tháng chạp Âm lịch hàng năm đúng, chuẩn nhất không phải ai cũng biết.

Hàng tháng vào mùng 1 và ngày rằm chúng ta đều dọn dẹp bàn thờ và cúng lễ, nhưng dịp cuối năm trước thềm tết Âm lịch (tết Nguyên Đán) mới là thời điểm quan trọng để bày biện lại bàn thờ.

Dù nhà cửa trang hoàng lộng lẫy, dù đủ mọi đồ trang trí xa hoa nhưng bàn thờ chưa dọn dẹp bày biện cũng chưa thể gọi là đón Tết. Chúng ta cùng tìm hiểu những nguyên tắc đúng để bày biện bàn thờ gia tiên nhé!  

Nên dọn ban thờ gia tiên vào thời điểm nào?  

Thông thường, bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp (23/12 Âm lịch) – thời điểm tiễn Táo Quân lên trời là mọi người bắt đầu thu xếp thời gian dọn dẹp, bày biện bàn thờ. Tất nhiên việc này kéo dài tới trước giao thừa là mọi việc phải hoàn tất.

Việc quét dọn bàn thờ tục gọi là “quét tàn tinh” nhưng lưu ý nếu năm đó nhà ai có tang ma thì không được quét, kiêng khói bụi bay vào mắt người chết.  

Dân gian quan niệm rằng, sau khi các Táo lên chầu trời, chỉ còn 1 số thần nhỏ ở lại “trực” để duy trì trật tự, do đó nếu có xê dịch hay đảo lộn đồ đạc cũng không mạo phạm đến các thần.  

Bài văn khấn trước khi lau dọn bàn thờ ngày 23 tháng Chạp  

Trước khi tiến hành vệ sinh ban thờ, bạn thắp hương và khấn xin phép như sau: 

"Nam mô a di Đà Phật! 

Nam mô a di Đà Phật! 

Nam mô a di Đà Phật! 

Con xin tấu lạy 9 phương Trời, 10 phương chư Phật, chư Phật 10 phương.

Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ long mạch thổ thần đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân. 

Tín chủ con là:……………… 

Ngụ tại:…………………. 

Con xin tấu lạy vong linh các cụ gia tiên cửu huyền thất tổ, bà tổ cô và các bà cô các đời, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đó dòng họ X. (họ nhà bạn là gì thì thêm vào) tại…… (nhà ở đâu, quê ở đâu thì thêm vào).

Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp (hoặc 30 tháng Chạp), con xin phép được bao xái lại bàn thờ gia tiên để cho sạch sẽ để tiễn năm cũ, đón năm mới tới, mong chư vị Phật Thánh, các cụ gia tiên tiền tổ, bà tổ cô, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ của họ X, chấp thuận.  

Nam mô a di đà phật 

Nam mô a di đà phật 

Nam mô a di đà phật".

Sau hơn nửa tuần nhang thì bạn có thể tiến hành vệ sinh bát nhang và ban thờ.  

Cách lau dọn bàn thờ ngày 23 tháng chạp Âm lịch hàng năm đúng, chuẩn nhất  

Trước khi thực hiện lau dọn, gia chủ phải tắm rửa sạch sẽ chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên rồi thắp hương và khấn thông báo với các thần linh và gia tiên về việc hôm nay sẽ dọn ban thờ nên mời thần linh và gia tiên tạm lánh để con cháu thực hiện công việc. Đợi cho hương cháy hết gia chủ mới bắt đầu thực hiện công việc.  

Nên vệ sinh ban thờ vào ngày 23 hoặc 30 tháng Chạp.    

Khi bắt tay vào việc, cần phải chuẩn bị một chiếc bàn hoặc mâm trên có phủ giấy trắng hoặc giấy đỏ để đặt các đồ thờ, bát hương, bài vị. Nếu gia đình ngoài gia tiên còn thờ các thần linh khác thì phải chuẩn bị hai chỗ đặt khác nhau, không được để lẫn. Trong vấn đề này, cũng có một số ý kiến từng cho rằng bài vị và bát hương gia tiên không được xê dịch vì sợ “động” sẽ ảnh hưởng đế con cháu. Do vậy chỉ nên lấy tay giữ và dùng khăn sạch nhúng vào rượu pha với gừng giã nhỏ cộng nước hoa lau cho sạch.  

Tuy vậy hiện nay nhiều nhà nghiên cứu cũng như các chuyên gia văn hóa cho rằng không nên quá câu nệ điều này. Việc hạ đồ thờ xuống sẽ giúp chúng ta lau được sạch sẽ hơn, cẩn thận hơn. Miễn sao khi hạ xuống đừng đặt các thứ đồ thờ vào những nơi ẩm thấp ô uế làm mất đi tính trang nghiêm là được. 

Nước để lau dọn bàn thờ gia tiên phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh. Ngoài ra có thể dùng rượu hòa với gừng hoặc tỏi giã nhỏ để tẩy uế.  

Về thứ tự công việc, nếu có bài vị thì trước hết phải lau bài vị rồi sau mới lau đến bát hương và các đồ cúng khác. Nếu gia đình thờ cả thần Phật thì phải lau dọn bài vị thần Phật trước rồi mới lau bài vị gia tiên. 

Việc lau dọn ban thờ cũng thường được kết hợp với thay chân nhang trên bát nhang. Sau một năm với nhiều dịp giỗ, lễ, các bát hương đã khá đầy các chân nhang nên cần tỉa bớt đi nhưng phải để lại một số chân nhang cũ chẳng hạn 3 hoặc 5 hoặc 7 hoặc 9 tức là các số lẻ.

Cũng không nên cầm ngược bát hương đổ hết tro ra ngoài mà nên dùng thìa xúc từng thìa nhỏ ra. Bởi lẽ việc đổ hết tro và chân nhang ra ngoài bị người xưa quan niệm là sẽ gây hao tán tài lộc cho gia chủ. Các chân nhang sau khi tỉa ra phải đốt rồi thả xuống sông suối hoặc bón cây chứ không nên đổ lung tung.  

Các bát hương sau khi lau và tỉa chân nhang xong, đợi cho khô ráo thì dùng các tờ tiền vàng đốt hơ quanh. Nếu bát hương thờ thần Phật thì dùng 7 tờ tiền vàng, bát hương tổ tiên thì 3 tờ, gia chủ cầm các tờ tiền đó đốt hơ quanh bát hương để cho cháy một nửa thì bỏ vào trong.

Đợi cho tiền vàng cháy hết thành tro thì đổ tro vào một lượt gọi là “ra nhỏ vào lớn” tượng trưng cho mong muốn “tiền vào như nước tiền ra nhỏ giọt". Ngược lại nếu lúc đầu không dùng thìa múc mà đổ tống ra xong lúc sau lại dùng từng thìa múc tro vào thì gọi là “vào nhỏ ra lớn” sẽ tượng trưng cho “tiền ra nhiều mà tiền vào ít”.  

Sau công đoạn này, gia chủ đặt lại bát hương lên bàn thờ và thắp hương mới. Việc thắp hương lần đầu này thời trước cũng có một tập tục khá phức tạp là phải thắp 12 nén hương theo vòng tròn như mặt đồng hồ. Nén đầu cắm ở vị trí 1 giờ và khi cắm hương thì đọc “năm năm đều tốt”. Que thứ hai cắm ở vị trí 2 giờ, khi cắm đọc tháng tháng đều tốt. Que thứ 3 cắm ở vị trí 3 giờ và đọc ngày ngày đều tốt… Cứ như vậy cho đến nén thứ 12 thì xong.

Tuy nhiên tục này có phần rườm rà và ít người còn thực hiện. Thường sau khi lau dọn xong, gia chủ thắp hương và khấn một lần nữa báo cáo công việc đã hoàn tất đồng thời cầu xin gia tiên phù hộ độ trì cho con cháu mạnh khỏe bình anh là kết thúc công việc lau dọn ban thờ.   

Đọc thêm