Méo mặt để con... đỡ gù lưng

 Chưa kịp vui mừng trọn vẹn với Thông tư 26 đánh dấu việc con em từ nay sẽ không phải ngồi học còng lưng, dướn cổ nữa, thì các bậc phụ huynh đã phải đau đầu vì lời kêu gọi “lòng nhiệt tình... cho bàn ghế” khi con em bắt đầu tựu trường.

Chưa kịp vui mừng trọn vẹn với Thông tư 26 đánh dấu việc con em từ nay sẽ không phải ngồi học còng lưng, dướn cổ nữa, thì các bậc phụ huynh đã phải đau đầu vì lời kêu gọi “lòng nhiệt tình... cho bàn ghế” khi con em bắt đầu tựu trường.

Bàn ghế học sinh sẽ phải tuân theo tiêu chuẩn mới. Ảnh minh họa

“Mừng quá đi chứ vì cuối cùng Bộ cũng nhìn ra!”

Tại cổng trường Tiểu học P.Đ.G (quận Thanh Xuân, Hà Nội), ông Nguyễn Văn Chính - ông ngoại của một học sinh lớp 3 đã nói với PV như thế. Lo ngại của ông Chính cũng là lo ngại của rất nhiều phụ huynh vì trong các hoạt động giáo dục, tư thế ngồi chiếm phần lớn thời gian học tập, sinh hoạt tại trường của học sinh.

Thế nên, nếu việc sử dụng bàn ghế không chuẩn thì không chỉ ảnh hưởng đến các hình thức hoạt động dạy và học, làm cản trở việc nâng cao chất lượng giáo dục, mà đặc biệt còn dẫn đến các bệnh học đường như: Ngực lép, cong vẹo cột sống, gù lưng, cận thị, lâu dài sẽ nảy sinh bệnh đau cột sống, thoái hóa1 cột sống, cơ thể phát triển không cân đối, sẽ gây ra những khuyết tật về cơ thể không đáng có của các em và những hậu quả xấu về sức lao động sau này.

Từ trước tới nay, do vấn đề này chưa được đặt lên bàn nghị sự của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào để trở thành chuẩn chung mang tính pháp lý nên  các cơ sở sản xuất bàn ghế thường tự chọn tiêu chuẩn ở nguồn nào đó. Và, các trường cũng thường mua bàn ghế kiểu “ưng” giá cả, kiểu dáng chứ chưa thực sự quan tâm nhiều đến chuẩn về thông số kỹ thuật.

Chính vì vậy nên Thông tư liên tịch số 26 giữa các Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN và Bộ Y tế ngày 16/6 hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông đã được các phụ huynh nhiệt liệt chào đón vì “đây là lần đầu tiên có một quy chuẩn mang tính pháp lý cụ thể về bàn ghế cho học sinh do nhiều cơ quan quản lý nhà nước đồng thực hiện” - theo lời một phụ huynh có con đang học ở trường Tiểu học C.L. Cô nữ sinh lớp 5 con của phụ huynh này cũng cho biết: “Các bạn lớp cháu thích lắm vì bàn ghế mới thì ngồi lâu sẽ không bị mỏi nữa”.

Lòng nhiệt tình cho... bàn ghế?!

Khi được hỏi về nguồn kinh phí để thực hiện Thông tư 26, một lãnh đạo của  Bộ GD&ĐT đã cho biết: “Các địa phương phải chủ động thực hiện trang bị cho hợp chuẩn, Bộ không trang bị bàn ghế cho các trường. Bộ sẽ giám sát việc thực hiện”. Như vậy, quy chuẩn thì đã có, nhưng vấn đề mấu chốt là tiền thì vẫn lửng lơ một câu hỏi.

Theo như tính toán của thầy Phạm Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long Hà Nội thì giá bàn ghế trường đang dùng có mức 650.000 đồng/bộ, trường đang có 25 phòng học, bình quân khoảng 28 bộ bàn ghế/lớp. Vậy, giả định áp chuẩn mới mà tất cả bàn ghế của trường đang dùng không hợp, phải thay thế thì sẽ tốn rất nhiều tiền, với khả năng của riêng trường không thể làm ngay được, phải mất ít nhất 5 năm. Đấy là một trường nằm giữa Thủ đô, còn đối với các trường ở vùng sâu, xa kinh phí hạn hẹp, đến sách vở vẫn còn thiếu thốn thì tính sao?

Nhiều hiệu trưởng các trường cho rằng chỉ còn duy nhất một cách đó là người học phải đóng góp kinh phí cùng nhà trường thực hiện, hay nói cách khác là kêu gọi “lòng nhiệt tình vì... bàn ghế” từ các phụ huynh. Nhưng tới đây một vấn đề lại đặt ra là liệu khi các trường làm vậy có xảy ra tình trạng có trường lạm dụng Thông tư 26 để tăng thu, tăng gánh nặng đầu năm học cho phụ huynh học sinh hay không?

Chị Nguyễn Thị Phi, có con đang học tại Tiểu học V.K (huyện Mê Linh, Hà Nội) lo lắng: “Tôi nghe nói nhà nước có chủ trương về bàn ghế mới cho trẻ con nhưng phụ huynh cũng phải đóng góp tiền để mua. Nhưng nhà nông chúng tôi trông cả vào mấy sào ruộng, nhà lại có 3 đứa con đi học lo tiền học đã mệt, mà giờ phải đóng thêm tiền mua bàn ghế nữa thì tính sao?”. Anh Trần Đức Lê (ở khu tập thể Trương Định, Hà Nội) cho biết, vì là thành viên Ban phụ huynh nhà trường nên mới đây anh đã được phổ biến chủ trương thay đổi bàn ghế cho con em theo tinh thần “Bộ và Sở ủng hộ, nhà trường và phụ huynh nhiệt tình chung tay”. Như vậy thì đúng là “trăm đâu đổ đầu phụ huynh rồi còn gì” - anh Lê nói.

Con ngồi ghế thấp, bố mẹ đóng tiền mua ghế cao

Một trong những quy định của Thông tư 26 là “bàn ghế được bố trí phù hợp với đa số học sinh. Trong một phòng học có thể bố trí đồng thời nhiều cỡ số”. Khi đọc tới quy định này nhiều phụ huynh cũng phàn nàn vì sẽ dễ xảy ra tình trạng “con ngồi ghế thấp, bố mẹ đóng tiền mua ghế cao” do chỉ có thể tính toán đóng góp theo cơ chế bổ đầu trung bình, chứ không thể cặn kẽ với từng trường hợp. Còn theo ông Lê Trần Long (Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học) thì việc bố trí nhiều cỡ bàn ghế trong 1 lớp học, về mặt lý thuyết tiêu chuẩn kỹ thuật thì tốt, nhưng bất tiện về thực tiễn bố trí phòng học với đặc thù giảng dạy. Nên nếu được, nên dùng loại bàn ghế có thể điều chỉnh linh hoạt chiều cao so với chiều cao của mỗi học sinh sẽ vừa thuận lợi trong sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh vừa tiết kiệm chi phí sửa chữa, thay thế.

Hồng Minh  

Đọc thêm