Mèo Vạc, nơi Xuân về rất sớm

(PLO) - Ngày tết, trên con đường chính vào bản rực rỡ hoa mận, hoa lê, bầy trẻ con áo quần sặc sỡ đang túm tụm chơi các trò chơi dân gian. Ở một bãi đất rộng, mấy anh chàng mặc quần áo dân tộc nhưng mái tóc vuốt keo sành điệu liếc mắt đưa tình với đám con gái váy áo mới tinh, má ửng như táo chín đang cúi mặt cười e thẹn...

Hoa đào, hoa mận đã nở báo xuân sang.
Hoa đào, hoa mận đã nở báo xuân sang.
Tết no ấm của đồng bào Mông ở Hà Giang
Khác với nhiều dân tộc trên dải đất hình chữ S thân thương, đồng bào dân tộc Mông đón tết cổ truyền sớm hơn hẳn 1 tháng vì họ quan niệm mỗi tháng có 30 ngày, không có tháng thiếu, tháng thừa hay năm nhuận nên ngày mùng 1 tết của người Mông là ngày thứ 361 của năm (ngày mồng 1 tháng Chạp thay vì mồng 1 tháng Giêng như thông lệ). Tết của người Mông kéo dài cả tháng với những lễ hội, đình đám mang đậm nét văn hóa đặc sắc của bà con dân tộc trên rẻo cao…
Tại các bản làng của “thủ phủ đá” Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), tết sớm đã về trong tiếng khèn rộn rã và hoa mận, hoa lê bừng nở sắc trắng tinh khôi, nõn nà bất chấp cái lạnh thấu xương của mùa đông. Trong những căn nhà nép mình bên lưng núi hay trên các ngả đường quanh xóm, làng đều đầy ắp tiếng cười và lời chúc nhau năm mới nhiều may mắn. Năm nay, đời sống ấm no nên bà con đồng bào Mông nơi đây đón tết thêm phần rộn rã.
Theo chân Bí thư Đảng ủy xã Lũng Pù Nguyễn Minh Thuận, chúng tôi tới thôn Lũng Lử A để đón tết cùng bà con. Thôn Lũng Lử A nằm cách trung tâm xã Lũng Pù chừng 5km, toàn thôn có 65 hộ với 100% đồng bào Mông sinh sống. Do đặc trưng đồng bào Mông ở Mèo Vạc đón tết theo dòng họ, mỗi dòng họ tổ chức phần lễ theo từng ngày khác nhau, nên thời gian ăn tết của mỗi dòng họ cũng khá chênh lệch. Năm nay, dòng họ Sùng ở Lũng Pù gần như đón tết sớm nhất ở xã.

Trong căn nhà vững chãi nằm lưng chừng núi, gia đình anh Sùng Mí Nà đang tất bật chuẩn bị rượu, thịt để tiếp đãi anh em, họ hàng. Năm nay mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt nên các gia đình có của ăn, của để. Nhà anh Sùng Mí Nà quyết định mổ lợn ăn tết, mấy người anh em ở tận thôn xa cũng đến từ sớm để giúp gia đình. Chỉ một lúc, con lợn 70kg được xẻ thịt xong. Gia đình chuẩn bị tới 4 mâm cơm tươm tất đãi khách, số thịt lợn còn lại được ướp muối rồi treo gác bếp sử dụng dần. 

Nếu như năm trước chỉ có vài đĩa thịt được mua ở chợ cùng với ít bánh ngô, mèn mén và rượu thì năm nay, do đời sống được nâng cao nên bữa ăn cũng có nhiều thay đổi. Bữa cơm nhà anh Nà có đến cả chục món ăn, thịt lợn được chế biến thành nhiều món, mèn mén được thay bằng xôi nếp, chén rượu ngô uống vơi rồi lại đầy. Năm nay đón nhiều khách nên gia đình anh Nà vui hơn hẳn, bởi theo quan niệm, ngày tết nhà nào có nhiều khách đến chơi thì nhà ấy sẽ gặp nhiều may mắn. 

Gia đình anh Sùng Mí Nà mổ lợn làm cỗ tết. Ảnh: Kim Tiến
Gia đình anh Sùng Mí Nà mổ lợn làm cỗ tết. Ảnh: Kim Tiến 

Bữa ăn ngày tết của người Mông không phân biệt đàn ông hay phụ nữ, già, trẻ, gái, trai đều có thể ngồi ăn chung. Bởi sau một năm vất vả bận rộn, tết mới có dịp để anh em gặp gỡ, sẻ chia. Sau khi uống cạn chén rượu mời khách, anh Nà tâm sự: “Mấy năm trước còn khó khăn nên nuôi được con lợn, con bò không dám mổ. Mặc dù thoát nghèo từ năm 2011 nhưng đến năm nay mới có điều kiện mổ lợn đón tết. Trong thôn năm nay cũng có nhiều nhà mổ lợn. Vui lắm!”.

Trong những ngày tết sớm, trẻ em theo bố mẹ đến các gia đình chúc tết; thanh niên xúng xính trong quần áo mới trẩy hội trên những con đường quanh xóm làng và chơi những trò chơi truyền thống. Đây cũng là dịp để các đôi trai gái tỏ tình, có nhiều cặp đã nên duyên vợ chồng. 

Ngay trước cổng vào UBND xã Lũng Pù, chúng tôi gặp một nhóm thiếu nữ đang chơi tung còn, tiếng cười giòn tan trong gió lạnh. Ngại ngùng khi thấy khách lạ nhưng sau một lúc làm quen, em Thò Thị Sinh cho biết, nhóm bạn chơi cùng đều học cùng trường cấp 2 của xã. Có nhà đã ăn tết, có nhà chưa, nhưng hẹn nhau từ trước để đi chơi cùng nhau. Do phong tục tết sớm kéo dài nên các trường học trên địa bàn xã đã tạo điều kiện cho các em được nghỉ học đón tết cùng gia đình và sẽ tiến hành học bù sau khi ăn tết xong.

Vừa đón tết cổ truyền vừa làm du lịch

Bà con người dân tộc Mông ở Mộc Châu (Sơn La) năm nay cũng đón một cái tết đầy đủ, sung túc hơn. Khắp các xã, bản của người Mông ở Mộc Châu như: Pà Cò, Tân Lập, Chiềng Xuân, Chiềng Sơn, Lóng Luông, Lóng Sập… ngập chìm trong không khí đón xuân rộn rã, tưng bừng. Tiếng cười đùa của lũ trẻ càng khiến hương vị tết thêm ấm áp. 

Các bé gái chơi ném còn ở Lũng Sù. Ảnh: Kim Tiến
Các bé gái chơi ném còn ở Lũng Sù. Ảnh: Kim Tiến 

Tết cũng là ngày người Mông đoàn viên, sum họp, tham gia hội hè, nghỉ ngơi và tận hưởng niềm vui bất tận sau những ngày lao động vất vả. Thời gian này lúa đã gặt xong, ngô, khoai đầy bồ, lợn, gà, trâu, bò đầy sân, nhà cửa đã được sửa sang và dọn dẹp sạch sẽ. Những người phụ nữ cũng đã thêu xong những bộ váy áo mới để cả nhà kịp diện đi chơi tết, đàn ông thì tất bật mổ gà, lợn, nấu thêm rượu để chuẩn bị cỗ tết cho gia đình thật tươm tất, no đủ. 

Theo tục lệ, người Mông thờ ma nhà (tổ tiên) cùng những nông cụ giúp họ sinh sống. Họ quan niệm, con người được nghỉ ngơi vui chơi vào ngày tết thì các vật dụng trong nhà cũng cần được nghỉ ngơi. Có như vậy thì năm mới sẽ làm ăn thuận lợi, mùa màng sẽ tốt. Thế nên, đến chiều ngày 30/11 âm lịch, người Mông dán giấy màu lên ban thờ, vì kèo, cột nhà và cả những nông cụ như cày, cuốc, xẻng, dao, cào... dựng ở cạnh góc bàn thờ 10 ngày rồi mới mang ra dùng.
Người Mông cúng tổ tiên bằng một con lợn sống, một con gà trống tơ. Họ mong muốn tiếng gà gáy sẽ gọi thần mặt trời dậy để trời đất thoát khỏi cảnh tối tăm. Cúng lễ xong, gà và lợn được mang đi giết thịt, làm cỗ. Trong 3 ngày tết, đàn ông Mông sẽ thay phụ nữ làm hết những việc nội trợ, ngụ ý đàn ông là người trụ cột sẽ gánh vác mọi việc trong gia đình. 
Những ngày tết, mọi hoạt động nương rẫy, trồng cấy ở các bản làng đều tạm gác lại để ăn cỗ tết, chơi hội và thăm thú, chúc tụng nhau. Tết cũng là dịp các đôi trai gái hẹn hò, yêu đương, lựa chọn ngày lành tháng tốt nên hôn sự. Suốt hơn một tháng trời, những người dân bản cùng nhau say trong chất men ngọt lừ của bát rượu ngô thơm nồng, chuếnh choáng trong men xuân ấm áp của đất trời, giữa những bóng váy xòe hoa sặc sỡ dập dìu trong tiếng khèn sáo rộn rã mùa gọi bạn.

Đọc thêm