Mệt với 'bồ nhí' 24/7 của chồng

(PLO) - Gọi nó là kẻ “cướp chồng”, “cướp cha” của con chị cũng không ngoa vì anh thực sự như bị bùa mê thuốc lú. Ngày anh kè kè bên nó, đêm anh không rời nó, sáng mở mắt việc đầu tiên là tìm nó.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Vợ con không phải “đối thủ”

Nó chính là cái điện thoại di động, vật bất ly thân của chồng chị. Anh có tới hai chiếc điện thoại. Một chiếc chuyên sử dụng trong công việc, còn một chiếc để người nhà và những mối… quan hệ công việc thân liên hệ. Vấn đề thực sự không đơn giản khi anh lại là giám đốc điều hành một công ty truyền thông. Điện thoại trở thành vật bất ly thân trong công việc của anh. Anh có thể quên ăn, quên ngủ, quên…  vợ con chứ không thể quên điện thoại.

Năm thì mười họa, anh mới có một bữa ăn cơm tối cùng vợ con nhưng lúc nào cũng chình ình hai chiếc điện thoại đặt trên bàn. Bữa tối là quỹ thời gian duy nhất trong ngày chị và các con mới có thể trò chuyện với anh nhưng anh lại quá bận với hai chiếc điện thoại. Vừa ăn, anh vừa nghe hết cuộc điện thoại này tới cuộc điện thoại khác, rồi lại gọi chỉ đạo nhân viên, rồi lại chat chít, nhắn tin.

Có hôm cơm nguội ngắt mà anh còn chưa ăn xong nổi nửa bát. Thế rồi mải việc anh cũng bỏ dở luôn. Lũ trẻ hết nhìn bố lại nhìn bát cơm cắm mặt ăn. Bữa cơm nhạt nhẽo kiểu này của gia đình cứ kéo dài hết tháng này qua năm khác quá lâu rồi kể từ anh thành giám đốc. 

Dù là đi đâu, thậm chí đi toilet anh cũng mang theo hai chiếc điện thoại. Nhiều hôm chị phát điên vì anh ngồi thiền trong toilet với hai cái điện thoại tới cả tiếng đồng hồ. Một năm anh cũng cố thu xếp một lần du lịch cả gia đình. Nhưng đi du lịch với anh chán hơn cả ở nhà. Ba mẹ con muốn chơi gì thì chơi, muốn tắm thì tắm, muốn shopping thì shopping, anh luôn chung thủy với “người tình” trong phòng hoặc quán cà phê. 

 

Có lần cậu con trai thứ hai mới 4 tuổi gọi bố không được nên đã giằng điện thoại, cú rơi bất ngờ từ trên bàn xuống nền gạch đã khiến màn hình tối om. Thằng bé còn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến cái điện thoại bung thành ba mảnh rơi thì đã nhận được một cú bạt tai của bố vì tội nghịch ngợm. Đó là lần đầu tiên thằng bé bị bố đánh chỉ vì chiếc điện thoại hỏng. Thằng bé quá bất ngờ và òa khóc.

Chị lao tới thì nhận được một tràng cáu gắt: “Em làm gì mà không trông con để nó phá hoại thế này…” Mẹ khóc, con khóc, bố thì chẳng quan tâm vì còn mải gọi điện thoại cho nhân viên “khắc phục sự cố” tày đình này. 

Chẳng biết từ bao giờ, giữa anh và chị tồn tại một khoảng cách vô hình. Lũ trẻ cũng ngày càng xa lạ với bố vì hầu như anh chẳng bao giờ có thời gian nhìn chúng chứ đừng nói là nói chuyện với chúng. Mà một trong những nguyên nhân không nhỏ góp phần là từ chiếc điện thoại. 

Mấy chiếc điện thoại cũng là nguyên nhân khiến anh chị ngày càng xa cách. Tần suất gần gũi của vợ chồng đã thấp mà chất lượng còn đi xuống vì những lí do rất trời ơi. Có lần vợ chồng anh chị đang “giao ban” thì điện thoại báo tin nhắn. Chẳng cần biết mình đang làm gì dở dang, anh vùng dậy cầm điện thoại và gọi ngay cho nhân viên xử lý công việc, mặc chị… bẽ bàng trên giường. Không biết bao lần như vậy, chị cảm thấy hẫng hụt vô cùng.

Mỗi lần chị đề cập tới chuyện anh quá mải mê với những chiếc smart phone kia thì chỉ nhận được thái độ khó chịu: “Tôi làm việc chứ có chat chít, nhắn tin bồ bịch linh tinh đâu mà cô kêu ca lắm thế. Tôi bận bịu cũng chỉ vì sự sung sướng của mẹ con cô”.

“Sung sướng”, chị nghe hai từ này mà chảy nước mắt. Chị như mất chồng kể từ ngày có smart phone. 

Tới nhân viên cũng khốn khổ 

Không chỉ vợ con mà tới những nhân viên của vị giám đốc điều hành này cũng toát mồ hôi hột vì những cú điện thoại bất ngờ của sếp.

Cô trợ lý cúa sếp lúc nào cũng phải lăm lăm hai tay hai chiếc điện thoại dù có đi đâu làm gì. Mẹ chồng cô không biết bao lần lườm nguýt con dâu vì cái tội tới bữa ăn mà cô đặt chễm chệ chiếc điện thoại trên bàn và cứ tí nhát lại ngó hoặc thò tay nhấn vào màn hình kiểm tra. Chẳng là sếp của cô có thói quen làm việc rất… hết hồn.

Sếp không cần biết ngày đêm, sáng tối thế nào, có ý tưởng gì chợt lóe lên là anh có thể bấm máy gọi nhân viên. Kinh khủng nhất là sếp có “thói quen” sau một hồi chuông không nhấc máy là ăn mắng luôn. Thế nên cứ điện thoại đổ chuông là cô hồn bay phách lạc. Có những hôm 2 giờ đêm, sếp gọi điện, cô thì tá hóa còn chồng cô phát bực. Đã thế đang dòng cảm hứng, sếp chỉ đạo mãi không thôi.15 phút, 30 phút, sếp không cần biết nhân viên nữ của mình đang khốn khổ vì chồng hậm hực. 

Nói chung làm việc với sếp này thì cứ xác định hại não, đau tim. Chẳng phải riêng cô mà cả “tập đoàn” trưởng các bộ phận cũng khốn đốn vì mức độ “làm phiền” điện thoại và chỉ đạo công việc bằng smart phone của sếp. Anh trưởng phòng hành chính không biết bao lần mệt vì những cú điện thoại đêm hôm của sếp. Vợ anh nổi tiếng ghen, đêm hôm cứ thấy chồng ra hành lang nói chuyện điện thoại nên bán tín bán nghi. Nói thật thì vợ không tin, nói dối thì càng chết. Nhà cửa nhà anh trưởng phòng hành chính không ít lần tanh bành vì những cú điện thoại đột ngột kiểu này.

Đỉnh điểm nhất là chuyện của cô kế toán trưởng. Hôm ấy cô đang trên đường đi viện sinh con, sếp điện thoại không được alo ngay cho trưởng phòng nhân sự yêu cầu đuổi việc luôn. Trưởng phòng nhân sự không hiểu chuyện gì, mãi sau liên lạc lại mới biết cô kế toán trưởng bận đi đẻ nên mới “thờ ơ” với điện thoại của sếp như thế.

“Scandal” này đã trở thành giai thoại của sếp ông và khiến toàn nhân viên công ty choáng váng. Thành ra nhân viên ở công ty này cũng “nghiện” điện thoại chẳng kém sếp. Nhiều ông chồng, bà vợ của họ phải nhìn chiếc điện thoại với ánh mắt thù oán.

Đọc thêm