Metoo đã đến Việt Nam?

(PLO) - Mấy ngày gần đây, hashtag với cụm từ #metoo (Tôi cũng thế) đã bắt đầu xuất hiện trong một số bài viết trên mạng xã hội. Sau một thời gian dài có vẻ như không mặn mà với phong trào phản đối quấy rối tình dục đang lan rộng ở tầm quốc tế, giờ đây thanh niên Việt Nam cũng bắt đầu nhập cuộc.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Xuất phát từ vụ scandal tại Hollywood khi các nữ diễn viên lên tiếng tố cáo những kẻ lạm dụng tình dục mình, phong trào metoo nhanh chóng được các nghệ sĩ phương Tây lên tiếng đồng tình và lan rộng từ các lễ trao giải đến mạng xã hội. Từ đó, phong trào lan nhanh sang Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tại các quốc gia mà metoo được phát động mạnh mẽ, nhiều gương mặt "yêu râu xanh" núp bóng đạo mạo, dưới vỏ bọc nổi tiếng và được trọng vọng: Đạo diễn, nhà sản xuất, giảng viên đại học hay chính trị gia... đã bị lôi ra ánh sáng. Trong đó có cả những câu chuyện hơn 20 năm, có những kẻ đã tiếp diễn hành vi của mình vài chục năm trời, khiến bao người phụ nữ phải âm thầm chịu đựng nỗi đau của mình. Kết quả mà #metoo đem lại là có người bị mất hết danh dự, có người từ chức, thậm chí tự sát vì ân hận cho tội lỗi của mình.

Tuy nhiên, mặc dù #metoo lan mạnh ở nhiều nước, nhưng tại Việt Nam, thời gian qua phong trào này vẫn khá im ắng. Trong khi đó, từ làng giải trí cho đến nhiều môi trường khác, người ta vẫn âm thầm biết rằng, có tồn tại không ít sự việc bị quấy rối, dâm ô, lạm dụng tình dục hay bị cưỡng hiếp.  Cho đến khi sự việc của một nữ sinh viên báo chí bị người hướng dẫn thực tập tại một toà soạn cưỡng hiếp bùng nổ trên các phương tiện truyền thông, thì tại Việt Nam, những hạt giống đầu tiên của phong trào#metoo bắt đầu nảy nở.

Sau vụ việc của nữ sinh nói trên, một cựu nhà báo khác cũng lên tiếng mình từng bị "sếp" tại một toà soạn quấy rối. Và tiếp đó, phụ nữ làm việc trong những lĩnh vực khác cũng bắt đầu lên tiếng kể về những câu chuyện của mình khi phải đối mặt với những "con yêu râu xanh". Một nữ nhà báo đã "liệt kê" một danh sách những người từng có ý định hoặc quấy rối mình, trong đó có sếp, thầy giáo và một số người khác. Chị K.T., phát thanh viên cũng chia sẻ về sự cố xảy ra khi đi làm ở một công ty, bị sếp trực tiếp liên tục tấn công khiến chị phải bỏ việc.

Nhiều người khác, có cả những nghệ sĩ trong showbiz, dù chưa đứng ra kể câu chuyện của mình, nhưng đã chia sẻ quan điểm và treo hashtag #metoo thể hiện sự ủng hộ phong trào...

Thực tế, nếu #metoo lan mạnh, những câu chuyện được chia sẻ nhiều bởi những người dám dũng cảm lên tiếng, đó không chỉ là một cách để đưa nhiều vụ việc bê bối liên quan đến quấy rối, lạm dụng tình dục ra ánh sáng, giảm bớt các hành vi xấu, mà thông qua những chia sẻ ấy, nhiều bạn trẻ có thêm những kiến thức, bài học kinh nghiệm để có thể ứng phó trước những tình huống xấu diễn ra trong công sở, trường học hay ở nhà...

Tất nhiên, dù là một phong trào mang nhiều tính khai mở về quan niệm cũng như góp phần đem lại công bằng, sự thật cho các nạn nhân của quấy rối, xâm hại tình dục, nhưng kinh nghiệm từ các nước, #metoo không phải không chứa đựng ít nhiều vấn đề từ việc một số thành phần lợi dụng phong trào để vu khống, hạ bệ nhau hoặc mục đích trục lợi. Chính vì thế, #metoo một cách kiên quyết, chính trực và tỉnh táo là điều rất cần thiết cho cộng đồng người trẻ Việt đang tha thiết với làn gió mới này. 

Đọc thêm